Làm giày cho bệnh nhân phong
Mỗi năm xưởng giày của Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa sản xuất khoảng 2.400 đôi giày đặc biệt để phục vụ bệnh nhân tại chỗ và các tỉnh trong khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên. Hiện nay, các kỹ thuật viên nơi đây còn đang hướng dẫn cho đồng nghiệp ở nước bạn Lào để mở rộng cơ hội được chăm sóc cho bệnh nhân phong.
Với người bệnh phong nặng, có được một đôi giày vừa vặn với bàn chân là điều rất quan trọng. Nhờ nó, họ không những sinh hoạt thuận tiện hơn mà còn giúp giảm thiểu nguy cơ gây tai nạn, thương tật trong cuộc sống thường ngày.
Mỗi năm xưởng giày của Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa sản xuất khoảng 2.400 đôi giày đặc biệt để phục vụ bệnh nhân tại chỗ và các tỉnh trong khu vực Nam Trung bộ - Tây nguyên. Nghề đóng giày cho bệnh nhân phong không hề đơn giản. Chất liệu làm giày thường là loại da bò hoặc giả da. Người thợ đóng giày không làm theo kích cỡ mà hằng năm phải đi đo từng bàn chân của bệnh nhân để nhận diện sự thay đổi, đo trọng tâm cơ thể, lỗ đáo để đôi giày mang vào không làm tổn thương vết thương. Có số đo, thợ sẽ làm khuôn, mài đế để đóng giày.
Những người thợ phải kỳ công cắt tỉa, đục đẽo, chăm chút cho từng chi tiết nhỏ để tạo nên những đôi giày đặc biệt. Những đôi giày ở đây không giống nhau, thậm chí hai chiếc của cùng một đôi cũng khác biệt về kích cỡ, hình dáng. Nhìn chúng, ta có thể phần nào biết được mức độ bệnh nặng nhẹ của chủ nhân. Tại xưởng đóng giày còn có những giá treo hàng ngàn mẫu chân để đóng giày cho bệnh nhân khắp nơi. Từng mẫu đều ghi rõ ràng họ tên, địa chỉ của bệnh nhân để thuận tiện cho việc quản lý và điều chỉnh hình dáng mỗi khi thay giày mới.
Hiện nay, các kỹ thuật viên Bệnh viện Phong và Da liễu Trung ương Quy Hòa còn hướng dẫn cho đồng nghiệp ở nước bạn Lào việc làm giày cho bệnh nhân phong.
Ngày 16.9, anh Khieophone Khamphoumy - nhân viên y tế làng phong Champasak - bắt đầu làm quen với công việc ở xưởng đóng giày của Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa.
Khieophone được các kỹ thuật viên ở đây giới thiệu 3 loại giày cơ bản dành cho người bệnh phong mà anh cần học cách làm để về áp dụng ở nơi mình làm việc. Chàng trai 24 tuổi này cũng bắt đầu làm quen với máy may công nghiệp. Vì còn nhiều bỡ ngỡ, nên anh được các kỹ thuật viên ở xưởng giày nhiệt tình cầm tay chỉ việc mỗi khi vẽ mẫu và cắt da theo kích cỡ của các mẫu chân khác nhau. Dù việc học tập gặp nhiều khó khăn, vất vả, nhưng anh rất quyết tâm.
Anh Khieophone Khamphoumy, Nhân viên y tế của làng phong Champasak, nói: “Ở bên Lào có nhiều người mắc bệnh phong, nhưng lại chưa có vật tư y tế phục vụ cho họ. Tôi rất vui khi được sang đây để học cách làm giày cho người bệnh. Tôi sẽ cố gắng học thật tốt để về quê làm việc hiệu quả”.
Bên cạnh sản xuất giày chỉnh hình cho bệnh nhân phong, 8 học viên khác của nước bạn Lào còn được đào tạo về xét nghiệm trong chuyên khoa da liễu, kỹ thuật chăm sóc da, chăm sóc điều trị lỗ đáo và phòng tránh tàn tật, chăm sóc bệnh nhân da liễu; đặc biệt là phương pháp pha chế thuốc bôi ngoài da - kỹ thuật chưa được triển khai ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Champasak do thiếu cán bộ và trang thiết bị.
Các hoạt động nói trên thuộc kế hoạch Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phong và một số bệnh khác tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Champasak giai đoạn 2015-2017, nhằm giúp tỉnh bạn khắc phục một số khó khăn trong khám, chữa bệnh.
NGUYỄN VĂN TRANG