Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Phúc Như Hà:
Trọn vẹn đam mê với nghiệp chống phong
27 năm gắn bó với Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa là cũng từng ấy năm Trưởng khoa Sinh học phân tử Nguyễn Phúc Như Hà “thủy chung” với những xét nghiệm hữu ích trong phát hiện, điều trị và nghiên cứu bệnh phong. Ðó là niềm đam mê, là cái nghiệp mà đến giờ chị chưa bao giờ thấy cạn nhiệt tâm.
Năm 1989, Nguyễn Phúc Như Hà về công tác tại Khu điều trị Phong Quy Hòa (nay là Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa). Thuở ấy, con đường đèo khúc khuỷu vẫn là đường đất, cảnh vật hoang sơ. Bác sĩ Trần Hữu Ngoạn - Giám đốc Khu điều trị - bảo chị có hoa tay, nên sáng làm xét nghiệm, chiều được cử làm chuyện “tào lao”. Mấy chuyện “tào lao” ấy dễ thương lắm, chẳng hạn, chị cùng bệnh nhân phong làm các bảng, biểu, rồi trang trí cho sàn nhảy bên bờ biển... “Ban đầu, cũng sờ sợ; sau rồi quen, thấy gắn bó với họ ghê lắm” - chị Hà thú thật.
Chị Nguyễn Phúc Như Hà trong một chuyến công tác tại Gia Lai để lấy mẫu xét nghiệm.
“Thích mới học, học rồi phải làm tốt”
Ngày càng gắn bó, chị Hà càng có thêm động lực dấn thân vào nghiệp phục vụ cho người bệnh phong. Với vốn liếng ngoại ngữ khiêm tốn ban đầu, năm 2003, chị được Bệnh viện cử sang Pháp để học chương trình hỗ trợ của Hội người Việt Nam tại Pháp, với mục tiêu tiếp cận kỹ thuật PCR (Polymerase Chain Reaction) - một công nghệ đột phá lúc bấy giờ giúp phát hiện sớm những bệnh nhân phong khó chẩn đoán.
Đó thật sự là một chuyến đi chẳng thể nào quên. Thời gian trên đất Pháp chỉ 4 tháng, nhưng chị mất gần 2 tháng tìm kiếm, chờ đợi một labo (phòng xét nghiệm) nào đó có thể giúp mình thực hiện kỹ thuật PCR. Bởi tại thời điểm ấy, ở đất nước có nền y học hiện đại này, cũng có rất ít các labo thực hành về vi khuẩn phong. Đến nỗi, các sinh viên y khoa ở Đại học Nantes đều ngạc nhiên khi được hỏi về bệnh phong - căn bệnh như đã bị lãng quên. Cuối cùng, một giáo sư ở Viện Pasteur Paris - bà Honore đã đồng ý đào tạo.
Một năm sau chuyến đi Pháp, chị Hà được cử đi nước ngoài lần nữa, lần này là Trung tâm Nghiên cứu phong Nhật Bản. Đó là thời gian rất quý, bởi chị chưa bao giờ được học và làm việc trong một môi trường tốt như thế. Chị dồn toàn bộ tâm sức, ngày nào cũng bắt đầu từ 8 giờ sáng và kết thúc lúc 8 giờ tối.
Bên cạnh Trung tâm Nghiên cứu phong Nhật Bản là Bảo tàng Bệnh phong Zenshoen. Chị nhận ra mô hình làng phong Zhenshoen khá giống làng phong Quy Hòa; tuy nhiên rất sạch, khang trang, có lắm hoa và líu lo chim hót; người bệnh không còn nhiều và được chăm sóc đặc biệt chu đáo.
Trong thời gian học ở Nhật Bản, chị Hà học được rất nhiều, từ PCR cơ bản đến các kỹ thuật sinh học phân tử khác như kỹ thuật lai, kỹ thuật phân tích trên DNA, RNA, giải trình tự chuỗi gen và cả kỹ thuật tiêm truyền vi khuẩn phong trên gan chân chuột trần. Đó là những hành trang quý trên bước đường khoa học của chị.
Nhớ lại những tháng ngày ấy, chị Hà đúc kết: “Những gì mình học là do mình thích. Thích nên phải quyết học cho bằng được. Học được rồi thì phải làm được, ứng dụng hiệu quả vào thực tế”.
