Kết thúc nội dung chất vấn và trả lời chất vấn
(BĐ) - Sáng 22.8, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm lĩnh vực tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát.
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Bình Định có Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh cùng các thành viên của Đoàn ĐBQH tỉnh và đại diện các sở, ngành của tỉnh.
Quang cảnh phiên họp tại điểm cầu tỉnh Bình Định. Ảnh: K.A
Trong buổi sáng, các ĐBQH chất vấn Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao, Bộ trưởng Bộ CA, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Tổng Thanh tra Chính phủ và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp về các vấn đề gồm: Lộ trình hoàn thiện thể chế về tố tụng hành chính; giải pháp để cán bộ, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã được hưởng đầy đủ các chế độ khi thôi việc do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; biện pháp cụ thể gỡ vướng cho việc định giá trong tố tụng hình sự; trách nhiệm của Chính phủ trong việc liên tục sửa đổi luật và giải pháp tháo gỡ khó khăn trong giám định tư pháp…
Phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá các ĐBQH đã thể hiện trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề; các thành viên Chính phủ, trưởng ngành nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, cơ bản trả lời đầy đủ, thẳng thắn, giải trình, làm sáng tỏ nhiều vấn đề và đề ra giải pháp để triển khai hiệu quả thời gian tới.
Sau 1,5 ngày làm việc nghiêm túc, sôi nổi, với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao, toàn bộ nội dung, chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành. Đã có 75 lượt ĐBQH phát biểu, trong đó 66 lượt đại biểu chất vấn, 9 lượt đại biểu tranh luận; còn 11 đại biểu đã đăng ký nhưng do hết thời gian, chưa được phát biểu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị ĐBQH gửi câu hỏi qua Tổng Thư ký Quốc hội để chuyển đến các thành viên Chính phủ, các Trưởng ngành trả lời bằng văn bản theo quy định.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành tiếp thu tối đa ý kiến của các ĐBQH, tập trung khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực. Qua đó tiếp tục góp phần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng an ninh, công tác đối ngoại và phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
KIỀU ANH