Cần linh hoạt trong quản lý hoạt động dạy thêm
Bộ GD&ĐT vừa ban hành quy định mới về việc cấm giáo viên tổ chức dạy thêm trong một số trường hợp cụ thể, nhằm góp phần đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào khuôn khổ, đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong giáo dục. Đây là một động thái cần thiết nhằm giải quyết tình trạng dạy thêm tràn lan và thiếu kiểm soát, vốn gây ra nhiều hệ lụy trong thời gian qua, tuy vậy, một số nội dung vẫn nhận được các ý kiến trái chiều.
Theo đó, quy định cấm tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng nghệ thuật, TDTT và kỹ năng sống, đang nhận được sự ủng hộ từ nhiều phía. Việc thực thi nội dung này giúp giảm bớt gánh nặng học tập cho học sinh ở độ tuổi này, đồng thời đảm bảo trẻ em có đủ thời gian để phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng việc cấm dạy thêm đối với học sinh tiểu học cần có sự linh hoạt hơn, đặc biệt đối với những học sinh có nhu cầu đặc biệt về kiến thức. Việc áp dụng quy định “cứng nhắc” có thể khiến một số học sinh không nhận được sự hỗ trợ cần thiết để theo kịp chương trình học. Hơn nữa, các bậc phụ huynh có thể tìm kiếm các lớp học thêm không chính thức, dẫn đến tình trạng “dạy thêm chui” không được kiểm soát và thiếu minh bạch.
Đối với giáo viên, quy định không được dạy thêm ngoài nhà trường với học sinh mà mình đang giảng dạy theo kế hoạch giáo dục của nhà trường là một biện pháp nhằm hạn chế tình trạng giáo viên lợi dụng vị trí giảng dạy chính thức để tạo ra áp lực học thêm cho học sinh.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng quy định này cần làm rõ thêm về cách thức thực hiện và hướng giám sát, tránh việc dạy thêm ngoài nhà trường “biến tướng” dưới nhiều hình thức khác… Điều này cũng đồng nghĩa với việc giáo viên không thể tham gia các lớp dạy thêm thu tiền đối với học sinh của mình. Nhưng như vậy liệu có quá khắt khe với các giáo viên, đặc biệt là giáo viên ở khu vực miền núi, vùng khó khăn?
Không ít phụ huynh và học sinh cho rằng trong một số trường hợp, việc dạy thêm ngoài giờ học chính khóa là cần thiết để củng cố và nâng cao kiến thức. Thực tế, vẫn có một bộ phận học sinh có nhu cầu học thêm để theo kịp chương trình hoặc bồi dưỡng các môn học có tính chất đặc thù để tham gia các kỳ thi quan trọng.
Quy định của Bộ GD&ĐT về việc siết chặt hoạt động dạy thêm nhằm kiểm soát chất lượng giáo dục. Nhưng cần có hướng điều chỉnh khách quan, linh hoạt để đảm bảo học sinh nhận được sự hỗ trợ phù hợp; giáo viên có thể duy trì thu nhập ổn định mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy chính khóa…
B.DƯƠNG