EU “đau đầu” đối phó với nền tảng thương mại điện tử Temu
Liên minh châu Âu đang điều tra nền tảng mua sắm trực tuyến Temu của Trung Quốc về cáo buộc liên quan đến việc nền tảng này không bảo vệ khách hàng. Liệu đạo luật dịch vụ kỹ thuật số (DSA) của khối này có thể kiểm soát Temu?
Đầu năm nay, Hiệp hội đồ chơi châu Âu phát hiện nguy cơ mất an toàn trong 95% đồ chơi trẻ em bán trên Temu. Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng Đức liên tục cảnh báo cũng như phát thông báo chính chức với nền tảng này. Hồi tháng 10.2024, áp lực với Temu lại gia tăng sau khi Ủy ban châu Âu (EC) tiến hành điều tra chính thức với mô hình kinh doanh của nền tảng này, trong đó bao gồm những khiếu nại cho rằng Temu xuất sang EU những sản phẩm không tuân thủ tiêu chuẩn của khối. Ngoài ra, EC cũng cáo buộc nhà bán lẻ trực tuyến này đưa ra chương trình giảm giá không có thật, đăng những đánh giá (review) giả mạo, không cung cấp đủ thông tin về người bán và có thiết kế mang tính chất “gây nghiện”.
Mô hình kinh doanh của Temu là gì?
Ở bên ngoài Trung Quốc, lần đầu tiên Temu xuất hiện tại Mỹ vào tháng 9.2022 với tuyên bố tạo thuận lợi cho người dân Mỹ tiếp cận với hàng hóa Trung Quốc. Kể từ đó, nền tảng thương mại điện tử này tăng trưởng mạnh không chỉ ở Mỹ mà còn vươn ra toàn cầu. Temu cung cấp hàng nghìn nhóm sản phẩm với giá cực rẻ và các gói hàng được vận chuyển riêng rẽ từ Trung Quốc. Ước tính chỉ riêng tại Đức, mỗi ngày có khoảng 400 nghìn kiện hàng được gửi đến từ Temu và nền tảng thương mại thời trang Shein (cũng của Trung Quốc).
Sở dĩ Temu có thể cung cấp hàng hóa với giá rất rẻ là vì Temu hoạt động đơn thuần như là mô hình thương mại điện tử trung gian, hoàn toàn không phải lưu trữ hàng hóa nên cắt giảm được nhiều chi phí. Khách hàng của Temu thường nhận hàng hóa trực tiếp từ nhà sản xuất hay kho hàng của bên bán tại Trung Quốc. Temu chỉ xử lý các giao dịch tài chính và trong một số trường hợp là dịch vụ vận chuyển. Với vai trò trung gian, Temu nhận được chiết khấu cho các dịch vụ này.
Chuyên gia về nền tảng thương mại điện tử Alexander Graf (Đức) cho rằng, thời gian giao hàng lâu hơn là mấu chốt trong mô hình kinh doanh giá rẻ của Temu. Theo thống kê của Apple, Temu nằm trong số những ứng dụng được tải về nhiều nhất trên iPhone tại Mỹ trong năm 2023. Theo ông Alexander Graf, chỉ trong vòng 2 năm, Temu tăng trưởng mạnh đến mức trở thành đối thủ của tập đoàn bán lẻ trực tuyến Amazon.
EU đang trong trận chiến khó khăn nhằm chặn đà tiến của Temu ở châu Âu.
Temu và cuộc điều tra của EU
Ngày 31.10.2024, EU bắt đầu điều tra Temu. Đây là cuộc điều tra thứ 2 nhắm đến nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc, sau nhà bán lẻ trực tuyến AliExpress. Các quy định trong DSA cho phép EU kiểm tra bất kỳ nhà bán lẻ trực tuyến nào được phân loại là “nền tảng lớn” với hơn 45 triệu người dùng. Theo đó, Ủy ban điều tra của EU cho Temu thời hạn là đầu tháng 12 để cung cấp các giải pháp và điều chỉnh mô hình kinh doanh, nếu không sẽ đối mặt với mức phạt rất nặng.
Tuy nhiên, cuộc điều tra của EU lại không đề cập đến một vấn đề lớn, đó là phần lớn hàng hóa mà Temu xuất sang châu Âu đều thuộc dạng miễn thuế. Theo quy định của EU, các kiện hàng có giá trị dưới 150 euro đều không phải chịu thuế. Chuyên gia về thuế Roger Gothmann cho rằng, nếu không khai thác lỗ hổng này, thì Temu không thể bán hàng với mức giá rẻ như vậy được. Ông cũng đặt ra nghi vấn, Temu cố ý tách các đơn hàng có giá trị lớn thành nhiều đơn hàng nhỏ dưới mức chịu thuế.
Mặc dù EU có kế hoạch loại bỏ giới hạn miễn thuế vào năm 2028, đồng thời thiết lập trung tâm chia sẻ dữ liệu hải quan trên toàn khối, nhưng ông Alexander Graf vẫn nghi ngại không thể ngăn cản sự lớn mạnh của Temu. Sự lớn mạnh của công ty mẹ Temu “đã vượt xa các nền tảng hiện tại ở châu Á trong vòng 5 năm”, ông nói. “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngành công nghiệp này phải thích ứng với mô hình kinh doanh mới của Temu”.
LÊ QUẢNG (Theo DW)