Dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án TP Quy Nhơn:
Phát huy hiệu quả trong bảo vệ môi trường bền vững
Ðến hết tháng 5.2024, Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải (CCSEP) - Tiểu dự án TP Quy Nhơn hoàn thành 12/13 hợp đồng xây lắp và thiết bị, bàn giao đưa vào sử dụng. Theo đánh giá của đại diện Ngân hàng Thế giới, Tiểu dự án TP Quy Nhơn đạt kết quả tốt nhất trong các địa phương cùng thực hiện Dự án CCSEP.
Phục vụ dân sinh, bảo vệ môi trường
Hiện nay, hơn 300 hộ dân ở khu dân cư Hóc Bà Bếp (thuộc tổ 17A, 17B và 18, khu phố 4, phường Ðống Ða, TP Quy Nhơn) đã hết khổ sở với tình trạng ngập nước tại hẻm 1083 và 1085 đường Trần Hưng Đạo. Việc lưu thông của người dân được thuận tiện, an toàn; vệ sinh môi trường và cảnh quan khu phố đã sạch sẽ, khang trang.
Nhà máy xử lý nước thải Nhơn Bình được mở rộng, nâng công suất lên 28.000 m3/ngày đêm, đảm bảo thu gom, xử lý nước thải cho 16 phường của TP Quy Nhơn. Ảnh: V.L
Kết quả tích cực này đến từ việc các tuyến cống hộp đã được xây dựng tại khu vực Hóc Bà Bếp để thu gom, tiêu thoát nước. Đây là gói thầu xây lắp thuộc Dự án CCSEP- Tiểu dự án TP Quy Nhơn, với tổng giá trị thực hiện hơn 43 tỷ đồng.
Ông Hà Văn Minh, ở khu dân cư Hóc Bà Bếp, phấn khởi: “Khoảng 2 năm trở lại đây, tuyến hẻm 1083 và 1085 trở nên khô ráo, sạch sẽ; cảnh hẻm bị ngập nước quanh năm giờ đã là dĩ vãng. Vui hơn nữa là vệ sinh môi trường tại khu dân cư được cải thiện rất nhiều, người dân ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh công cộng, không còn đổ nước thải bừa bãi ra hẻm”.
Theo ông Phan Tấn Vũ, Chủ tịch UBND phường Đống Đa, nhờ Dự án CCSEP - Tiểu dự án TP Quy Nhơn mà sau rất nhiều năm, mong ước của người dân khu Hóc Bà Bếp về việc có được tuyến hẻm sạch sẽ, khang trang đã thành hiện thực. Ngoài ra, cũng giúp địa phương gỡ bỏ “gánh nặng” về tình trạng ngập nước và mất vệ sinh môi trường tại khu vực này.
Dự án CCSEP dựa trên sự thống nhất tài trợ của WB cho Chính phủ Việt Nam thực hiện trong thời gian 6,5 năm (từ năm 2018 đến tháng 6.2024). Tổng vốn đầu tư của Tiểu dự án TP Quy Nhơn là hơn 33,236 triệu USD; trong đó, vốn ODA hơn 30,6 triệu USD, vốn đối ứng hơn 2,6 triệu USD.
Không riêng gói thầu xây lắp tuyến cống hộp tại khu vực Hóc Bà Bếp, nhiều gói thầu khác thuộc Dự án CCSEP - Tiểu dự án TP Quy Nhơn đã hoàn thành, đưa vào sử dụng cũng đang phát huy hiệu quả tích cực. Đơn cử như gói thầu xây dựng nhà vệ sinh tại một số trường tiểu học trên địa bàn TP Quy Nhơn; cải tạo cống thoát nước thượng lưu hồ Bàu Sen và đường Bạch Đằng; xây dựng cầu Chữ Y và cầu Huỳnh Tấn Phát; cung cấp và lắp đặt thiết bị tự động hóa, khử mùi và thiết bị vận hành cho các trạm bơm, nhà máy xử lý nước thải (XLNT); xây dựng cụm xử lý nước rỉ rác Long Mỹ công suất 400 m3/ngày đêm; xây dựng mở rộng, nâng công suất Nhà máy XLNT Nhơn Bình lên 28.000 m3/ngày đêm…
Ông Nguyễn Công Vịnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Quy Nhơn, cho hay: Các gói thầu xây lắp thuộc Dự án CCSEP - Tiểu dự án TP Quy Nhơn sau khi xây dựng hoàn thành và vận hành thử nghiệm đã được đơn vị chức năng liên quan bàn giao cho UBND TP Quy Nhơn quản lý, sử dụng theo đúng quy định. Đến nay, các hạng mục công trình đều phát huy hết công năng, phục vụ tốt nhu cầu dân sinh và bảo vệ môi trường.
