Hiện thực hóa ước mơ công nghệ Việt
Một kỹ sư xây dựng nhưng lại mê công nghệ tự động, để rồi suýt sạt nghiệp vì nó. Qua bao thăng trầm, hiện anh và các cộng sự không chỉ hiện thực hóa ước mơ công nghệ Việt khi công ty của anh đang chiếm lĩnh 70% thị phần nhà thông minh khu vực phía Nam, mà còn tham vọng vươn ra thị trường quốc tế. Ðó là kỹ sư Ðỗ Nguyên Thanh Ðồng, 34 tuổi, Giám đốc Công ty CP công nghệ ACIS (số 36, đường 15, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Ðức, TP Hồ Chí Minh). Quê anh ở phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn.
Anh là cựu học sinh Trường THPT Trưng Vương (TP Quy Nhơn), từng đi thi học sinh giỏi quốc gia môn Vật lý. Nhưng rồi, anh lại chọn học ngành Xây dựng ở Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh (khóa 1999 - 2006). Dẫu vậy, từ năm 2001, với vốn kiến thức Vật lý thời THPT và tự trau dồi, Đồng luôn nghiền ngẫm về công nghệ điện tử và tự động.
Quá trình làm nghề xây dựng, thấy mảng thị trường nhà thông minh điều khiển từ xa (smarthome) ở Việt Nam hầu như còn bỏ trống, anh và một số bạn học cùng trường đã tập trung nghiên cứu giải pháp công nghệ tự động. Sau gần 8 năm nghiên cứu, đầu năm 2011, họ cho ra đời giải pháp và sản phẩm mang tên power control.
Kỹ sư Đỗ Nguyên Thanh Đồng giới thiệu sản phẩm của ACIS.
Từ thất bại
Năm 2012, kỹ sư Đỗ Nguyên Thanh Đồng tạm ngưng vị trí giám đốc công ty xây dựng để cùng với nhóm bạn kỹ sư công nghệ thành lập Công ty CP công nghệ ACIS (gọi tắt là ACIS) với số vốn ban đầu 1 tỉ đồng, sản xuất sản phẩm power control. Đây là thiết bị kiểm soát các thiết bị điện trong nhà, điều khiển bằng nhiều kênh như bàn phím gắn tường, remote không dây và phần mềm cài trên các thiết bị kết nối internet. Tuy nhiên, sản phẩm được kỳ vọng bao nhiêu, khi ra thị trường lại thảm bại bấy nhiêu. ACIS chỉ bán được 6 cái. Vì tủ power control to, kềnh càng, chi phí sản xuất và lắp đặt cao.
“Đấy là thời điểm căng thẳng nhất của tôi. Mỗi tháng trả lãi ngân hàng 22 triệu đồng, chưa kể lương công nhân. Công ty gần như giải thể, từ 24 người chỉ còn lại vài người, nhưng là những người sẵn sàng cho tôi nợ lương, cùng ăn mì tôm với quyết tâm theo đuổi công nghệ đến cùng” - kỹ sư Đồng nhớ lại.
* Theo anh, khi ấy vì sao ACIS thất bại?
- Thứ nhất, sản phẩm chưa thực sự tối ưu. Thứ hai, khách hàng chưa thấy hết tiện ích mà nhà thông minh mang lại. Cuối cùng, do bán giá... quá rẻ. Mỗi sản phẩm bán ra chỉ 45 triệu đồng, trong khi sản phẩm tương tự mang thương hiệu nước ngoài bán mấy trăm triệu đồng. Chúng tôi cứ nghĩ, giá rẻ sẽ nhiều người mua; nhưng trong lĩnh vực sản phẩm công nghệ, đây là sai lầm, vì nó gây hoài nghi “của rẻ của ôi”.
Công ty ACIS lọt vào top 100 sản phẩm, dịch vụ uy tín an toàn chất lượng năm 2016.
