“Giữ lửa” di sản bài chòi
Diễn ra trong 2 ngày (2 - 3.8), tại Trung tâm Hội nghị tỉnh (TP Quy Nhơn), Liên hoan các CLB bài chòi tỉnh Bình Định năm 2024 đã khép lại với nhiều tín hiệu vui về sự phát triển của nghệ thuật bài chòi dân gian ở các địa phương.
Tín hiệu vui từ các hiệu trẻ
Tham dự liên hoan lần này có hơn 100 nghệ nhân đến từ 9 CLB bài chòi các huyện, thị xã, thành phố gồm: Quy Nhơn, An Nhơn, Tây Sơn, Hoài Ân, Phù Cát (mỗi địa phương 1 CLB), huyện Tuy Phước và TX Hoài Nhơn (mỗi địa phương 2 CLB). Theo đó, các CLB trình diễn theo hình thức hội đánh bài chòi dân gian với đầy đủ các trình thức: Khai trường, trình hiệu, trình thẻ, kiểm thẻ, hô mời, rút thẻ hô thai, hát kết, dâng thưởng.
Điều đáng mừng tại liên hoan lần này, nhiều CLB đã không còn phụ thuộc vào các nghệ nhân cốt lõi, thành danh của địa phương mà mạnh dạn trao cơ hội cho những nghệ nhân trẻ. Qua đó, liên hoan đã xuất hiện các hiệu trẻ triển vọng, trình diễn một cách thuần thục theo câu hô hát. Hay các hiệu nhí như Trần Thị Như Long (CLB bài chòi xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước), Lê Nguyễn Bảo Ngọc (CLB bài chòi huyện Phù Cát)… cũng được đưa vào đội hình trình diễn thi. Nhờ thường xuyên được cử tham gia các hội thi, liên hoan, các hiệu trẻ, hiệu nhí đã dần trưởng thành theo từng câu hô hát, trình diễn một cách thuần thục, tinh tế, xứng đáng với công lao gầy dựng, bồi dưỡng của các thế hệ đi trước.
Nghệ nhân Nhân dân Minh Đức, thành viên Ban giám khảo Liên hoan, cho biết: Liên hoan lần này, chất lượng của các đội tốt hơn, số lượng hiệu trẻ hô hát tốt nhiều hơn, các hiệu nhí cũng cho thấy tiềm năng có thể bồi dưỡng. Mỗi CLB đều cố gắng phát huy thế mạnh để thể hiện phong cách riêng. Tuy còn một vài thiếu sót, nhưng tôi và nhiều nghệ nhân đều rất vui khi tất cả đều đã cố gắng.
Một số CLB như CLB bài chòi huyện Phù Cát có cách thể hiện dí dỏm, mạnh dạn sử dụng một vài đoạn ngắn của các trích đoạn bài chòi lớp kinh điển để lồng ghép vào nội dung câu thai, minh họa cho thẻ bài được rút. Hiệu trẻ Nguyễn Thị Giáng Kiều, thành viên CLB bài chòi huyện Phù Cát, tâm sự: Lần đầu tiên tham gia liên hoan, tôi có thêm cơ hội được học hỏi và thỏa lòng đam mê của mình với bài chòi. Nhiều lần nhìn thấy tôi tập luyện để tham gia giao lưu, hội thi, con gái thích thú nên tập luyện theo và xin theo đoàn tham gia liên hoan này. Tôi rất vui vì con cũng có sự đam mê với bài chòi truyền thống.
CLB bài chòi huyện Phù Cát không phụ thuộc vào các nghệ nhân thành danh và nhường chỗ cho hiệu trẻ, hiệu nhí thể hiện tại Liên hoan các CLB bài chòi tỉnh Bình Định năm 2024. Ảnh: K.VY
Lan tỏa rộng khắp
Ở thời điểm hiện tại, CLB bài chòi huyện Tây Sơn đang có nhiều nỗ lực, cố gắng đưa bộ môn nghệ thuật truyền thống này đến gần với đời sống người dân và thu hút hội viên tham gia CLB tại địa phương. Ông Nguyễn Khắc Duy, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện, cho biết: CLB bài chòi huyện Tây Sơn được thành lập gần 3 năm, tổ chức sinh hoạt mỗi tháng 1 lần. Tuy nhiên, hiện tại số lượng hội viên, người sinh hoạt ở các xã chưa đồng đều nên chưa thể thành lập CLB ở xã. Trung tâm đang tính toán đến việc tổ chức các hoạt động giao lưu để vừa phục vụ người dân, quảng bá bài chòi đến nhiều người, vừa thu hút thêm hội viên tham gia CLB.
Lần đầu tiên tham gia, các thành viên CLB bài chòi huyện Hoài Ân cho thấy tinh thần hăng say với nghệ thuật bài chòi truyền thống. Nghệ nhân Nguyễn Thanh Ân chia sẻ: Nghệ thuật bài chòi truyền thống ở huyện Hoài Ân từ lâu được các thế hệ đi trước duy trì và gìn giữ. Sau đợt tập huấn năm 2023, khi CLB được thành lập và các cô chú đã tận tình truyền dạy cho hội viên và tập luyện cho người trẻ như chúng tôi tham gia liên hoan này. Lần đầu tiên tham gia, chúng tôi cố gắng trau dồi, học hỏi để về lại địa phương tiếp tục luyện tập và lan tỏa bài chòi đến thế hệ trẻ kế thừa.
Những ngày diễn ra liên hoan, nhiều khán giả yêu thích đến xem, cổ vũ cho phần trình diễn của các đội. Xem bài chòi và hát bội như một món ăn tinh thần mỗi ngày, khi nghe tin có tổ chức hô hát bài chòi bà Nguyễn Thị Bốn Chiến (93 tuổi, TP Quy Nhơn) đã rủ thêm bạn bè ra xem. Bà Chiến chia sẻ: Đêm nào tôi cũng nghe bài chòi, hát bội mới ngủ được, già rồi nhưng mê bài chòi lắm. Vì vậy, tôi đến liên hoan để được xem các tiết mục của các đội thi.
Ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở VH&TT - Trưởng Ban tổ chức liên hoan, nhận xét: Điểm nổi bật của liên hoan là các tiết mục tuân theo trình thức chung nhưng có thể hiện đa dạng, sáng tạo, nhất là cố gắng sáng tạo ca từ mới, thể hiện rõ đặc trưng của địa phương, hòa quyện với làn điệu truyền thống và đi vào tâm thức người xem một cách dung dị, mềm mại, gần gũi. Hy vọng rằng, chính quyền các cấp, các ngành liên quan sẽ tiếp tục quan tâm tổ chức nhiều khóa truyền nghề, tập huấn cho lực lượng nghệ nhân biểu diễn và nhạc công bài chòi trẻ để đảm bảo sự phát triển bền vững của di sản phi vật thể này trong thời gian tới.
KIỀU VY