Chuyến cá ngừ khai thác bằng thiết bị và công nghệ Nhật Bản đầu tiên trong năm 2015:
Có 7 con đạt chất lượng xuất khẩu qua thị trường Nhật Bản
(BĐ) - Sáng 31.1, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà cùng ông Hirosuke Kato, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật- Việt tại Sakai kiêm Chủ tịch Công ty Kato Hitoshi General Office và ông Masakazu Shoga, chuyên gia thủy sản của Công ty Kato Hitoshi General Office đã đến Cảng cá Quy Nhơn để kiểm tra công tác bốc dỡ, vận chuyển sản phẩm và chất lượng cá ngừ của hai ngư dân ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn) tham gia mô hình khai thác, thu mua và xuất khẩu cá cá ngừ đại dương (CNĐD) sang Nhật Bản.
Cá ngừ vừa cập Cảng cá Quy Nhơn được các chuyên gia của Nhật xuống tàu giám sát quy trình. Ảnh: Văn Lưu
Đợt này, có 1 tàu cá của ngư dân Nguyễn Quê và 3 tàu cá của ngư dân La Tình có cập Cảng cá Quy Nhơn, trên các tàu có 100 con cá ngừ đại dương. Số lượng cá nói trên đều được câu bằng thiết bị và công nghệ của Nhật Bản do tỉnh ta hỗ trợ.
Sau khi hoàn thành công đoạn bốc dỡ, toàn bộ số cá trên được vận chuyển đến Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định (BIDIFISCO) để kiểm tra chất lượng. Phần việc này do cán bộ kỹ thuật của BIDIFISCO và các chuyên gia thủy sản Nhật Bản thực hiện. Kết quả, 7 con cá ngừ đảm bảo chất lượng (tàu cá của ngư dân Nguyễn Quê có 4 con, tàu cá của ngư dân La Tình có 3 con), với tổng trọng lượng 320 kg, đã được BIDIFISCO và Kato Hitoshi General Office bảo quản để đưa qua Nhật Bản bán đấu giá. Số cá còn lại được BIDIFISCO thu mua với giá cao hơn giá thị trường tại thời điểm.
Cán bộ kỹ thuật của Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định và các chuyên gia thủy sản Nhật Bản kiểm tra chất lượng cá ngừ. Ảnh: T.Sĩ
Đây là chuyến biển đầu tiên trong năm 2015 của hai ngư dân tham gia mô hình khai thác, thu mua và xuất khẩu cá CNĐD sang Nhật Bản và là đợt thứ hai tỉnh ta xuất khẩu sản phẩm cá ngừ sang đấu giá tại thị trường Nhật Bản.
Chiều cùng ngày,, Công ty Kato Hitoshi General Office và Sở NN&PTNT đã làm việc với các chủ tàu và thuyền viên nhóm tàu thực hiện mô hình khai thác, thu mua và xuất khẩu CNĐD sang Nhật Bản để đánh giá việc thực hiện quy trình khai thác, bảo quản sản phẩm.
Tại buổi làm việc, các cán bộ kỹ thuật của ngành Nông nghiệp tỉnh và ông Masakazu Shoga chuyên gia thủy sản của Kato Hitoshi General Office đã chỉ rõ những hạn chế của ngư dân trong quá trình áp dụng quy trình khai thác, xử lý, bảo quản sản phẩm CNĐD; đồng thời hướng dẫn ngư dân khắc phục tồn tại hạn chế cho từng công đoạn.
Theo ông Nguyễn Hữu Cầu, cán bộ kỹ thuật Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, người được cử làm quan sát viên trên tàu cá của ngư dân La Tình: Nhiều thuyền viên không tuân thủ quy trình kỹ thuật khai thác. Khi cá dính câu, thay vì sử dụng máy kéo câu và thực hiện đúng nguyên tắc: “Mềm nắn, rắn buông”, ngư dân lại trực tiếp cầm dây câu giằng co với cá, sau đó mới đưa máy tạo xung xuống nước để làm cho cá ngất đi. Việc sử dụng máy tạo xung của mỗi thuyền viên trên cũng không giống nhau; trong khi đó, thuyền trưởng không thực sự nhiệt tâm trong chỉ đạo thuyền viên thực hiện quy trình. Công đoạn xử lý cá trên boong tàu cũng còn hạn chế; có con cá chưa bị ngư dân đâm trúng tâm động mạch chủ như đã hướng dẫn nên máu cá ra không hết... Các yếu tố nói trên đã làm ảnh hưởng đến chất lượng cá.
Còn ông Masakazu Shoga cho rằng, công đoạn bảo quản sản phẩm đã có tiến bộ hơn những chuyến biển trước nhưng các công đoạn khác như: Khai thác, xử lý cá ngừ vẫn còn rất nhiều hạn chế. Thời gian một chuyến biển quá dài cũng làm cho chất lượng cá giảm. Ngư dân cần áp dụng tốt quy trình kỹ thuật từ khai thác, xử lý, bảo quản mới mong nâng cao chất lượng sản phẩm.
