Ba chồng tôi
*Tạp bút của TRẦN HOÀNG MAI
Cách đây hơn 30 năm, tôi được về làm dâu của ba. Ngay khi ấy tôi đã rất muốn viết một bài báo về ba chồng của mình khi biết ông là Chính ủy của Đoàn vận tải 559 lừng lẫy một thời - Đại tá Huỳnh Cao Sơn. Nhưng khi vừa nghe tôi ngỏ ý, ông đã chậm rãi gạt đi. “Ba chưa muốn, mà cũng chưa phải lúc. Để đến khi ba về với ông bà tổ tiên, về với đồng đội đã hy sinh. Khi ấy nếu con vẫn còn muốn viết về ba thì viết”.
Thế mà cũng đã hơn 30 năm trôi qua. Tôi vẫn nhớ lời ba dặn dù cuộc sống bộn bề cuốn tôi đi, nào công việc, nào mưu sinh rồi con cái… Tôi vẫn nhớ nhưng càng ngày tôi lại càng thấy hình như hiểu biết của mình về những người lính như ba tôi chẳng thấm vào đâu so với tầm vóc của họ. Tôi chưa hiểu đủ nhiều và càng bơi vào đó tôi lại càng thấy sẽ rất bạc bẽo nếu lãng quên dù chỉ là một mẩu nhỏ. Tôi vẫn chưa đủ sức viết về ba mình đâu nhưng chia sẻ một góc có lẽ là được.
96 mùa xuân đã đi qua cuộc đời ông, để đến khi trái tim người chiến sĩ cả một đời chiến đấu, hy sinh cho đất nước và dân tộc đã ngừng đập thì điều đọng lại trong ký ức của cả gia đình và đồng đội là niềm tiếc thương vô hạn và sự ngưỡng mộ của lớp con cháu hậu sinh. Dẫu biết, quy luật sinh, lão, bệnh, tử là lẽ hiển nhiên ở đời và ba chồng tôi cũng như ngọn đèn cạn dầu thì ngừng cháy như mọi người vẫn nói nhưng không có cuộc chia ly nào lại không để lại nhớ thương. Với tôi, không chỉ là tình cảm của một đứa con dâu trong gia đình mà còn là lòng ngưỡng mộ một người cha, một đại tá quân đội nhân dân Việt Nam, từ người thanh niên 17 tuổi quyết tâm đi bộ đội cho đến khi là một quân nhân ngực đỏ huy chương ngày trở về như tấm ảnh thờ ông hôm nay.
Đời binh nghiệp của ông là những ngày trèo đèo, lội suối, băng rừng và không ít lần hiểm nguy trước quân thù, khi thì mặt trận trong nước, lúc lại ở nước bạn Lào và Campuchia. Những năm tháng đó chắc chắn là những kỷ niệm chẳng thể nào quên của ông và đồng đội. Tên ông đã gắn liền với lịch sử và kỷ yếu của Đoàn vận tải 559. Và đó là quãng đời tươi đẹp rất đáng tự hào của ba chồng tôi. Giờ phút làm lễ truy điệu trước khi đưa ông về với đất mẹ, tôi rất xúc động khi nghe đại diện Hội Cựu chiến binh đọc quyết định phủ quân kỳ lên quan tài ông. Cuộc đời người lính có lẽ, đây là giây phút trọng đại nhất khi lá quân kỳ ôm trọn hình hài của người chiến sĩ ấy sau khi đã đi hết chiều dài đất nước với những chiến công oanh liệt, đã thanh thản ra đi khi hoàn thành nghĩa vụ với non sông, đất nước và gia đình để rồi đất mẹ lại ôm người lính ấy vào lòng, ru mãi giấc ngủ ngàn thu.
Ngừng đập rồi một trái tim nhiệt huyết, một trái tim yêu nước và trọn đời vì đất nước, non sông. Ba ra đi để lại đằng sau niềm tự hào, nỗi tiếc thương và sự ngưỡng mộ của toàn thể gia đình và với tôi, đứa con dâu của ba vẫn vẹn nguyên sự ngưỡng mộ ấy như hơn 30 năm trước.