Chính sách bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống:
Tạo động lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản
Quy định một số chính sách bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Ðịnh, giai đoạn 2024 - 2028 được HÐND tỉnh thông qua tại Kỳ họp lần thứ 17 (diễn ra từ ngày 10 - 12.7) tạo động lực để đội ngũ nghệ nhân, nghệ sĩ thực hành, truyền dạy và bảo vệ, phát huy giá trị nghệ thuật hát bội, bài chòi. Giám đốc Sở VH&TT Tạ Xuân Chánh trả lời phỏng vấn Báo Bình Ðịnh về giải pháp thực thi chính sách này.
• Thưa ông, chính sách bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định có được xem là “cú hích” trong bảo tồn nghệ thuật hát bội, bài chòi?
- Tại Kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết Quy định một số chính sách hỗ trợ xuất bản, phổ biến, tặng thưởng các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật của văn nghệ sĩ Bình Định sáng tác và đạt giải thưởng trong 2 năm 2024 và 2025; và Nghị quyết Quy định một số chính sách bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định, giai đoạn 2024 - 2028.
Việc thông qua 2 nghị quyết này thể hiện sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền tỉnh đối với đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà, góp phần khích lệ sáng tạo nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị, nâng cao chất lượng hoạt động xuất bản, phổ biến các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật. Qua đó, tạo động lực cho các CLB, đoàn nghệ thuật ngoài công lập hoạt động thuận lợi, nghệ nhân an tâm cống hiến, góp sức bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát bội, bài chòi của tỉnh.
• Trong sáng tạo nghệ thuật, nghệ sĩ, nghệ nhân không chỉ tạo ra các tác phẩm có giá trị mà còn thực hành, truyền dạy di sản cho lớp kế cận…
- Nghệ sĩ, nghệ nhân có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì sự tồn tại và phát triển của di sản văn hóa phi vật thể, là chủ thể tham gia sáng tạo, lưu giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng từ thế hệ này đến thế hệ khác. Phần lớn nghệ nhân dân gian có đời sống khó khăn do không có lương, thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp hoặc lao động tự do. Còn các CLB, đoàn nghệ thuật hát bội không chuyên trên địa bàn tỉnh cũng hoạt động mang tính tự nguyện, tự túc kinh phí, đặc biệt họ thiếu nhiều về cơ sở vật chất. Tuy vậy, lực lượng nghệ sĩ, nghệ nhân đã nỗ lực duy trì hoạt động nghệ thuật, đóng góp rất lớn trong công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống của tỉnh; quảng bá di sản văn hóa phi vật thể, hình ảnh về miền đất, con người Bình Định đến với bạn bè trong và ngoài nước.
Chính sách hỗ trợ giúp các CLB, đoàn nghệ thuật truyền thống ngoài công lập giúp đội ngũ nghệ sĩ, nghệ nhân an tâm tiếp tục giữ gìn, thực hành và trao truyền, quảng bá giá trị di sản hát bội, bài chòi. Đây cũng là cơ sở để các sở, ngành, địa phương thực hiện thống nhất chế độ hỗ trợ (ngoài các quy định của Trung ương) đối với các nghệ sĩ, nghệ nhân, CLB và đoàn nghệ thuật truyền thống, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, phát triển bền vững KT-XH của tỉnh trong thời gian tới.
• Cụ thể việc hỗ trợ theo chính sách này như thế nào, thưa ông?
- Đối tượng được tập trung hỗ trợ là nghệ sĩ nghỉ hưu, nghệ nhân luyện tập, biểu diễn và truyền dạy phục vụ công tác bảo tồn, quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể theo số buổi được cấp thẩm quyền giao nhiệm vụ.
Nghị quyết Quy định một số chính sách bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định, giai đoạn 2024 - 2028 được ban hành tạo động lực để nghệ nhân tiếp tục giữ gìn, trao truyền di sản bài chòi, hát bội.
- Trong ảnh: Nghệ nhân Nhân dân Minh Đức (đứng bên phải) và Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Phú (đứng bên trái) truyền dạy bài chòi dân gian tại một lớp tập huấn do Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Đối với CLB, tùy theo quy mô, số lượng thành viên sẽ hỗ trợ một lần kinh phí mua sắm trang thiết bị và kinh phí hoạt động hằng năm. Các đoàn nghệ thuật truyền thống ngoài công lập sẽ được hỗ trợ một lần kinh phí mua sắm trang thiết bị và hỗ trợ kinh phí tổ chức biểu diễn.
• Ngoài nghệ thuật hát bội, bài chòi, ngành Văn hóa tỉnh có đề xuất nào thêm để quan tâm bảo vệ, phát huy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể khác?
- Tỉnh Bình Định hiện có 5 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận. Ngoài ra, mỗi năm trên địa bàn tỉnh có gần 100 lễ hội với nhiều dạng thức lịch sử, văn hóa, làng nghề, tâm linh..., đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu tỉnh tổ chức các hoạt động ngoại giao văn hóa để quảng bá các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu của Bình Định đến du khách trong và ngoài nước; đề xuất ban hành chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các nghệ nhân trao truyền di sản văn hóa phi vật thể; lập đề án bảo tồn Lễ hội cầu ngư tỉnh Bình Định, hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh di sản võ cổ truyền Bình Định. Đề nghị Bộ VH-TT &DL ghi danh một số di sản văn hoá phi vật thể, trước mắt trong năm 2024 là Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý (xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn); đề xuất UBND tỉnh nâng tầm quy mô Lễ hội chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa bằng hình thức tổ chức sân khấu thực cảnh, tăng thời gian tổ chức lễ hội để phục vụ du khách…
• Xin cảm ơn ông!
ÐOÀN NGỌC NHUẬN (Thực hiện)