Phòng cháy chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng: Cần cơ chế phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng
Ngày 6.8, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24.6.2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Yêu cầu quan trọng đặt ra tại Kế hoạch là nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC&CNCH; khắc phục các tồn tại hạn chế về PCCC, hạn chế thấp nhất số vụ cháy, nổ. Cụ thể hóa các nội dung chỉ đạo của lãnh đạo các cấp thành các nhiệm vụ công tác theo chức năng, nhiệm vụ được giao phù hợp với tình hình thực tiễn ở từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách, bảo đảm tính khả thi, đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu đề ra; gắn vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác PCCC&CNCH ở từng đơn vị, địa phương.
Đồng thời, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn dân tích cực tham gia vào công tác PCCC&CNCH; xác định rõ trách nhiệm, phân công nhiệm vụ cụ thể và có cơ chế phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng tham gia; chủ động, quyết liệt trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn cháy, nổ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra.
Kế hoạch đặt ra 5 nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất là quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các văn bản về công tác PCCC&CNCH của Quốc hội, Chính phủ và các quyết định, chỉ thị, công điện, kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ CA và Bộ Xây dựng; xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm của các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Thứ hai, phổ biến tài liệu kỹ thuật hướng dẫn giải pháp cấp thiết tăng cường điều kiện an toàn PCCC đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở trọ cho thuê) để áp dụng đồng bộ trên địa bàn tỉnh khi Bộ Xây dựng ban hành.
Thứ ba, tập trung phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát, tham mưu kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về PCCC. Triển khai thực hiện công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, trật tự xây dựng đối với khu dân cư, khu vực cải tạo, chỉnh trang đô thị, giải tỏa, cấp giấy phép xây dựng cần phải có biện pháp, giải pháp hạn chế nguy cơ cháy, nổ, đảm bảo giao thông, nguồn nước, thông tin liên lạc phục vụ công tác chữa cháy, CNCH.
Thứ tư, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, năng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, kỹ năng về PCCC, thoát nạn cho các tầng lớp nhân dân. Lồng ghép kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH vào chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa trong nhà trường và cơ sở giáo dục phù hợp với từng ngành học, cấp học; tổ chức các hoạt động cộng đồng tuyên truyền, trải nghiệm, thực hiện chữa cháy và CNCH cho người dân, học sinh, sinh viên. Kịp thời động viên, khen thưởng, khích lệ các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCCC&CNCH.
Thứ năm, tăng cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quản lý trật tự xây dựng đối với công trình, nhất là nhà ở cao tầng, chợ, nhà xưởng, quán bar, vũ trường, karaoke, nhà chuyển đổi công năng, nhà trọ, nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh... Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật xây dựng, sử dụng đất, quy định về PCCC.
M.LÂM