Phát hiện mới từ cuộc khai quật Thành Cha
Hơn một tháng qua, Trung tâm Nghiên cứu kinh thành thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Tổng hợp Bình Định đã tiến hành khai quật khảo cổ học di tích thành Cha tại thôn An Thành, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn.
Thành Cha là một trong hệ thống thành cổ Champa hiện tồn trên đất Bình Định, được xếp hạng di tích kiến trúc - nghệ thuật từ năm 2003 nhưng đây là lần đầu tiên di tích này được khai quật.
Sau khi khảosát hiện trạng di tích, các nhà khảo cổ học đã quyết định mở hố khai quật tại gò đất cao ở trung tâm thành nội, có tên dân gian là gò Giữa, với diện tích khai quật 440 m2.
Theo báo cáo sơ bộ kết quả khai quật được tổ chức vào chiều 18.12, tại hố khai quật, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được ba lớp kiến trúc với quy mô mặt bằng kiến trúc khác nhau nằm chồng xếp lên nhau, kế thừa nhau và sử dụng liên tục.
Trong đó, di tích sớm nhất và có mặt bằng, chức năng nhất là đền thờ (lớp kiến trúc 1) bình đồ hình chữ nhật, diện tích 64,78 m2. Ở bình diện thấp hơn nền, xuất hiện nhiều mảnh ngói, trong đó tỷ lệ ngói ống đáng kể cho thấy mái của kiến trúc được lợp bằng ngói âm dương, diềm mái lợp bằng ngói ống trang trí mặt hề hoặc mặt sư tử.
Lớp kiến trúc thứ 2 có mặt bằng rộng hơn mặt bằng kiến trúc của lớp 1 về 4 hướng Đông, Tây, Bắc, Nam với diện tích 289,59 m2, đã phát hiện một rãnh nước phía Tây, 4 đoạn tường gạch và 3 nền lát gạch.
Lớp kiến trúc thứ 3 là hệ thống hố sâu đào phá lớp kiến trúc 2 và chứa đầy gạch vỡ, gạch vụn như kỹ thuật gia cố móng trụ sỏi trong kiến trúc Đại Việt. Trong hố khai quật còn xác định được các trụ móng gạch.
Về di vật, có 6.691 di vật thu được với nhiều chất liệu khác nhau như đất nung, đồ đá, hiện vật kim loại màu vàng… Trong đó, đáng chú ý có 488 mảnh gốm Sa Huỳnh.
Từ ba lớp khai quật trên, dựa trên các phát hiện về nền kiến trúc hình chữ nhật, di tích hố thiêng, hiện vật thu được và đối chiếu với tư liệu lịch sử, bước đầu cho kết luận, với di tích có kiến trúc hình chữ nhật, di tích hố thiêng xuất hiện sớm nhất, có thể mang chức năng là đền thờ, tồn tại ở giai đoạn đầu khi khu vực này còn là thủ phủ của châu Vijaya (từ thế kỷ 4-6 đến trước thế kỷ 10). Các lớp kiến trúc sau có thể được xây dựng khi Thành Cha trở thành kinh đô chính trị, văn hóa của vương triều Vijaya (thế kỷ 11-15).
PGS.TS Lại Văn Tới, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh thành, người chủ trì cuộc khai quật cho biết, diện tích khai quật nói trên (400m2) là nhỏ so với diện tích của thành Cha (32.886 m2) và so với quy mô rộng lớn của kinh đô Vijaya. Kết quả khai quật đã cung cấp nhiều tư liệu quan trọng xung quanh thành Cha và Vijaya, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề cần nghiên cứu tiếp. Để hiểu biết cụ thể và đầy đủ hơn về Vijaya và thành Cha, cũng như vị trí và vai trò của thành này trong lịch sử Champa, cần tiếp tục khai quật, nghiên cứu thành Cha.
HOÀNG PHẠM