Hấp dẫn hàng si
Cuối tuần qua, Hải Ðường - một “tín đồ” của đồ si mà tôi đã thân quen thời đại học ở TP Hồ Chí Minh bỗng gọi điện và bất ngờ xuất hiện thật tươi tắn trước mặt tôi. Sau vài giờ tám chuyện, bạn tôi đề nghị: Tụi mình đi mua đồ si Quy Nhơn đi. Khi cùng bạn mình khám phá thế giới đồ si, tôi thật sự bất ngờ dù trước đó không ít lần đã mua và sử dụng đồ si.
Những túi xách đồ si hàng hiệu từ Nhật Bản luôn thu hút các bạn gái trẻ.
Trong thế giới đồ si
Dẫn bạn đến khu chợ Sân Bay, nơi không chỉ có những cửa hàng đồ si bán đủ loại đồ “thượng vàng hạ cám”, mà còn có các cửa hàng tuyển chuyên hàng Thái, hàng Ý khá cao cấp. Để ý ngay đến chiếc túi xách màu đen hiệu Chanel, chủ cửa hàng ra giá 600 ngàn đồng, bạn gật đầu cái rụp làm tôi không kịp cản. Quay sang tôi, bạn thì thầm: “Xách y vầy, ở trỏng tới cả triệu lận”. Trước khi rời khỏi cửa hàng, bạn còn kịp “tậu” thêm cho ông xã chiếc thắt lưng da cũng với giá “gần bằng một nửa giá ở trỏng”.
Hàng si - chủ yếu là quần áo cũ - xuất hiện ở Việt Nam từ cuối thập niên 80 của thế kỷ 20. Có tên gọi này là do khi đó, loại hàng này chủ yếu do Tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Ðiển (Swedish International Development Cooperation Agency - SIDA) viện trợ. Về sau, tên gọi này được sử dụng chung cho tất cả các loại đồ đã qua sử dụng, dù nguồn gốc không còn do SIDA viện trợ nữa. Hiện nay, nguồn đồ si ở Việt Nam chủ yếu lấy từ Campuchia; nhiều chủ cửa hàng Quy Nhơn đặt từ TP Hồ Chí Minh hoặc trực tiếp sang Campuchia mua về.
Tôi đưa bạn dạo quanh các cửa hàng đồ si ở chợ khu Sáu, ra đường Nguyễn Huệ, xuống đường Lê Lợi, bạn cứ trầm trồ, xuýt xoa, đồ si ở Quy Nhơn có mức độ tuyển chọn cao, đa chủng loại và rất rẻ.
Chợt nhớ đến cái đám cưới tuần sau, bạn ngỏ ý muốn mua một số đầm, chân váy bằng voan, tôi chở bạn đến cửa hàng Thu Nga ở chợ Đầm. Sau vài phút liếc một vòng quanh các giá treo đồ, bạn lấy ra hai chiếc đầm voan và 3 chân váy voan Hàn Quốc cùng một số áo sô Nhật. “Cao nhất 120 ngàn đồng/cái”, bạn tròn xoe mắt khi rút tiền đưa cho chủ cửa hàng.
Trên đường dẫn bạn đến quán thưởng thức các món đặc sản xứ Nẫu, bạn bất chợt yêu cầu dừng xe lại ngay góc đường Phạm Hồng Thái - nơi đang bày bán những tấm chùi chân và tấm trải giường si nhiều màu sắc. Chỉ 15 phút sau, bạn đã chọn ra 3 tấm chùi chân còn khá mới và đẹp, rồi cũng với vẻ mặt hớn hở, thỏ thẻ: Sao chỉ có… 10.000 đồng/tấm.
“Mình không nghĩ đồ si ở Quy Nhơn phong phú mặt hàng như vậy. Hàng khá mới, đẹp, chất lượng không chênh lệch lắm với hàng ở TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt, giá rẻ hơn rất nhiều”, Hải Đường bạn tôi tấm tắc khen.
Đồ si Quy Nhơn - ai bán, ai mua ?