Ðến công nghệ truyền dẫn không dây 100% Việt
Năm 2013, Vườn ươm Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh “hà hơi tiếp sức” cho ACIS bằng cách cho mượn một văn phòng nhỏ làm nơi nghiên cứu. Kỹ sư Đồng và các cộng sự bắt đầu phát triển công nghệ truyền dẫn không dây (wireless) có khả năng đi xuyên 3 tầng bê tông và mỗi công tắc cảm ứng là một điểm kết nối với nhau, tạo thành mạng lưới “siêu truyền dẫn ô cờ”. Cả hệ thống gói gọn trong mỗi công tắc, hoàn toàn không có ăng-ten hay bộ truyền phát router như các hãng khác.
Kỹ sư Đồng nhấn mạnh: Công nghệ truyền dẫn không dây do ACIS hoàn toàn làm chủ hướng đến tiêu chí “easy control”, tức dễ lắp đặt - thi công, chỉ mất 1-2 ngày với công trình hiện hữu, không đục tường phá vách, không cần phí tư vấn, dễ sử dụng, độ bền cao và không cần phải lập trình phức tạp. Giá thành lắp đặt bằng 1/6 - 1/7 sản phẩm cùng loại của nước ngoài; dao động từ 20 triệu đồng đến vài trăm triệu đồng/công trình, tùy diện tích và công năng sử dụng.
Tôi từng mục sở thị 2 smarthome mẫu của ACIS tại Quy Nhơn. Ngoài sử dụng điện thoại di động, máy tính bảng, chủ nhà có thể dùng điều khiển trên tường như công tắc hoặc remote để điều khiển, theo dõi tất cả các thiết bị điện trong nhà, ngay cả khi ở nước ngoài. Từ tắt- mở bóng đèn, bật ti vi, máy lạnh đến đóng - mở cửa chính, đóng - mở rèm cửa và van tưới nước cho cây. Nhấn nút “ra ngoài”, tất cả thiết bị điện đều tắt, đồng thời tự kích hoạt hệ thống phòng vệ, cảnh báo chống trộm, điều khiển. Nếu có trộm, đèn trong nhà tự bật sáng, máy điện thoại để bàn tự kết nối với điện thoại của chủ.
* Vậy là sau bao thăng trầm, ACIS cũng đã chọn được hướng đi riêng theo slogan “easy control, better life” (tạm dịch “dùng dễ, sống tốt”). Anh đánh giá mức độ thành công của ACIS hiện nay ra sao?
- Cuối năm 2013, ACIS thi công chừng 30 công trình smarthome dân dụng, chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh. Năm 2014, thi công được 165 công trình, năm 2015 là gần 200, còn từ đầu năm 2016 đến nay được gần 40 công trình. ACIS đang chiếm khoảng 70% lượng khách hàng khu vực phía Nam.
Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, khách hàng dùng smarthome đều là người có điều kiện kinh tế từ trung lưu trở lên, nên thị trường còn khiêm tốn lắm. Chừng 1.000 người dân chỉ 10 người quan tâm đến nó, song chắc gì 10 người ấy có nổi một người đủ “lực” mua. Trong tương lai, nhu cầu này sẽ ngày càng lớn. Vì vậy, tháng 6.2016, chúng tôi ra mắt dòng sản phẩm công tắc thông minh nhằm dần phổ cập smarthome.
* Anh có thể giới thiệu cụ thể hơn về sản phẩm này?
- Về tính năng, công tắc thông minh giống công tắc bình thường song thiết lập được ngữ cảnh, sử dụng công nghệ không dây của ACIS, giống công tắc đảo chiều nhưng không cần thi công dây liên thông, chỉ cần “chạm” là tất cả các thiết bị điện trong nhà có thể tắt/mở theo ý muốn. Ở tầng một nhưng tắt mở các thiết bị điện ở tầng ba hoặc ở tầng dưới; biết trạng thái đèn từng phòng đang sáng hay tắt và có thể điều khiển từ xa qua remote. Giá bán lẻ gần 1,3 triệu đồng/sản phẩm, hiện đã có mặt trên thị trường.
