Đề xuất ưu tiên áp dụng phạt tiền, án treo với người chưa thành niên phạm tội
“Nếu phải áp dụng hình phạt thì ưu tiên áp dụng hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo”.
Nội dung này được thể hiện trong dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên vừa được trình Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, ngày 27.8. Đây là dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào tháng 10 tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, đây là một dự án luật mới, có tính nhân đạo và nhân văn sâu sắc đối với người chưa thành niên phạm tội.
Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6 diễn ra tại Nhà Quốc hội
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã xem xét cho ý kiến về dự thảo luật này, có 137 lượt đại biểu tham gia ý kiến tại tổ và 33 lượt ý kiến tham gia thảo luận tại hội trường, 7 đại biểu tranh luận, 4 đại biểu gửi văn bản góp ý.
Sau đó, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo là Tòa án nhân dân tối cao, các bộ, ngành, cơ quan liên quan, đã tổ chức 2 tọa đàm lấy ý kiến các cơ quan tư pháp tại TP Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, là 2 địa phương có số lượng án lớn về người chưa thành niên.
Tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8.2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật này và có kết luận, trước khi hồ sơ được hoàn thiện trình Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận.
Bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên
Dự thảo luật quy định những nguyên tắc cơ bản, trong đó nhấn mạnh khi giải quyết vụ việc có người chưa thành niên phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của họ.
Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Cạnh đó, giải quyết vụ việc, vụ án có người chưa thành niên phải nhanh nhất có thể, hạn chế việc gia hạn và ưu tiên áp dụng thủ tục rút gọn.
Đặc biệt, biện pháp xử lý chuyển hướng được ưu tiên áp dụng đối với người chưa thành niên trong tất cả các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử.
Biện pháp xử lý chuyển hướng là biện pháp giám sát, giáo dục, phòng ngừa thay thế cho hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, bao gồm các biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng và biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định cụ thể trong luật này.
Dự thảo cũng dành 1 điều riêng quy định về áp dụng hình phạt. Trong đó thể hiện, tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên nếu xét thấy việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa. Nếu phải áp dụng hình phạt thì ưu tiên áp dụng hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo.
Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội.
Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người chưa thành niên khi xét thấy các hình phạt và biện pháp khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.
Khi xử phạt tù có thời hạn, tòa án cho người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất.
Ngoài ra, không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người chưa thành niên phạm tội. Án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.
Bảo đảm giữ bí mật cá nhân cũng là nội dung được thiết kế một điều riêng trong dự thảo. Cụ thể, bí mật cá nhân của người chưa thành niên phải được tôn trọng, bảo vệ trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, xử lý chuyển hướng, thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng.
Tòa án xét xử kín đối với người chưa thành niên là bị hại trong vụ án xâm hại tình dục.
Trường hợp người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng tham gia tố tụng thì phải bố trí phòng cách ly hoặc các biện pháp bảo vệ khác.
Theo VOV