Hành giả biểnTrường Sa
Ký của NGUYỄN THANH MỪNG
Hải trình Trường Sa của tôi lần này thuộc hạ tuần tháng Ba bước sang thượng tuần tháng Tư âm lịch, cuối Xuân đầu Hạ. Đây là mùa đẹp nhất ở biển Đông, sóng yên gió lặng, mùa của những con tàu ra khơi nhẹ như những mũi tên lướt sóng mà lượn sóng cuộn xung quanh nó vừa đủ tạo hình như những cánh hoa cúc trắng, đầy súc tích và dư ba.
Trong góc dân gian Việt quen thuộc, chúng ta thường nghe câu: “Đất vua chùa làng phong cảnh Bụt”. Ấy là chuyện của lục địa. Giờ con tàu Trường Sa lặn lội hàng ngàn hải lý trên đại dương, giữa mênh mông trời mây sóng nước, đảo này cách đảo kia từ hàng chục đến hàng trăm hải lý, thật lâng lâng khó tả khi bắt gặp một ngôi chùa mái cong bên tán cây xanh. Những hình ảnh giản đơn và sâu đậm ấy, chúng ta có thể lướt qua hàng ngày trên các nẻo đất liền từ chốn phồn hoa đô hội đến thôn cùng xóm tận, nhưng ở đây, trở thành những ấn tượng bừng thức và xôn xao đặc biệt.
Hãy tưởng tượng, trên con tàu giữa đại dương, theo khoa học, tầm nhìn mặt biển chúng ta chỉ độ 5 km là giới hạn của đường cong trái đất, ta luôn trở thành tâm điểm của cái vòng tròn có 10 km đường kính và tất nhiên diện tích tầm nhìn mặt nước nằm trong cái vòng tròn của công thức “bình phương bán kính nhân pi”. Trong cái vòng tròn đơn độc ấy, nếu thấy được chiếc tàu có gắn cờ đỏ sao vàng là vui mừng lắm, còn đã thấy mái chùa cong vút giữa trời xanh, biết ở đó có đất, có cây, đương nhiên là có dân chúng và quân đội - những cột mốc sống chủ quyền giữa đại dương. Và đương nhiên, sẽ sừng sững cột mốc chủ quyền với quốc hiệu và kinh độ vĩ độ, xác lập dòng máu Rồng Tiên đã mặn mòi cùng biển đảo, từ thời những hùng binh của các triều đại dựng bia tạo miếu trồng cây, đo đạc vẽ bản đồ, thực hiện các công việc triều đình giao phó.
Trên quần đảo Trường Sa, cùng chùa Trường Sa Lớn trên thị trấn đảo Trường Sa còn 8 đảo khác - Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Đá Tây A, Phan Vinh, Trường Sa Đông - ta đều bắt gặp những ngôi chùa phong cách thuần Việt với mái nghiêng, lợp ngói và vút cong ở đầu đao, đủ tam quan, sân chùa, gác chuông, thường bố cục theo cấu trúc chữ Đinh với nhà chính điện nối thẳng góc nhà tiền đường. Nét chung là nét Việt, nhưng mỗi chùa là một kiến trúc riêng, độc đáo, như cổng chùa Song Tử Tây bằng gỗ thiết kế theo lối hai tầng tám mái, còn chùa Sinh Tồn Đông có hai tầng mái với gian gác phía trên tam quan gạch kiểu tứ trụ, tam quan chùa Trường Sa Lớn xây gạch trên có vọng lâu bằng gỗ nhỏ lợp ngói…
Chùa Đá Tây A được xem là cột mốc tâm linh, là điểm tựa vững chắc cho quân và dân trên đảo Đá Tây, quần đảo Trường Sa. Ảnh: N.T.M
Tinh thần hộ quốc an dân, Phật giáo đồng hành cùng dân tộc ở nơi đầu sóng ngọn gió được thể hiện qua đầu cổng cụm từ Từ Bi - Hùng Lực, hệ thống tên chùa, hoành phi, các bức đại tự, đôi câu đối đều sử dụng chữ tiếng Việt cũng như các đồ tế tự đều được in Quốc huy của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Khi tôi được đặt chân lên hòn đảo đầu tiên là đã một ngày rưỡi cộng một đêm hải trình và việc đầu tiên là dâng hương ở chùa Song Tử Tây, ngôi chùa tuyệt đẹp với câu đối Việt: “Mây lành che Đông hải, một trời cam lộ tưới Trường Sa/ Thắng tích ánh đảo xa, vạn cổ danh lam truyền Song Tử”. Hôm sau nữa là đến chùa Sinh Tồn Đông lại gặp câu - “Biển đảo cùng nhau thề, dốc lòng giữ vẹn nền Đất Tổ/ Giang sơn như có hẹn, nắm tay quyết trọn tấm lòng son”. Có ngày, sáng chúng tôi đến Đá Tây A, ngôi chùa khắc thơ Nguyễn Trãi làm câu đối: “Rừng thiền ắt thấy nên đầm ấm/ Đường thế nào nơi chả thấp cao”, chiều đến chùa Trường Sa Lớn: “Uy thần biển đảo cổ vẫn truyền/ Chùa Phật Trường Sa nay còn tỏ”…
