Tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số: Còn nhiều khó khăn!
Thực hiện Ðề án “Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Ðịnh”, ngành giáo dục tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, góp phần rút ngắn khoảng cách học tập và phát triển giữa các vùng miền. Dù có nhiều nỗ lực nhưng đến nay kết quả vẫn còn hạn chế.
Xây dựng môi trường học tập thân thiện
Năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh có trên 2.080 trẻ mẫu giáo, 4.775 học sinh tiểu học được tăng cường tiếng Việt, tập trung ở các huyện An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, Tây Sơn. Sở GD&ĐT và các địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án năm học 2024 -2025; tiến hành hội thảo, tập huấn để nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên vùng dân tộc thiểu số (DTTS), chú trọng giảng dạy tiếng Việt theo hướng sáng tạo, gần gũi với văn hóa bản địa cho trẻ.
Cô giáo Trường Mầm non thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh) hướng dẫn cho trẻ người dân tộc thiểu số tìm hiểu các loài cây ở sân trường qua góc song ngữ. Ảnh: HỒ ĐIỂM
Theo đó, Sở GD&ĐT đã tổ chức Hội thảo, tập huấn “Lồng ghép giới trong thực hiện tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ em vùng DTTS” cho chuyên viên phòng GD&ĐT, cán bộ quản lý và giáo viên mầm non trực tiếp thực hiện tăng cường tiếng Việt.
Ông Văn Tám, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tây Sơn, cho biết: Sau khi Sở tổ chức hội thảo, Phòng GD&ĐT huyện tiếp tục xây dựng nội dung triển khai, phổ biến về các trường tiểu học, mầm non. Dự kiến trong tháng 1.2025, Phòng GD&ĐT sẽ triển khai sinh hoạt chuyên môn tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non thuộc 3 trường mầm non ở Vĩnh An, Tây Xuân, Bình Tân…
Với mục tiêu tạo nền tảng tiếng Việt vững chắc cho học sinh ngay từ những năm học đầu đời, các trường đã tích cực xây dựng môi trường học tập thân thiện, lồng ghép dạy tiếng Việt vào các hoạt động vui chơi và sinh hoạt hằng ngày.
Theo cô Nguyễn Thị Tính, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh), việc lồng ghép dạy tiếng Việt qua các trò chơi dân gian và hoạt động nhóm, qua các bảng tên ở sân trường, các dụng cụ trong lớp học… giúp các em hứng thú học tập hơn. Tuy vậy, chúng tôi vẫn gặp khó khăn trong việc tạo môi trường giao tiếp tiếng Việt ngoài giờ học do sự phối hợp từ gia đình còn hạn chế.
Cô giáo Đoàn Thị Thanh Diễm, Trường Mầm non thị trấn Vân Canh, chia sẻ: “Các em nhỏ khi mới nhập học gần như không biết tiếng Việt. Chúng tôi đã phải kiên trì từng bước, sử dụng hình ảnh và đồ dùng trực quan để giúp các em làm quen. Dù rất chậm nhưng mỗi tiến bộ của các em đều tạo động lực lớn để chúng tôi nỗ lực từng ngày. Nội dung tập huấn gần đây liên quan về giới, điều này cũng giúp chúng tôi có cái nhìn toàn diện hơn để hỗ trợ tăng cường cho các em”.
Còn nhiều khó khăn vướng mắc
Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, vẫn không ít khó khăn cần được giải quyết, nhất là vấn đề nhân lực. Điều kiện cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ dạy học tại các điểm trường lẻ thuộc các địa bàn vùng DTTS đến nay vẫn chưa đầy đủ. Cùng với đó, việc thiếu sách giáo khoa và tài liệu phù hợp với văn hóa bản địa là trở ngại lớn.
Việc tăng cường tiếng Việt không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành giáo dục mà cần sự chung tay của chính quyền và nhiều ban, ngành, tổ chức xã hội. Đặc biệt, vai trò của gia đình rất quan trọng, nhưng phụ huynh ở vùng DTTS vẫn còn e ngại sử dụng tiếng Việt, dẫn đến hạn chế trong việc hỗ trợ con em học tập.
Cô Nguyễn Thị Tính trăn trở: Trẻ em người DTTS gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp bằng tiếng Việt. Sự khác biệt lớn về ngữ pháp và từ vựng đôi khi làm giảm hứng thú học tập của các em… Bên cạnh đó, một số giáo viên còn thiếu kỹ năng chuyên biệt để hỗ trợ học sinh DTTS, vì vậy việc tăng cường tiếng Việt phụ thuộc nhiều vào năng lực và đặc biệt là sự tận tâm của giáo viên.
Ông Nguyễn Duy Nhất, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thạnh, nhận định: Để chương trình tăng cường tiếng Việt thực sự đạt hiệu quả, đồng bộ, cần có sự phối hợp của gia đình, hỗ trợ của xã hội; thêm vào đó cần có chương trình hỗ trợ cụ thể, như cung cấp thêm tài liệu song ngữ và tổ chức các buổi học phụ đạo miễn phí… Đồng thời, sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền địa phương là rất cần thiết.
Trong thời gian tới, ngành giáo dục sẽ tiếp tục thực hiện việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em, học sinh DTTS; quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả hơn nữa các đề án, kế hoạch đã xây dựng, phấn đấu đạt chỉ tiêu có ít nhất 40% trẻ em người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ, 99% trẻ em người DTTS trong độ tuổi mẫu giáo ra lớp; 100% trẻ DTTS trong các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp với độ tuổi…
Ông Võ Ngọc Sỹ, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, nhấn mạnh: Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư để tạo môi trường học tập và giao tiếp tiếng Việt đa dạng, phong phú hơn cho các em; chú trọng đến việc lồng ghép các giá trị văn hóa bản địa vào chương trình giảng dạy, nhằm tạo sự gần gũi và khơi dậy niềm yêu thích học tập của các em…
HỒ THỊ ĐIỂM