Bên đời có mẹ
Ðược làm mẹ, làm vợ là niềm vui, là hạnh phúc của không ít phụ nữ, nhưng song hành, có khi cũng là những gánh nặng, nỗi buồn đau. Thậm chí, có người hầu như cả cuộc đời không có lấy được một ngày vui. Dù vậy, vượt lên trên tất thảy, họ kiên cường đương đầu với số phận, níu giữ và góp nhặt từng chút để tạo nên một mái nhà, là chỗ dựa cho chồng, cho con vì một lẽ thật đơn giản: thiên chức.
Bữa trưa của mẹ con bà Đặng Thị Thanh và Nguyễn Tấn Anh tại dãy nhà nhân đạo dành cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại BVĐK tỉnh. Ảnh: THU HÀ
Ba người dựa một người
Nhìn vẻ ngoài, chị Nguyễn Thị Lan, 47 tuổi, ở thôn Quan Quang, xã Nhơn Khánh, TX An Nhơn, nặng chừng hơn 40 kg. Nhỏ bé nhưng rắn rỏi. Dưới mái nhà lụp xụp, 26 năm qua, chị hàng ngày một mình bươn chải nuôi chồng là Nguyễn Văn Liêm (51 tuổi), con trai lớn Nguyễn Văn Chính (26 tuổi) đều bị bệnh tâm thần, còn người con út Nguyễn Văn Đáng (21 tuổi) lúc khỏe lúc yếu bởi di chứng từ nhát dao ở cổ do chính người cha gây ra lúc lên cơn khi Đáng mới 7 tuổi.
Hôm chúng tôi đến nhà, chị Lan còn đang đi lượm củi trên núi. Người chồng ngồi trước nhà, khuôn mặt đờ đẫn, riêng đôi mắt ánh lên những tia nhìn dữ dội của người bệnh tâm thần phân liệt. Chính đang chơi với cây đu đủ trước sân.
Nửa buổi sáng, chị Lan mới đạp xe về nhà, lưng áo đẫm mồ hôi, phía sau là hai bó củi nặng trịch. Dừng xe trước cổng, chị gọi: “anh Liêm”. Người chồng bước ra phụ vợ đẩy xe củi vào trong sân. Chính cũng chạy ra níu áo mẹ. Hình ảnh hai người đàn ông trưởng thành bấu víu, xoắn xuýt lấy chị không rời làm tôi cay mắt. Bỏ hai bó củi xuống sân, chị Lan lao nhanh vào nhà chế vội tô mì tôm cho Chính ăn vì sợ con đói, dù cơm nước cho cả nhà đã được chị dậy lo từ 3 giờ sáng, trước khi đi lấy củi.
Vừa cho Chính ăn, chị kể chuyện: Sau khi anh Liêm hoàn thành nghĩa vụ quân sự từ chiến trường Campuchia về, năm 1990, họ lấy nhau. Được một năm thì anh Liêm thay đổi tính tình, hay nổi nóng vô cớ. Tưởng chồng bị ảnh hưởng tâm lý do thời gian ở chiến trường, chị nhịn cho qua chuyện. Nhưng rồi, bệnh anh ngày một nặng hơn, và cùng với đó là những trận đòn thừa sống thiếu chết đổ xuống đầu chị. Chị đưa chồng xuống Bệnh viện tâm thần Bình Định chữa trị nhưng bệnh không khỏi, giờ anh phải uống thuốc hàng ngày. Mỗi khi anh trở bệnh nặng, chị lại đưa chồng xuống viện điều trị 1-2 tháng.
Nhắc đến con, chị rơi nước mắt. Chồng bệnh, bao nhiêu hy vọng chị đều gieo vào con. Năm 2004, Chính học hết lớp 9, nghỉ học đi phụ hồ giúp mẹ nuôi em và cha. Làm được nửa tháng thì phát bệnh, chạy chữa mấy cũng không khỏi, giờ từ ăn uống đến vệ sinh cá nhân đều một tay chị.
Rồi chị trải lòng: “26 năm làm vợ, làm mẹ, tôi chưa bao giờ có một giấc ngủ yên. Đêm nào cũng thấp thỏm sợ bị chồng đánh. Cảnh nhà luôn thiếu trước hụt sau. Nhiều lúc muốn buông xuôi tất cả, nhưng mỗi khi nghĩ đến chồng và các con rất đáng thương, tội nghiệp lại chẳng đành lòng. Gạt nước mắt vào trong để tiếp tục lo cái ăn, kiếm tiền chạy chữa cho chồng con”.
Lo, là chị mạnh dạn vay vốn 25 triệu đồng qua kênh Hội Cựu chiến binh xã để mua 2 con bò cái giống và 20 cặp bồ câu về nuôi. Chị còn làm thêm 2 sào ruộng, rồi làm thuê, mót củi. Cứ thế ngày qua ngày, chị vắt sức mình làm chỗ dựa duy nhất cho 3 người đàn ông lộc ngộc.
Dù mù lòa, nhưng ông Phạm Đình Giáo luôn cố gắng dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc mẹ là cụ Hồ Thị Lan Anh, 88 tuổi, chu đáo. Ảnh: THU HÀ
Mẹ yêu con
Tại dãy nhà nhân đạo, nơi dành cho những bệnh nhân đang chạy thận ở khoa Nội - Thận lọc máu, BVĐK tỉnh, có rất nhiều phụ nữ. Là bệnh nhân có, người đi nuôi chồng, chăm con cũng có.