Ở Quy Nhơn, đồ si có mặt từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Những năm đầu, các cửa hàng chuyên bán hàng si tập trung nhiều nhất ở đường Lê Lợi (đoạn từ ngã tư Lê Lợi - Hai Bà Trưng thẳng ra đường Nguyễn Huệ). Đến giờ, cửa hàng đồ si xuất hiện nhiều quanh các khu chợ và cả vỉa hè, lan từ phố về quê.
Chiều 9.10, cửa hàng Thu Nga ở Chợ Đầm rất đông khách đến lựa túi xách hàng hiệu. Tuy “sinh sau đẻ muộn” nhưng cửa hàng Thu Nga luôn thu hút khách nhờ chủ cửa hàng dám liều nhập hàng mới mà thị trường chưa ai có. Chị Nga - chủ cửa hàng Thu Nga là một trong số chủ cửa hàng đầu tiên nhập hàng voan về bán. Cũng như cách đây gần 3 tuần, thị trường đồ si Quy Nhơn xôn xao trước việc chị Nga nhập về 1 kiện hàng đồng hồ hiệu trị giá mười mấy triệu đồng. Nhiều người bảo chị liều.
“Tôi muốn tạo thêm sự lựa chọn cho khách hàng. Nhiều người nói tôi liều, nhưng thực tế đến giờ cho thấy tôi đã đi đúng hướng. Tôi có khách hàng và kết quả mua bán khá ổn. Vậy là được!”, chị Nga nêu quan điểm kinh doanh.
Trên thực tế, thị trường đồ si ngày càng đa dạng chủng loại mặt hàng đang thu hút nhiều người thuộc đủ thành phần, tầng lớp trong xã hội. Với số khách không có thời gian hoặc không chịu khó đến ngồi lựa - chọn, chủ cửa hàng chụp hình sản phẩm rồi gởi qua facebook hoặc zalo. Tuy nhiên, đa số khách “nghiện” đồ si thích ra cửa hàng ngồi lục, lựa hàng tiếng đồng hồ để trải nghiệm cảm giác thỏa mãn khi móc ra được món đồ còn mới, phù hợp với mình đang chìm nghỉm trong đống đồ cũ này.
“Khi lựa, tôi chỉ quan tâm đến chất liệu và nền vải. Gặp những chiếc váy rộng, vải thun mới toanh, tôi về tháo hết ra, lấy vải may áo, váy mới cho con gái. Bạn bè tôi cứ tấm tắc khen con gái tôi có nhiều đồ mới, màu sắc kiểu dáng ít đụng hàng, có khi mặc cả tháng không lặp lại”, chị Tâm, một thợ may ở phường Đống Đa trò chuyện.
Cô bạn Hải Đường rất hứng thú với những chiếc đồng hồ hiệu.
Vui - buồn với đồ si
“Buôn bán đồ si ai cũng nghĩ lời nhiều, nhưng thật ra nguy cơ dẹp tiệm rất cao” - một chủ cửa hàng đồ si lâu năm đúc kết vậy. Bởi, chuyện lời lãi qua từng kiện hàng là điều ngoài tầm kiểm soát, do họ không thể biết trước chất lượng mặt hàng và đặc biệt tâm lý khách mua thay đổi rất nhanh. Chủ một cửa hàng si ở Chợ Khu Sáu vừa đóng cửa cho biết, lỗ liên tiếp cả tháng trời cộng với chi phí thuê mặt bằng khiến chị không thể kham nổi.
Nhiều chuyên gia y tế trong nước đã khuyến cáo về khả năng người mặc đồ si bị mắc các bệnh ngoài da do nấm và vi khuẩn như ghẻ, ngứa, hắc lào, lang ben, exzema... Vì vậy, người tiêu dùng phải giặt, tẩy quần áo thật kỹ, rồi phơi khô trước khi dùng.
Ðối với các loại hàng nhiều tiền, người mua cần trang bị kiến thức, tìm hiểu kỹ mặt hàng để tránh bỏ ra nhiều tiền mà mua phải hàng nhái.
