Tôi nghe trời thu thay áo mới
Tạp bút của PHAN HUY THÙY
Như có một thôi thúc của tiếng lòng, khi mùa tựu trường đang về bên khu vườn nhỏ, đang chạm ngõ muôn nhà, tôi nảy ý tìm lại mùa thu trong những trang thơ còn vấn vương miền ký ức! Nhắc đến tựu trường tôi thường nhớ luôn bài thơ Mùa thu sang của Trần Lê Văn, mà hồi còn ở Tiểu học, tôi đã thuộc lòng và yêu mến.“Cứ mỗi độ thu sang/ Hoa cúc lại nở vàng/ Ngoài vườn hương thơm ngát/ Ong bướm bay rộn ràng/ Em cắp sách tới trường/ Nắng tươi trải trên đường/ Trời xanh cao gió mát/ Đẹp thay lúc thu sang.”
Hình ảnh mùa thu trong bài thơ rất gần gũi, thân thương, đẹp như chính tâm hồn trong trẻo, hồn nhiên của các bạn nhỏ. Sau này, tôi gặp bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh. “Bỗng nhận ra hương ổi/ Phả vào trong gió se/ Sương chùng chình qua ngõ/ Hình như thu đã về/ Sông được lúc dềnh dàng/ Chim bắt đầu vội vã/ Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu”. Mùa thu đẹp nhưng càng đẹp hơn đó chính là một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế khi cảm nhận mùa thu bằng tất cả các giác quan, thậm chí vượt lên cả ngũ giác của con người bình thường để thấu cảm được nỗi âu lo, vội vã của chim trời chuẩn bị di cư tránh rét khi thu về.
Tôi riêng thích hai câu thơ của Bích Khê trong bài Tỳ bà: “Ô hay! Buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông”. Mùa thu mênh mông buồn, cái buồn như tự thân vốn có của nó, mơ màng, lãng đãng, rợp vàng sắc lá. Nỗi buồn còn được tạo lập bởi hai câu thơ toàn thanh bằng. Từ thanh, cảnh cho đến tình đều man mác, chênh chao…
Mùa thu trong thơ của Xuân Diệu thì đất trời như khoác lên mình bộ áo mới với sắc lá vàng phai vừa mới dệt: “Đây mùa thu tới mùa thu tới/ Với áo mơ phai dệt lá vàng”. Nhưng buồn vui trong cõi đời này đâu nhất thiết phải đợi buổi thu sang; dường như giữa mùa thu với thi nhân luôn có sự giao hòa đồng điệu. Hầu hết các nhà thơ đều yêu thích mùa thu bởi sự mơ màng và dịu dàng của nó, thậm chí chạnh buồn mà vẫn đợi mong! Lưu Trọng Lư đã thảng thốt trong bài Tiếng thu: “Em không nghe mùa thu/ Dưới trăng mờ thổn thức/ Em không nghe rạo rực/ Hình ảnh kẻ chinh phu/ Trong lòng người cô phụ/ Em không nghe rừng thu/ Lá thu kêu xào xạc/ Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp trên lá vàng khô”.
Và rồi có một mùa thu lịch sử lại về, gắn liền với niềm kiêu hãnh, tự hào của cả dân tộc năm 1945. Mùa thu Cách mạng, mùa thu của hòa bình, độc lập, tự do. Mùa thu của thời khắc Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Niềm hân hoan, hạnh phúc, tự hào đã thổi vào trong những trang thơ bằng ngọn gió mới, không hiu hắt thê lương như xưa mà phấp phới tươi vui cùng niềm vui chung của dân tộc. Ngọn gió mới cũng đã thổi vào thơ Nguyễn Đình Thi trong bài Đất Nước: “Mùa thu nay khác rồi/ Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi/ Gió thổi rừng tre phấp phới/ Trời thu thay áo mới/ Trong biếc nói cười thiết tha/ Trời xanh đây là của chúng ta/ Núi rừng đây là của chúng ta/ Những cánh đồng thơm mát/ Những ngả đường bát ngát/ Những dòng sông đỏ nặng phù sa”. Có tăm tối mới quý ánh bình minh, có đau khổ vì kiếp nô lệ mới thấy hết ý nghĩa của tự do và độc lập!
Mùa thu năm nay lại về, chúng ta đang hướng đến kỷ niệm 79 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2.9 với tâm thế vừa hân hoan tự hào. Chúng ta hi vọng và tự hào khi đọc lại những câu thơ của Nguyễn Đình Thi để nhắc nhớ và tin tưởng: “Nước chúng ta/ Nước những người chưa bao giờ khuất/ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về”. Tiếng vọng ngày xưa sẽ là nguồn sức mạnh lớn lao để cổ vũ chúng ta hôm nay.