Đảm bảo thu gom, xử lý nước thải
Theo Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (Ban QLDA DD&CN) tỉnh, đến cuối tháng 5.2024, có 12/13 hợp đồng xây lắp và thiết bị thuộc Dự án CCSEP - Tiểu dự án TP Quy Nhơn đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng. Riêng hợp đồng xây dựng mở rộng, nâng công suất Nhà máy XLNT Nhơn Bình lên 28.000 m3/ngày đêm (giai đoạn 2) đã hoàn thành thi công, đang trong quá trình vận hành thử nghiệm theo giấy phép môi trường do Bộ TN&MT cấp. Dự kiến đến cuối tháng 6.2024, toàn bộ khối lượng các hợp đồng xây lắp thuộc Dự án CCSEP - Tiểu dự án TP Quy Nhơn sẽ hoàn thành theo đúng lộ trình.
Ông Trương Khoa, Giám đốc Ban QLDA DD&CN tỉnh, cho biết: Tiểu dự án TP Quy Nhơn được UBND tỉnh bố trí kế hoạch vốn đảm bảo cho các hoạt động của Dự án. Công tác giải ngân được Ban QLDA DD&CN tỉnh đẩy nhanh tiến độ, đáp ứng yêu cầu của Dự án. Ngoài ra, đơn vị cũng tập trung thực hiện để đạt các cam kết theo yêu cầu của Ngân hàng Thế giới (WB).
Tới đây, khi giai đoạn 2 gói thầu xây dựng mở rộng, nâng công suất Nhà máy XLNT Nhơn Bình lên 28.000 m3/ngày đêm (giai đoạn 1 là 14.000 m3/ngày đêm) chính thức bàn giao cho UBND TP Quy Nhơn quản lý, sử dụng sẽ đảm bảo việc mở rộng địa bàn thu gom, xử lý nước thải cho 16 phường của thành phố. Ước tính đến năm 2025, số hộ tại 16 phường đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải chung của TP Quy Nhơn là 47.638 hộ (đạt tỷ lệ gần 73%).
Theo ông Nguyễn Công Vịnh, sau khi chính thức tiếp quản giai đoạn 2 của Nhà máy XLNT Nhơn Bình, địa phương sẽ mở rộng mạng lưới đấu nối ở các phường ngoại thành như Nhơn Bình, Nhơn Phú. Thành phố sẽ chú trọng tuyên truyền, vận động để người dân tham gia đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải chung của thành phố. Bên cạnh đó, phối hợp với các sở, ngành liên quan của tỉnh xây dựng lộ trình tăng phí nước thải đến năm 2025, đảm bảo thu đủ bù chi cho hoạt động của Nhà máy XLNT Nhơn Bình, hướng đến thu gom, xử lý nước thải mang tính bền vững.
Theo đánh giá của ông Ahmed A.R.Eiweida, Trưởng lĩnh vực Phát triển bền vững của WB tại Việt Nam, Tiểu dự án TP Quy Nhơn đạt được kết quả rất tốt, tốt nhất trong các địa phương cùng thực hiện Dự án CCSEP. UBND tỉnh Bình Định và các sở, ban, ngành liên quan đã xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, các bước chi tiết để thực hiện Dự án. Đến nay, hầu hết các hợp đồng xây lắp đã hoàn thành, vận hành thử nghiệm toàn diện, đảm bảo tính bền vững. Các hạng mục tài sản sau khi hoàn thành đã bàn giao cho UBND TP Quy Nhơn thực hiện vận hành theo đúng quy định.
VĂN LỰC