T.SỸ- HỒNG QUẢNG- HỒNG VÂN
"Nhiều thuyền viên không tuân thủ quy trình kỹ thuật khai thác, thuyền trưởng không thực sự nhiệt tâm trong chỉ đạo thuyền viên thực hiện quy trình.... " Chúng tôi, độc giả BBĐ thực sự buồn về thái độ, cung cách làm ăn của một số ngư dân được hưởng lợi của dự án. 100 con cá, chỉ có 7 con tạm được, tỷ lệ chỉ có 7%. Quá tệ! Không hiểu nổi bà con ngư dân mình! Tỉnh đã cố gắng hết sức, bay qua, bay lại giữa VN và Nhật Bản, họp hành, lấy tình hữu nghị thuyết phục người Nhật qua bày kế làm ăn cho mình, mà dân mình lại không muốn. Chính người Việt mình cũng thường dạy rằng: "cho mượn vốn làm ăn chứ không ai chỉ bí quyết làm ăn". Người Nhật họ nhiệt tình, chỉ cho mình cách câu con cá sao cho ngon, bán giá cao gấp 4-5 lần, rồi họ còn tài trợ cho thiết bị câu, tập huấn, dặn dò đủ thứ...Vậy mà...! Đây là lần thứ 2, không nói ra, chứ tôi biết trong lòng họ thất vọng. Chính anh Hữu Cầu cũng thất vọng chứ đừng nói chi họ. Có lẽ, nếu lần thứ 3 nữa mà không đạt, chắc là họ goodbye ngư dân BĐ luôn! Câu chuyện này làm tôi nhớ lại hơn 10 năm trước đây, nhà nước vận động nông dân mình gieo sạ giống lúa mới thay cho giống lúa thịt. 1 sào vãi chỉ có 2-3 ký giống lúa thuần, lúa lai thay cho 10-12 ký giống lúa thịt, làm rất khỏe, lúa mọc tốt, năng suất và sản lượng cao. Mô hình nhà nước làm cho dân thấy rồi. Vậy mà nông dân mình đâu có chịu làm theo mấy đâu! Cứ lúa thịt mượn nhà này, nhà kia, về ngâm một lần mấy thúng. 1 sào ngâm 15 ký lúa, vãi cỡ 10-12ký, còn dư cho gà ăn. Ruộng thì mọc chỗ dày, chỗ thưa vì giống yếu, lúa mộng chết. Phải mướn 2-3 công, chổng mông cấy dặm lại. Đến khi thu hoạch, lúa tạp, lúa lép quá trời. Cán bộ kỹ thuật HTX nói rồi, họ đâu chịu nghe. Cứ cố chấp, bảo rằng: xưa bày nay làm. Đến khi nhận ra làm theo kiểu xưa là lạc hậu rồi, thì mất vài năm trời. Bởi vì cái tính bảo thủ của nông dân mình, thành ra nông thôn vẫn còn lẹt đẹt mãi. Bò lai cũng vậy! Thụ tinh nhân tạo, chất lượng bê lai cao, cũng không chịu làm một thời gian. Cứ mượn bò xóm trên xóm dưới nhảy trực tiếp. Con bò đực nó nhảy nhiều làm sao tinh tốt được! Nuôi tôm cũng vậy, khoa học dặn là thả thưa thưa, mau lớn mà lại ít dịch bệnh. Không chịu nghe. Ham nhiều, thả con giống cho cố, thất bại nhiều hơn thành công, thành ra đổ nợ. Rồi, tôm nhà mình bị dịch bệnh, nhà nước biểu xử lý hóa chất diệt mầm bệnh trước khi xả hồ. Không chịu nghe! Tiếc tiền mua mấy ký hóa chất Chlorine, vậy là xả nước có mầm bệnh ra, ít lâu sau mấy hồ xung quanh chết dịch hết. Bó tay nông, ngư dân mình luôn ! Ngẫm nghĩ lại chuyện con cá ngừ đại dương của mình, một lần nữa mà thêm buồn. Người Nhật uy tín lắm, quý trọng chữ tín lắm. Giờ, họ nhiệt tình giúp ngư dân mình, ngư dân mình không muốn! E rằng, đến khi nhận ra lợi ích của cách làm mới, thì họ không thèm mua cá ngừ của BĐ nữa! Mà nên nhớ, chỉ có người Nhật mới ăn cá ngừ đại dương tươi với giá cao. Còn không thì chỉ bán thịt cá đã qua chế biến với giá thấp mà thôi! Đã "bó tay" rồi, chắc mai mốt "bó chân" với ngư dân BĐ luôn quá ! Buồn ơi là buồn! Thương cho anh Lê Hữu Lộc, anh Hồ Quốc Dũng, ông Kato, anh Nguyễn Hữu Cầu...!