Cử nhân Nguyễn Phúc Như Hà làm việc cùng đồng nghiệp tại khoa Sinh học phân tử.
Gặt hái
Trở về sau 2 đợt học tập ở Pháp và Nhật, chị Nguyễn Phúc Như Hà góp phần tạo ra những bước đột phá về sinh học phân tử trong phòng xét nghiệm của Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa. Cùng với các đồng nghiệp, chị tham gia thực hiện 2 đề tài: “Huyết thanh học kháng nguyên MMP-2 chẩn đoán sớm bệnh phong ở người tiếp xúc” và “Nghiên cứu về vi khuẩn phong kháng thuốc”.
Trước khi sang Pháp, chị còn hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện đề tài: “Huyết thanh học PGL-1 chẩn đoán sớm bệnh phong ở người tiếp xúc”. Cả 3 đề tài trên đều là những nghiên cứu chuyên sâu về bệnh phong đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam. Theo Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa Vũ Tuấn Anh, các công trình nghiên cứu có sự tham gia của chị Hà đều có giá trị cao, hỗ trợ đắc lực cho công tác phát hiện sớm, điều trị hiệu quả bệnh nhân phong.
Nhiều người thắc mắc, sao Nguyễn Phúc Như Hà lại “đâm đầu” vào căn bệnh không còn là điểm nóng. Chị bảo, hành trình loại trừ bệnh phong ở khu vực từ phạm vi cấp tỉnh đến xã còn lắm khó khăn. Và trên thực tế, thế giới vẫn rất quan tâm đến bệnh phong và phong kháng thuốc. Cùng một đồng nghiệp ở Bệnh viện Da liễu Trung ương, chị Hà được Tổ chức Y tế Thế giới mời đích danh dự Hội nghị Phong kháng thuốc tổ chức tại Nepal từ 26 - 28.10. Chị từng tham gia hội nghị này trong 4 lần tổ chức trước ở Hà Nội, Pháp, Ấn Ðộ và Hàn Quốc.
Không quá khó để kể ra đây những dẫn chứng cụ thể cho hiệu quả mang lại từ các công trình nghiên cứu ấy. Kết quả sàng lọc trên người nhà tiếp xúc với bệnh nhân phong tại Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa cho tỉ lệ 29% có nguy cơ mắc bệnh. Theo dõi tiếp sau 2 năm, trên 13% số người trong nhóm này đã phát triển thành bệnh phong. Từ kết quả nghiên cứu này, Bệnh viện đã triển khai sàng lọc nhóm nguy cơ cao ở các vùng có dịch tễ bệnh phong cao ở Gia Lai, Kon Tum… và họ được chỉ định hóa dự phòng. Kết quả đã góp phần không nhỏ vào mục tiêu phòng chống bệnh phong trong Chương trình Phòng chống phong quốc gia.
Hiện nay, PCR đã được áp dụng thường quy tại Bệnh viện, có hơn 20 danh mục PCR phát hiện vi khuẩn, vi nấm, virus khó nuôi cấy. Vậy nhưng, người phụ nữ 49 tuổi này vẫn chưa ngơi tay. Chị Hà và các đồng nghiệp đang tiếp tục một công trình khác - ứng dụng PCR để xác định vi khuẩn phong còn sống hay đã chết trong quá trình điều trị, tiên lượng khả năng vi khuẩn kháng thuốc và bệnh phong tái phát. 250 mẫu bệnh phẩm phục vụ cho nghiên cứu được lấy trên 50 bệnh nhân ở khắp 11 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Để gặp từng người, lấy được bệnh phẩm đúng một thời điểm nhất định trong liệu trình điều trị thật chẳng dễ dàng gì.
Vậy nhưng, kể về những lần đi vùng sâu, vùng xa, “lùng tìm” bệnh nhân, chị Hà lại nói nhẹ tênh: “Làm việc trong phòng thí nghiệm mãi rồi, lâu lâu đi cơ sở cũng như đổi gió thôi mà!”.
Chị Nguyễn Phúc Như Hà (giữa) cùng các đồng nghiệp người Pháp.
