Thợ khóa truyền kỳ
Thợ sửa khóa ở Quy Nhơn không chỉ cắt chìa sửa ổ như lâu nay vẫn biết, mà hiện còn có thể làm nhiều loại khóa theo nhu cầu của khách hàng. Từ những chiếc chìa khóa đơn giản giá chỉ vài ngàn đồng, đến những chiếc chìa giá lên đến cả triệu đồng của các loại ô tô đắt tiền. Ðằng sau công việc mưu sinh là nỗ lực không ngừng học hỏi và cái tâm của họ với nghề.
Thợ khóa Phan Văn Đông đang ngồi làm loại khóa truyền thống, trong khi con rể ông là anh Võ Quang Nhật đang chuẩn bị máy móc để làm khóa chíp từ.
Ở TP Quy Nhơn, hiện có gần 20 điểm đặt tủ sửa khóa (mỗi điểm thường có từ 1-2 thợ), tập trung nhiều trên các tuyến đường đông người qua lại như Lê Hồng Phong, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Huệ. Hầu hết thợ sửa khóa phần lớn đều trên dưới 50 tuổi, có thâm niên nhiều năm trong nghề.
Nghề chọn người
Ngồi sửa khóa ở đầu đường Nguyễn Thái Học, lúc vắng khách, ông Phan Anh (52 tuổi) lại ôm đàn chơi rất “phiêu”. Người thợ khóa đầy vẻ lãng tử này được đào tạo bài bản về... ngành âm nhạc, từng có thời gian làm giáo viên ở Tuy Phước, nhưng cuộc sống chật vật nên chuyển nghề. Được người bạn hướng dẫn nghề sửa khóa, chàng trai trẻ Phan Anh thấy hay hay, nghĩ mình làm nghề này có thể vừa mưu sinh vừa giúp ích cho đời. Vốn tính lãng đãng nên mới học sơ lược có một buổi sáng, Phan Anh đã “đánh liều” sắm tủ hành nghề.
Ông Anh kể: “Ngày khai trương, đang nắn nót ghi chữ “sửa khóa” trên tủ, chữ chưa xong đã có khách hàng đến gọi vào khu sân bay Quy Nhơn mở khóa ô tô chở hàng. Tôi chỉ mở được 2 ổ khóa, còn lại 4 ổ khóa trên xe loay hoay mãi không xong. Thế là phải lóc cóc đạp xe đi tìm người bạn sửa khóa để cầu cứu... Vậy mà có lẽ trời thương người chịu khó nên tay nghề của tôi khá dần lên. Tôi còn tự mày mò học hỏi các loại khóa để có thêm “chiêu mới”, hiệu quả hơn. Thấm thoắt cũng đã 27 năm theo nghề. Cứ tưởng mưu sinh tạm qua đoạn khó khăn, nào ngờ mình cũng có duyên với nghề khóa”.
Có thâm niên nghề không kém ông Phan Anh là ông Phan Văn Đông. 57 tuổi đời, 25 năm tuổi nghề. Ông Đông hiện đặt tủ sửa khóa trước số nhà 329 Lê Hồng Phong. Trước đây, ông Đông làm nghề sửa giày, dép ở vỉa hè. Cùng nương tựa vỉa hè mưu sinh với ông, có một người thợ khóa. Những lúc rảnh việc, ông Đông giải trí bằng cách xem sửa khóa, dần dần, ông “học lỏm” được nghề. Thấy nghề khóa khá thú vị và kiếm sống được, ông chuyển nghề.
Tạo được uy tín với số lượng lớn khách hàng ổn định, thợ khóa Nguyễn Chí Nguyện luôn trữ sẵn trong nhà rất nhiều phôi chìa khóa để đáp ứng nhanh các nhu cầu.
