Thăm làng rượu Bàu Đá – rượu của di sản
Làng nghề truyền thống rượu Bàu Đá ở thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn hiện có 33 hộ nấu rượu, hầu hết các quy trình nấu rượu được làm bằng thủ công.
Nhà thơ Nguyễn Duy, sau một tháng trời trải nếm đủ loại từ Bàu Đá, Làng Vân, rồi Mẫu Sơn…từng kết luận rằng: mỗi xứ có rượu ngon của mình, xứng đưa vào hàng quốc tửu, nhưng “đi khắp thiên hạ rồi chưa thấy loại rượu nào sủi tăm nhiều và vị ngon như rượu Bàu Đá’’. Nói vậy, thì rượu Bàu Đá đã xứng đáng vào hàng “quốc tửu’’. Hiện có ba loại rượu Bàu Đá: rượu gạo, rượu nếp và rượu đậu xanh. Có thể rượu được đựng trong những chiếc bình gốm đẹp mắt có khi chỉ đơn giản bên trong những chai nhựa bình thường… nhưng tất thảy, đều là vị chưng cất từ men, từ nước, từ gạo, thuần phác một hương vị quê nhà.
Toàn bộ quy trình làm rượu phải mất thời gian hơn 6 ngày gồm các công đoạn như: chọn gạo tốt đem nấu, sau đó trải ra làm cho tơi xốp, rồi trộn với men và ủ khoảng 3 ngày. Tiếp đó, cho nước lạnh vào ngập phần cơm rồi để tiếp ba ngày nữa mới đem nấu.
Đứng bên những danh tửu như làng Vân, Gò Đen, Hồng Đào, giữa muôn ngàn danh rượu nhập khẩu về từ các nước… cái tên Bàu Đá đã ngạo nghễ làm nên một thương hiệu. Làng nghề rượu Bàu Đá Cù Lâm đã được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống, Cục Sở hữu trí tuệ ( Bộ Khoa học - Công nghệ) đã cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “ Rượu Bàu Đá”. Với sự ghi nhận như vậy, bằng bàn tay tài hoa của người nấu rượu Bình Định, loại rượu của di sản này sẽ còn tiếp tục được bảo tồn và phát triển.
HOÀNG PHẠM