Hành trình không đơn độc
Cũng từ những chuyến rong ruổi ở các địa bàn của đồng bào dân tộc thiểu số, chị Nguyễn Phúc Như Hà cảm nhận rằng, vẫn còn rất nhiều người nặng lòng với bệnh nhân phong. Nhóm nghiên cứu của chị nhận được sự cộng tác đắc lực của các nhân viên chuyên trách bệnh phong tuyến xã. Họ nắm chắc danh sách bệnh nhân, thuộc lòng giờ giấc sinh hoạt từng nhà, thậm chí còn kể vanh vách từng vị trí lỗ đáo trên mỗi bệnh nhân.
Bạn đồng hành của chị nhiều, rất nhiều. Suốt 2 tháng đầu rã rời trên đất Pháp, sát cánh bên chị là ông Nguyễn Thanh Tòng (nguyên Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp, hiện là Cố vấn cao cấp phụ trách Quỹ hỗ trợ chương trình nhân đạo, khoa học hướng về Việt Nam của Hội). Chị bảo, mãi bên chị là những ký ức ắp đầy tình người, đặc biệt là sự quan tâm của ông Tòng trong những ngày đầu chị đến Pháp. “Từng mảnh kiến thức tôi thu nhặt được đều in dấu công sức của các anh - những người Việt nặng nghĩa với quê nhà” - chị Hà xúc động chia sẻ.
Còn ông Tòng, trong lần trò chuyện với tôi ở Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa 10 năm sau ngày đón chị Hà trên đất Pháp, đã không giấu được sự thán phục trước nghị lực của cô gái có vóc dáng nhỏ bé ấy. “Ngày này qua ngày nọ phải kiếm tìm, tôi cứ lo cô ấy sẽ nản. Nhưng rốt cục, sự kiên nhẫn và quyết tâm của Hà đã được đền đáp” - ông Tòng kể.
Và, chị còn có một “thành trì” để vững tâm đóng góp cho khoa học. Một lần đi công tác cùng Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Đỗ Phúc Thanh, trong câu chuyện bất chợt về bữa ăn dọc đường, anh Thanh thật thà: “Chẳng ai nấu ăn ngon bằng bà xã tui, một đầu bếp “Number one!””. Năm 2013, cả hai anh chị cùng nhận danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú. Cũng năm này, cậu con trai Đỗ Phúc Nguyên đỗ vào ngành bác sĩ đa khoa Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh; cô con gái Đỗ Phúc Như Nguyện đang học bác sĩ y học dự phòng cùng trường với em.
Trong cữ cà phê sáng ngay trước sân nhà trên đường Tây Sơn (TP Quy Nhơn), anh chị cùng cười; Kể nhiều nhưng viết ít thôi em ơi, ngoài kia là biết bao người giỏi, có cống hiến lớn lao…
Nguyễn Phúc Như Hà sinh ra ở xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước. Tháng 12.1989, sau khi tốt nghiệp Trung cấp Xét nghiệm ở Phân viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn, chị về công tác tại Khu điều trị phong Quy Hòa - tiền thân của Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa. Năm 2001, chị hoàn thành chương trình Cử nhân Xét nghiệm tại Trường Ðại học Y dược TP Hồ Chí Minh. Năm 2011, khoa Sinh học phân tử của Bệnh viện được thành lập trên cơ sở tách ra từ khoa Xét nghiệm; cử nhân Nguyễn Phúc Như Hà làm Phụ trách khoa rồi Trưởng khoa từ đó đến nay.
NGUYỄN VĂN TRANG
Một điều quan trọng hơn nữa là hơn mười mấy năm qua, mỗi năm một lần, những người Việt trên Đất Pháp đã giúp đỡ tôi và những người Thầy làm việc tại Trung tâm nghiên cứu Phong Nhật Bản đã đào tạo tôi, vần lặng lẽ đi về, viếng thăm Bệnh viện Phong Da liễu Trung ương Quy Hòa, giúp đỡ người bệnh phong và tiếp tục đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho các nhân viên Khoa Sinh học Phân tử. Điều đó đã dạy cho chúng tôi một bài học lớn về Nghề và Nghiệp. Trân trọng nhớ ơn sự giúp đỡ của Thầy, của đồng nghiệp và của bạn bè. Cảm ơn nhà báo Nguyễn Văn Trang.