Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Cần sự tham gia của các tổ chức
UBND tỉnh vừa tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Ðể thực hiện hiệu quả chủ đề “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn” trong thực tế, cần quan tâm đến sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội theo quy định mới.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) được Quốc hội thông qua ngày 20.6.2023, có hiệu lực từ ngày 1.7.2024, trong đó dành hẳn chương IV với quy định mới, cụ thể về “Hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội”, được nhiều người quan tâm.
Theo Luật BVQLNTD, tổ chức xã hội tham gia BVQLNTD bao gồm tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (thường được biết đến là các hội BVQLNTD) và tổ chức xã hội khác (được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật) tham gia BVQLNTD.
MTTQ Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội chủ yếu có trách nhiệm tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ đoàn viên, hội viên, người dân và giám sát các vấn đề liên quan đến BVQLNTD.
Nhân viên hướng dẫn khách mua hàng tại Trung tâm Điện máy Quốc Khánh (TP Quy Nhơn). Đây là DN luôn tích cực phối hợp với các đơn vị, hội trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ảnh: H.T
Tổ chức xã hội có trách nhiệm tham gia hỗ trợ thương lượng, hòa giải tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu; thông tin, cảnh báo người tiêu dùng về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về BVQLNTD.
Tổ chức xã hội còn đại diện cho người tiêu dùng thực hiện khởi kiện vụ án dân sự về BVQLNTD khi có yêu cầu và ủy quyền theo quy định của pháp luật, hoặc tổ chức xã hội tự mình khởi kiện vụ án dân sự về BVQLNTD vì lợi ích công cộng khi đáp ứng điều kiện quy định.
Còn Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đưa ra thông điệp 3A: An toàn lựa chọn, An toàn thanh toán, An toàn sử dụng. Trong An toàn sử dụng, nêu rõ trường hợp xảy ra tranh chấp, cần sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp theo quy định của pháp luật, trong đó có phản ánh tới Hội BVQLNTD.
Như vậy, khi xảy ra vấn đề liên quan đến “an toàn sử dụng” nêu trên đối với người tiêu dùng thì liên quan nhiều hơn đến trách nhiệm, phát huy vai trò của tổ chức xã hội. Tuy nhiên, thực tế những năm qua, số người tiêu dùng trên địa bàn bị ảnh hưởng quyền lợi, đã biết đến, liên hệ nhờ hỗ trợ từ Hội BVQLNTD tỉnh còn rất ít.
Chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (ở TP Quy Nhơn) cùng bạn bè đã có một số lần mua các mặt hàng ở TP Quy Nhơn hay nơi khác kém chất lượng, xảy ra tranh cãi với người bán, cuối cùng cũng đành chịu thiệt về mình. “Chúng tôi chưa từng nghe nói về Hội BVQLNTD tỉnh. Hội cần có nhiều hoạt động để người dân biết, nhờ trợ giúp khi cần thiết”, chị Nguyệt ý kiến.
Tuy nhiên, Hội BVQLNTD tỉnh hầu như ngưng trệ hoạt động từ nửa cuối nhiệm kỳ 2018 - 2023, nên không thực hiện được trách nhiệm của mình. Đến nay dù đã hết nhiệm kỳ 3 tháng, Đại hội Hội BVQLNTD tỉnh nhiệm kỳ mới vẫn chưa biết thời gian cụ thể tổ chức khi nào.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hội, cho biết Luật BVQLNTD đã có những quy định cụ thể, rõ ràng để Hội BVQLNTD tỉnh có thể đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện giao nhiệm vụ và cấp kinh phí từ ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ được giao cho Hội.
“Khi Luật BVQLNTD có hiệu lực vào tháng 7 tới, để các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội trên địa bàn tỉnh đáp ứng quy định có thể tham gia công tác BVQLNTD, cần có sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ cụ thể của tỉnh thời gian tới. Trước hết, Hội BVQLNTD tỉnh cần được tổ chức Đại hội nhiệm kỳ mới để đề ra các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phù hợp thực tế hiện nay và các quy định mới”, ông Sơn ý kiến.
HOÀI THU