Vốn hâm mộ nghề khóa, lại kỹ tính, chu đáo, “tủ khóa Đông Quy Nhơn” trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều khách hàng. Không chỉ có vậy, ông Đông còn có khá nhiều truyền nhân. Đầu tiên là 2 người con trai. Họ sớm có tủ sửa khóa riêng, ngồi cách chỗ cha mình hành nghề chỉ vài trăm mét. Thế rồi, cậu con rể là anh Võ Quang Nhật (34 tuổi) cũng nối nghiệp và làm cùng bố vợ. Anh Nhật không chỉ học được nghề khóa của cha vợ mà còn lây thêm tính chu đáo và cẩn thận của ông. “Có những cái ổ khóa mày mò cả ngày chưa xong, đêm về tôi cứ cầm ổ khóa mân mê hình dung, tưởng tượng ruột dạ của nó để tìm cách mở, có khi đến tận 2-3 giờ sáng” - anh Nhật chia sẻ.
Mấy năm gần đây, thợ khóa Quy Nhơn được “trẻ hóa” khá nhiều. Một số thợ dưới 30 tuổi nhưng nhờ chịu khó học hỏi, sáng trí nên năng lực làm nghề tiến rất nhanh. Anh Đoàn Văn Phúc (27 tuổi), nhà ở đường Đào Tấn, phường Nhơn Bình, tâm sự: “Thích nghề sửa khóa, tôi tầm sư học nghệ. Nom vậy chứ nghề khóa không dễ truyền. Khi tôi ngỏ ý xin học nghề, 8 người thợ đầu tiên đều nhã nhặn từ chối. Lý do lớn nhất là bởi họ không biết nhân thân mình ra sao. Cũng may được sư phụ Nguyễn Chí Nguyện - một thợ sửa khóa giỏi có thâm niên ở gần chợ khu 6 Quy Nhơn - nhận tôi làm đệ tử. Sau 3 tháng được thầy tin tưởng truyền dạy, tôi về nhà làm nghề đến nay đã hai năm...”.
Học hỏi không ngừng
Theo chia sẻ của các thợ giàu kinh nghiệm, muốn theo được và bền nghề, ngoài yếu tố quan trọng bậc nhất là được khách hàng tin cậy, nắm vững nguyên lý vận hành của các loại khóa, phải không ngừng cập nhật kiến thức về các loại khóa mới; đồng thời có điều kiện thực hành trên nhiều loại khóa. Năng lực nghề khóa phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tích lũy, tổng hợp kinh nghiệm, sức sáng tạo của người thợ.
Ông Nguyễn Chí Nguyện (63 tuổi), được đào tạo bài bản về nghề cơ khí, bắt đầu tiếp xúc với nghề khóa cách đây gần 40 năm từ cha và chú, được nhiều khách hàng tín nhiệm. Chia sẻ về nghề, ông Nguyện cho rằng, thợ khóa không phải cứ làm lâu năm là rành nghề nếu không liên tục học hỏi cái mới.
Anh Võ Quang Nhật đang làm chìa khóa chíp từ cho ô tô của khách hàng ở TX An Khê, tỉnh Gia Lai, vào sáng 22.10.
“Ai nói rằng loại khóa nào mình cũng mở được là khoác lác! Lần đó, tại TP Hồ Chí Minh, tôi và 5 người bạn đều là thợ khóa giỏi đến một quán cà phê để hành nghề. Ông chủ quán nhờ mở giúp một ổ khóa treo lâu năm trên cửa sổ. Các thợ khóa loay hoay mãi mà không sao mở được, họ nói là chưa từng gặp loại khóa này. Cùng chứng kiến sự việc, tình cờ có cậu bé bán hàng rong. Cậu ta xin chủ quán một cái muỗng, bẻ gãy đôi và dùng một phần chiếc muỗng mở được ổ khóa chỉ trong vài phút. Hóa ra, cậu này vốn là con của một gia đình khá giả, loại khóa này trước đây nhà cậu đã dùng. Do đua đòi chơi bời, cậu ta đã nhiều lần tự mày mò mở khóa của bố mẹ để… trộm tiền” - ông Nguyện kể và kết luận: Nghề nào cũng cần cập nhật kiến thức. Thời buổi bây giờ có vô số loại khóa, không tự làm giàu kiến thức là cùn nghề ngay!