Trước khi hải trình Trường Sa xuất phát, bên bờ vịnh Cam Ranh tuyệt đẹp, tôi được đến thăm chùa Linh Nguyên - ngôi chùa lưng tựa vào núi mặt hướng ra biển, lợp ngói vảy cá gắn phù điêu rồng mây uốn lượn; một vòng tròn mô tả chiếc bánh lái của những con tàu thiết kế ở đỉnh mái, hai bên vòng tròn được đắp nổi đối xứng những bông, nụ, lá sen; thăm đền Phúc Hải Đại Linh Từ ghi công Hải Đức Sơn Công Chính thần Nam Hải Đại Vương do cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 189 Hải quân và các nhà hảo tâm phát tâm công đức. Chúng tôi được đưa đến Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma dâng hương Tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” khắc họa hình ảnh 64 người con quả cảm của Tổ quốc làm Vòng tròn bất tử ngày 14.3.1988, thành biểu tượng thiêng liêng của sự nghiệp bảo vệ chủ quyền Tổ quốc ở đại dương. Phía sau tượng đài là khu trưng bày ngầm lưu giữ những hiện vật liên quan đến cuộc đời và gia đình các liệt sĩ Gạc Ma; khu quảng trường Hòa Bình, Bia ghi danh sách 64 liệt sĩ hy sinh với đầy đủ họ, tên, địa chỉ được đặt trước Mộ gió... Mấy ngày sau, đúng ngày 30.4, khi tàu chúng tôi vào vùng biển Cô Lin, đã thả neo trang trọng làm lễ tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sĩ Gạc Ma, thả hương hoa và những con hạc giấy xuống biển nguyện cầu.
“Chiều chiều ra ngóng biển xa/ Ngóng ai như ngóng Hoàng Sa trở về”, câu ca dao nhắc lại khung cảnh lịch sử từ các thế kỷ trước, không chỉ có các đội Hoàng Sa, Bắc Hải, các đội Thủy quân, Biền binh, Vệ giám thành, mà lực lượng ra làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa, Trường Sa còn có cả binh đinh, dân phu… Các thành viên thực thi nhiệm vụ mang theo lệnh bài có ghi niên hiệu, được cấp mỗi người 6 tháng lương thực, một chiếc chiếu, 3 sợi dây mây, 7 nẹp tre và một thẻ bài ghi danh tánh, để phòng khi bất trắc, rủi ro, đồng đội bó xác người xấu số, kèm theo thẻ bài và thả trôi trên biển với hy vọng sóng gió đưa thi hài trôi dạt vào nơi nào trên bờ, gặp người chôn cất tử tế. Lường trước những bất trắc, hiểm nguy của chốn đại dương, đi dễ khó về, nhiều cuộc ra đi phải có văn tế sống mà văn bản giờ sưu tầm còn lại từ thời Nguyễn. Cho nên những trang chủ quyền biển đảo từ truyền thống cho đến nay còn tươi ròng bao khát vọng tổ tiên, lịch sử kết nối từ tấm bản đồ, dòng châu bản trong kho thư tịch cổ đến với từng lọn sóng, hạt cát, nhánh rong trên từng hòn đảo chìm đảo nổi. Và kết nối trên từng chiếc lá phong ba, quả bàng vuông, trên từng lời nguyện, câu kinh chốn chùa chiền, đền miếu ở Trường Sa. Suốt hải trình, khi đến đảo nào, chùa là nơi cán bộ chiến sĩ đưa đoàn vào dâng hương trước tiên, ngoài thờ Phật còn có ban thờ các anh hùng liệt sĩ, quân dân bao thế kỷ đã bỏ mình nơi đầu sóng ngọn gió. Có đảo còn có đền miếu riêng cho các vị anh hùng. Nói chung, bên cạnh cột mốc chủ quyền biển đảo, đây là những cột mốc tâm linh cho quân dân biển đảo, cho ngư dân các vùng miền đã lấy Trường Sa làm ngư trường và những ai có duyên đến với vùng lãnh hải kiêu hùng này của bờ cõi Việt Nam.