Vấp bóng mình phía ngọn nắng ban mai…
Vấp bóng mình (NXB Hội Nhà văn) là tập thơ vừa ra mắt bạn đọc của tác giả Nguyễn Ngọc Lối. Đây là tập thơ thứ hai của anh, sau Gió rót đầy thời gian (NXB Hội Nhà văn, 2020). Vẫn tiếp nối mạch cảm xúc trên những đề tài quen thuộc về quê hương, gia đình, bè bạn, những chiêm nghiệm cuộc sống… nhưng ở tập thơ mới này, tác giả như lắng lại sâu hơn, gợi - đọng và nhiều suy tư hơn.
Tác giả ghi lại những rung động của mình qua các chuyến đi, qua những điều mắt thấy tai nghe, qua những gặp gỡ lưu dấu với bè bạn… Và có khi, là chầm chậm tìm về một miền ký ức, nơi có đồng đội, có người thân, có dáng hình quê nhà hiện lên cơ cực mà nghĩa tình để anh mãi “mắc nợ”: “núm rốn chôn đau đáu quê nhà/ thương cha một đời giông bão/ tìm miếng cơm trong cơn sóng dữ bủa vây/ mẹ tần tảo nhặt từng con ốc gạo/ nuôi đàn con thân cò lau sậy// mẹ gánh biển lên non/ dời non xuống biển/ lặn lội chợ xa đồng lầy/ hông chai sần đập vỏ xe xơ/ níu tình thương chòm xóm/ kéo con sông quấn lấy làng” (Mắc nợ quê hương).
Tác giả viết khá đa dạng đề tài, nhưng với những câu thơ về đấng sinh thành, nhất là hồi ức ngày mẹ đi giữa mùa dông bão, khiến người đọc lặng thắt: “nước mắt trộn mưa trút lên quan áo/ gió thét từng cơn run rẩy trên cánh đồng làng góa bụa//...// đường làng/ trũng dấu chân gieo hạt/ ngày mai nỗi nhớ mọc mầm!” (Nỗi nhớ mọc mầm).
Ở tập thơ này, Nguyễn Ngọc Lối có khá nhiều thể nghiệm đầy cá tính, Thử làm vua là một điển hình. Đó là một giả định được làm người nắm giữ quyền lực tối cao, qua đó thể hiện những quan điểm rõ ràng, sòng phẳng của cái tôi cá nhân và một ý thức dân tộc mãnh liệt, với cái đích cuối cùng là hướng về nhân dân, về cái chung của dân tộc: “hỡi thần dân trăm họ/ ta có xứng ngự trị ngai vàng/ hãy truất phế ta/ nếu là ông vua tồi!”.
Tác giả nhặt lấy cái đẹp, điều thánh thiện từ những vỡ vụn và lấm láp thân phận, hoặc chứa chan những đồng cảm qua góc quan sát khá nhạy của mình. Như từ những hình ảnh, câu chuyện về một đứa trẻ nghèo chẳng thể đến trường, anh nhẹ nhàng kể lại qua lăng kính thi ca, để khoảnh khắc “vấp bóng mình” bật lên xúc động và tạo sự lây lan suy ngẫm: “em bé bán vé số/ ngoái nhìn ngôi trường cũ/ thương thầy/ nhớ bạn/ thèm con chữ/ vấp bóng mình phía ngọn nắng ban mai…” (Vấp bóng mình).
Ở thơ của Nguyễn Ngọc Lối, điều mà bạn đọc thấy rõ hơn cả là sự bén nhạy trong góc nhìn khi tìm thấy những tứ thơ đặc sắc. Ở đó, lòng trắc ẩn, góc nhìn của thi nhân biểu hiện rõ rệt, tạo nhiều đồng cảm với bạn đọc.
NGUYỄN VĂN