Ngay cả những người chấp nhận rủi ro khi nhập mặt hàng mới như chị Nga cũng có nhiều đêm “mất ngủ” khi nhìn kiện hàng đồng hồ mười mấy triệu đồng! Đồng hồ gì mà kim nào kim nấy đứng im, số má thì lặn mất tăm. Nhưng rồi, kiện đồng hồ bán hết chỉ trong hai tuần, chị Nga lại quyết định nhập thùng thứ hai.
“Hồi hộp, lo lắng hàng tuần khi khui kiện vậy nhưng cũng có nhiều cái vui. Hàng bán được vui, khách đến mua bàn tán đủ chuyện trên trời dưới đất”, chị Nga xởi lởi kể.
Đồ si, riêng với những người dân lao động luôn chứa đựng thật nhiều ý nghĩa, tình cảm. Hơn ba năm đổ đồ si lên vỉa hè trước chợ Đầm bán, chị Lan (ở huyện An Lão) đã quen với việc anh Khờ lẩn quẩn cuối buổi trưa phụ chị giúp dọn hàng. Ngoài vài ba ngàn đồng hàng ngày gởi khéo cho anh uống ly nước, cứ hai ba tuần hoặc một tháng, thấy chiếc áo anh mặc sờn vai là chị chủ động bảo: “Lục trong đống đồ, lấy một cái mơi mới mặc đi nhé”. Các chị bán trái cây xung quanh cũng quen với việc thấy mấy đứa nhỏ ăn xin mặt mày lấm lem, đầu trần chân đất đi ngang, chị Lan kêu lại cho cái mũ đội cho bớt nắng, bớt mưa.
Lâu nay, hơn chục mái nhà ở khúc cuối đường Nguyễn Thị Minh Khai gắn kết thân thiết nhau nhờ có chung sở thích… đồ si. Và, quán bún bò, giò của chị Phương bán mỗi sáng là địa điểm để mọi người xúm tụm, bàn tán chuyện mua đồ si.
Sáng 8.10, chị Mai hàng xóm ghé lại, kể, hôm qua mua cho thằng Bin đôi giày đi tập thể dục 100 ngàn đồng thiệt đẹp, hàng này mà mới cũng phải 600 ngàn đồng. Bé Tư, con chị Phương cũng góp chuyện mình mới mua hai đôi giày hơn 200 ngàn đồng mà thiệt vừa vặn.
Nghe con gái nói vậy, đang múc bún cho khách, chị Phương bật cười. Thói quen sắm đồ si ở nhà chị hình thành từ chuyện anh Hiệp chồng chị to con quá. Cao 1m76, nặng 86kg, nên rất khó mua đồ. Những chiếc áo hàng hiệu thì giá cao quá nên chị Phương tìm đến các cửa hàng đồ si. Dù bản thân chị không thích đồ si nhưng do vậy mà trở thành chuyên gia săn đồ si cho cả nhà.
“Hồi giờ ổng thích mặc áo lanh bông bự bự, tui mua 40.000 đồng/cái và quần sọt vải kaki 20.000-25.000 đồng/cái. Đợt hội chợ triển lãm vừa rồi, đi dạo thấy cái áo đẹp, mua mất 250 ngàn đồng mà về ổng mặc chật nách và hơi ngắn mất”, chị Phương trò chuyện.
Trời hổm rày mưa nhiều, bắt đầu trở lạnh, chị Mai mua cho thằng Bin cái áo lạnh 50.000 đồng. Hôm đi mua giày cho mình, con Tư nhín tiền mẹ cho, mua được hai cái áo lạnh (40.000 đồng/cái) cho hai đứa cháu - thằng Boy và con Na.
Ngửa mặt nhìn bầu trời xám xịt, chị Phương cất tiếng: “Mấy cái áo của ổng mua cũng lâu rồi, giặt riết tước hết vải ở phần lưng. Sắp tới phải mua cho ổng cái áo lạnh nữa. Trưa mai đi cửa hàng đồ si nhen, chị Mai”.
NGỌC TÚ