* Chiến lược kinh doanh sắp tới của ACIS là gì?
- ACIS vẫn tập trung mục tiêu phổ cập công nghệ Việt do mình làm chủ, trung thành với khát vọng một sản phẩm có thể bán cho nhiều người. Ở thị trường trong nước, ACIS đang đưa ra những sản phẩm công nghệ tiên tiến giá bình dân. Nhưng thị trường ngoài nước mới là mục tiêu chính của ACIS. Đã có một vài công ty nước ngoài đặt vấn đề hợp tác. Họ có thương hiệu, có thị trường, còn chúng tôi làm chủ về công nghệ cũng như sản xuất. Hiện tại, chỉ có thể nói hai bên mới thống nhất kế hoạch và chúng tôi đang làm mẫu sản phẩm gửi cho họ.
Đội ngũ kỹ thuật của AICS thi công công trình smarthome trị giá 300 triệu đồng cho ngôi biệt thự 3.000 m2 ở Long Thành (Đồng Nai).
Và bài học khởi nghiệp: Cứ để cho “chết”
Kỹ sư Đỗ Nguyên Thanh Đồng hiện là thành viên Hội đồng thẩm định Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (lĩnh vực công nghệ viễn thông). Anh thường được các trường đại học mời đến nói chuyện với sinh viên về khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực công nghệ.
* Anh từng nói các bạn trẻ đừng ngại thất bại khi bắt đầu khởi nghiệp, quan trọng là làm sao để đứng lên sau thất bại đó, làm lại và đi đến thành công. Phải chăng, đó là đúc kết từ kinh nghiệm bản thân?
- Đúng vậy! Với tôi, đâu chỉ một lần thất bại với power control. Thời sinh viên, tôi làm rất nhiều nghề: bốc vác, gia sư, vẽ thiết kế thuê cho các công ty. Sau đó, tôi lập xưởng thiết kế, thuê sinh viên về làm, cuối cùng bị các công ty xây dựng “chạy làng”. Còn nhiều thất bại nữa trước khi thành lập ra ACIS, vậy mà ACIS cũng lên bờ xuống ruộng.
* Vậy thì lời khuyên đưa ra cho người trẻ khởi nghiệp sẽ là...?
- Cứ để họ tự bơi. Thậm chí khi cần, hãy để cho “chết” nhưng “chết” một cách từ từ và có đường lùi. Bạn trẻ bước ra kinh doanh, cũng như tôi thời đó, cứ nghĩ rằng sản phẩm mình là nhất, giá rẻ sẽ được mua ngay, mà không biết rằng có thể chỉ mất một năm để sáng tạo sản phẩm song phải mất đến 10 năm hoặc lâu hơn nữa mới đứng được ở thị trường. Xoay xở để tồn tại từng tháng, từng năm, còn sức đeo đuổi mục tiêu là giỏi rồi. Chỉ khi nào họ thực sự nếm đủ mùi thất bại, tự rút ra bài học cho mình, mới tiếp sức, bơm “oxy” cho sống lại.
* Cảm ơn anh!
TS. Dương Minh Tâm, Phó Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh: “ACIS được nhận vào Khu vườn ươm Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh từ năm 2013, khởi nghiệp bằng công nghệ cao với sản phẩm nhà thông minh, Internet of things. Ðến nay, có thể khẳng định rằng, ACIS là một sản phẩm đầu tư thành công của Vườn ươm. Theo tôi được biết, doanh số của ACIS năm sau cao hơn năm trước, năm 2015 đạt gần chục tỉ đồng, chứng tỏ công nghệ của ACIS đã được thương mại hóa, góp phần vào sự phát triển công nghệ cao và ứng dụng trong cuộc sống.
Riêng với kỹ sư Ðồng và các cộng sự, tôi thấy họ là những bạn trẻ có tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ, dám chấp nhận thất bại, tiếp tục xông pha ra thương trường, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay”.
THU HÀ (Thực hiện)