Khẳng định giá trị đường lối ngoại giao “Cây tre Việt Nam”
Mặc cho các luận điệu sai trái, thù địch cố tình xuyên tạc, đường lối ngoại giao “Cây tre Việt Nam” ngày càng khẳng định tính đúng đắn và hiệu quả trong thực tiễn.
Vững ở gốc, chắc ở thân, uyển chuyển ở cành
Thời gian qua, thuật ngữ ngoại giao “Cây tre Việt Nam” xuất hiện ngày càng nhiều hơn, ngày càng phổ biến tại các diễn đàn ngoại giao cả trong và ngoài nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng phu nhân và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng phu nhân dự buổi gặp mặt thân mật và giao lưu với các nhân sỹ hữu nghị, thế hệ trẻ 2 nước Việt Nam - Trung Quốc. Ảnh: VOV
Tại Hội nghị Ngoại giao toàn quốc lần thứ 29 (năm 2016), thuật ngữ “Cây tre Việt Nam” đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập ẩn dụ: “Cây tre Việt Nam” mềm mại mà cứng cỏi, nhân ái mà quật cường, biết nhu biết cương, biết thời biết thế, biết mình biết người...”.
Tiếp đó, tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc (tổ chức ngày 14.12.2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh về “Cây tre Việt Nam” với những đặc tính “Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển… thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam...”.
Gần đây, tại Hội nghị Ngoại giao toàn quốc lần thứ 32 (ngày 19.12.2023), Tổng Bí thư đặt ra yêu cầu: “Tiếp tục đổi mới, xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại, vững mạnh toàn diện, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam””.
Trên nhiều không gian khác nhau (nhất là không gian mạng), các thế lực thù địch, phản động nhiều lần xuyên tạc trường phái ngoại giao mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”. Bọn chúng phủ nhận giá trị lịch sử và nhân văn của ngoại giao “Cây tre Việt Nam”, bêu rếu rằng đường lối “ngoại giao cây tre” thực chất là “gió chiều nào ngả theo chiều đó”, “không có chính kiến, thiếu lập trường nhất quán”, “bắt cá hai tay”...
Thế nhưng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đường lối ngoại giao “Cây tre Việt Nam” với thuộc tính “vững ở gốc, chắc ở thân, uyển chuyển ở cành” đã được kiểm nghiệm và đúc kết qua thực tiễn quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, đường lối này tiếp tục được Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện xuyên suốt và nhất quán vì lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc, dựa trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi.
Vị thế và uy tín ngày càng được nâng cao
Trên thực tế, nhất quán triển khai thực hiện đường lối đối ngoại đổi mới “Cây tre Việt Nam”, chúng ta đã phá được thế bị bao vây, cấm vận; tạo dựng và củng cố ngày càng vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.
Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước trên thế giới. Trong đó, có quan hệ đặc biệt với 3 nước, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 7 nước, quan hệ đối tác chiến lược với 11 nước, quan hệ đối tác toàn diện với 12 nước; có quan hệ kinh tế - thương mại với 230 nước và vùng lãnh thổ; hình thành thế đan xen lợi ích nhiều tầng nấc với nhiều nước.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng. Đảng Cộng sản Việt Nam đã có quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia. Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 quốc gia. Các tổ chức hữu nghị nhân dân Việt Nam có quan hệ với 1.200 tổ chức nhân dân và phi chính phủ nước ngoài.
Việt Nam đã có những đóng góp tích cực và trách nhiệm vào việc giữ vững hòa bình, hợp tác phát triển và tiến bộ trên thế giới. Đồng thời, tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn như ASEM, APEC, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN... Việt Nam cũng đã được tín nhiệm bầu vào các cơ quan quan trọng của LHQ như Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014 - 2016, 2023 - 2025; Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO nhiệm kỳ 2013 - 2017; Hội đồng Kinh tế - Xã hội của LHQ (ECOSOC) 2016 - 2018…
Đáng chú ý, đối với nhiều vấn đề quan trọng mang tầm quốc tế, tiếng nói và cách giải quyết có lý, có tình dựa trên tinh thần bình đẳng, hòa hiếu và nhân văn của Việt Nam đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Qua đó, vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao toàn quốc lần thứ 32, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, ngành ngoại giao và đối ngoại đã “đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ kết quả, thành tựu chung của đất nước”.
“Việt Nam luôn sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế. Luôn luôn phải quan tâm xây dựng sự đoàn kết, đồng thuận trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân như lời căn dặn của Bác Hồ: “Sự nghiệp làm nên bởi chữ Đồng”. Đường lối đối ngoại đúng đắn, giương cao ngọn cờ chính nghĩa và sự triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách cụ thể đã góp phần tạo nên sự đồng thuận cao của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đoàn kết của toàn dân tộc và sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của bạn bè quốc tế”, Tổng Bí thư khẳng định.
HOÀI NHÂN