Nhắc đến đứa con trai tên Huỳnh Quang Huy, 28 tuổi, dở dang đại học vì căn bệnh suy thận mạn, bà Võ Thị Phước (thôn Trung Thành, xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ), rưng rưng nước mắt: “Nó đau bao năm là tôi theo nó bấy năm, dù tôi là lao động chính trong nhà bởi chồng tôi bị tật chân sau tai nạn. Con chạy thận hơn 3 tiếng, tôi ở ngoài chờ, dìu về phòng nâng giấc. Hôm nào con khỏe, chưa đến ca thì tôi nhận đi chăm người ốm. Ngặt nỗi, có khi con gọi điện mẹ ơi con mệt, mẹ về đấm lưng cho con, tôi bỏ đó mà chạy về với con. Người thuê không thích thế, nhưng con mình đau mình bỏ không đành”. Giọt nước mắt tủi nhục lăn dài trên má, khi bà bật khóc: “Tối tối tôi ra quán nhậu xin tiền, được đồng nào hay đồng đó, thêm tiền thuốc thang, bồi dưỡng cho con. Ngày tháng của nó ở với mình không còn bao lăm nữa. Nó như búp măng thế này...”.
Chợt nhớ lần tôi tình cờ ghé ngay bữa trưa của mẹ con bệnh nhân Nguyễn Tấn Anh (22 tuổi, nhà ở xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ). Trong bữa cơm, bà Đặng Thị Thanh, mẹ của Anh, hầu như chỉ ăn chút rau xào chấm nước mắm, bao nhiêu thịt thà nhường hết cho con. 54 tuổi, nhưng trông bà như ngoài 60, người chỉ còn da bọc xương. 7 năm qua, bà liên tục vào ra khoa Nội - Thận lọc máu nuôi con. Năm 2009, con trai lớn của bà mắc căn bệnh này, năm 2011 thì mất. Đến năm 2012, Anh lại bị hư hai quả thận, chạy thận nhân tạo từ năm 2015 đến nay. Sau một lần bị sốt, Anh điếc nặng, người ngơ ngơ ngác ngác. Bà Thanh thành người phiên dịch cho con. Chia sẻ chuyện của mình, bà nói về nỗi bất hạnh gia đình gánh chịu, về nỗi đau khi phải chứng kiến con mỏi mòn, suy kiệt, và chấp nhận như là số phận của mình, rồi: “Lo đến khi nào không lo nổi được nữa mới thôi”.
Đứa con trai lớn của chị Lan bị bệnh nặng, mọi sinh hoạt đều do mẹ lo. Ảnh: NGUYỄN PHÚC
Vì con cần có mẹ
Đi suốt cuộc đời mẹ vẫn bên con. Và những đứa con, vẫn yêu mẹ, cần mẹ, theo mỗi cách của mình.
Bước chân vào ngôi nhà của mẹ con bà Hồ Thị Lan Anh (88 tuổi) và ông Phạm Đình Giáo (53 tuổi) ở tổ 1, KV1, phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn, điều tôi cảm nhận được là dù nhà tuềnh toàng, trống trải bởi không có những tiện nghi tối thiểu, nhưng rất sạch sẽ, gọn gàng. “Đều do tôi dọn dẹp cả đấy. Tôi lấy giẻ lau ngồi xổm lau nhà, lần mò xếp dọn mọi thứ trong nhà”, ông Giáo nói.
Năm 14 tuổi, mắt ông Giáo mờ dần rồi mù hẳn. Cha mẹ ông bán nhà cửa chạy chữa cho con nhưng đành vô vọng. Cha mất cách đây hơn 20 năm, bà Anh tần tảo nuôi con, mẹ con rau cháo qua ngày. Đỡ đần mẹ, ông Giáo dành phần giặt giũ và lau dọn nhà cửa để mẹ đi kiếm tiền, nấu cơm. Từ 3 năm nay, bà Anh tuổi cao sức yếu, không lo nổi việc bếp núc, ông Giáo mới tập nấu ăn, đều bằng củi. “Đến giờ, có khi tôi nấu còn bữa sống, bữa nhão. Làm cá thì nhờ mấy đứa cháu hàng xóm. Mấy hôm mẹ đau nặng, tôi nằm dưới đất canh, sợ mẹ rớt xuống giường. Rồi lần mò lo vệ sinh cá nhân cho mẹ”.
Nhắc đến mẹ, người con trai thở dài: “Tôi chỉ mong sao có được năm, bảy triệu đồng để thuốc thang, bồi dưỡng cho mẹ mau khỏe, mà số tiền ấy cả đời tôi kiếm không ra. Mẹ chắc chẳng còn sống bao lăm nữa, yếu rồi. Mấy hôm người ta cho chút tiền từ thiện, tôi mua sữa, thức ăn về bồi dưỡng, mẹ đỡ lên nhiều. Mẹ con tôi không có tiền nên chắt chiu lắm. Mỗi ngày đi chợ không dám chi quá 10.000 đồng. Tôi cũng có chị ruột ở Gia Lai nhưng hoàn cảnh cùng cực lắm, nên lo cho mẹ là trách nhiệm của tôi. Ngày xưa còn nhỏ, mẹ chăm tôi đến thế kia mà. Nghĩ nay mai mẹ không còn nữa, tôi sợ lắm”.
Còn mẹ tôi, bà vẫn hay kể về hình ảnh gặp hàng ngày trên đường vào mỗi sáng đi tắm biển: Người mẹ nhỏ bé, tóc bạc đi trước, người con trai bên ngoài, đi sau mẹ, như sẵn sàng chở che, nâng đỡ mẹ bất cứ lúc nào. Bên con có mẹ. Bên mẹ có con. Suốt cuộc đời này.
Với mẹ - vậy là đã đủ.
THU HÀ - NGUYỄN PHÚC