Hội thảo quốc tế về nghệ thuật bài chòi dân gian Việt Nam
(BĐ) - Ngày 13.1, tại Resort Hoàng Gia, TP Quy Nhơn, Viện Âm nhạc đã phối hợp với Sở VH-TT&DL tổ chức Hội thảo quốc tế “Nghệ thuật bài chòi dân gian Việt Nam và những hình thức nghệ thuật tương đồng trên thế giới”.
Dự hội thảo có các đại biểu: Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL; Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh; GS.TS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam; PGS.TS Lê Văn Toàn, Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam… cùng các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa trong nước và các học giả quốc tế đến từ Pháp, Đức, Thụy Điển, Hàn Quốc, Lào.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đánh giá cao ý nghĩa của việc tổ chức Hội thảo để nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện về sự hình thành, lan tỏa và phát triển của nghệ thuật bài chòi dân gian; đồng thời, rút ra những bài học thiết thực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản bài chòi…
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu trong nước đã trình bày tham luận về nguồn gốc, những đặc trưng về nghệ thuật diễn xướng bài chòi ở các địa phương, cách nhận diện về nghệ thuật bài chòi dân gian… Các học giả quốc tế đưa ra những nhìn nhận đa dạng về bài chòi - loại hình sân khấu âm nhạc độc đáo, ghi chép về nhạc mục của bài chòi, đặc trưng nhạc ngữ và tiết tấu thi ca trong bài chòi, những di sản văn hóa phi vật thể Hàn Quốc tương tự như bài chòi và tầm quan trọng của cộng đồng trong bảo tồn di sản. Qua đó, cung cấp thêm tư liệu, cơ sở khoa học khẳng định nghệ thuật bài chòi dân gian miền Trung là một trong những sáng tạo đặc sắc về văn hóa phi vật thể trên thế giới.
Sáng 14.1, Hội thảo tiếp tục diễn ra với những ý kiến trao đổi, đánh giá về thực trạng bảo tồn và phát huy di sản bài chòi dân gian trên địa bàn tỉnh Bình Định, phục dựng hội đánh bài chòi dân gian Bình Định, bài chòi trong đời sống đương đại ở Hội An, bài chòi miền Trung từ góc nhìn của người nghiên cứu điền dã…. Sau đó, Ban Tổ chức sẽ tiến hành tổng kết và bế mạc Hội thảo.
HOÀI THU