Hiện “sửa khóa Đông Quy Nhơn” là một trong hai nơi trên địa bàn thành phố có thể làm chìa khóa “chip từ” cho nhiều loại ô tô, xe tay ga cao cấp. “Thấy nhu cầu làm khóa chip từ cứ nhiều dần lên, mà mình thì chỉ biết làm các loại khóa quen thuộc đã có từ mấy chục năm nay, không muốn bị tụt hậu, trước tiên, tôi đến các gara tìm hiểu về máy móc ô tô, nguyên lý vận hành của loại khóa mới. Sau đó, tôi vào TP Hồ Chí Minh học cách sử dụng máy làm chìa khóa chíp. Ròng rã 3 tháng, khi trở về, tôi lại tiếp tục mày mò học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, sau đó mới đầu tư lần hồi gần 300 triệu đồng mua các loại máy móc, phần mềm chuyên dụng... để làm chìa khóa chip từ” - anh Võ Quang Nhật tâm sự.
Trung bình mỗi tháng, anh Nhật làm khoảng 20 chiếc chìa khóa chíp. Chìa anh làm rẻ hơn chìa chính hãng khoảng 20%, lại bảo hành đến 2 năm. Giá mỗi chiếc chìa khóa thường xấp xỉ 1 triệu đồng với những chiếc đơn giản. Những chiếc xe hạng sang, chìa phức tạp hơn, giá chìa nhiều hơn gấp 2 - 3 lần. “Muốn làm chìa khóa ô tô đời mới, mình phải nắm được phần cơ để mở được cửa xe. Vào được trong xe rồi, với thiết bị chuyên dụng, mình tìm cách đọc cho được dữ liệu, kết nối hệ thống điều khiển, an ninh của xe... Nhờ đó, mới tìm được mã khóa của xe để nhập vô chìa mới!” – anh Nhật nói.
Không chỉ hành nghề trong tỉnh, từ khi thạo nghề, anh Nhật thường xuyên đi làm chìa ô tô ở các tỉnh lân cận như Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk... Thậm chí đến nay, đã 3 lần, anh Nhật được mời sang các tỉnh Champasak, Attapeu (Cộng hòa DCND Lào) để làm chìa khóa ô tô.
Thợ khóa trẻ Đoàn Văn Phúc phục vụ khách hàng ở phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn.
Cái tâm với nghề
Có người đã nói vui: “Mất chìa khóa phòng làm việc thì bó tay, mất chìa khóa xe thì bó chân, mất chìa khóa nhà thì bó gối. Nếu mất cả xâu chìa khóa thì coi như... bó chiếu”. Khi ấy, thợ khóa thực sự là “cứu tinh”.
Ý thức được sự cần thiết đến cấp bách của khách hàng, dù gần hay xa, bất cứ lúc nào, thợ khóa ở Quy Nhơn cũng có mặt kịp thời theo yêu cầu. Cô Ba Nhơn, nhà ở đường Tây Sơn, phường Quang Trung, cho biết: “Tôi là khách hàng của thợ khóa Nguyện ở chợ khu 6 mười mấy năm nay. Có lần, tôi bị mất chìa khóa xe tay ga khi đang ở thị trấn Bình Định. Không biết thợ khóa nào ở đây, tôi gọi điện cậy anh Nguyện giúp. Vậy là từ Quy Nhơn, ảnh chạy một lèo mấy chục cây số lên giúp”.
Giới thợ khóa có một kênh truyền tin riêng, ở đó họ chia sẻ kinh nghiệm, thông tin và đặc biệt là những mánh lừa của kẻ gian để cùng nhau nêu cao tinh thần cảnh giác. Bởi không ít lần người xấu, kẻ gian đã tìm cách “gài” thợ khóa đến mở cửa nhà, cửa tủ, két sắt của người khác.
“Thợ khóa nếu không giữ cho cái tâm của mình trong sáng không sớm thì muộn cũng nhận hậu quả thê thảm. Cũng đôi lần dân giang hồ đến đặt làm chìa khóa vạn năng, hứa sẽ trả công hậu hỉnh, tôi thẳng thừng từ chối” - thợ khóa Phan Anh chia sẻ.
“Có lần được gọi đến mở két sắt tại một ngôi nhà ở Tuy Phước. Tôi nghi ngờ khi chỉ có một em gái khoảng 20 tuổi nhưng nói mở dùm két sắt của mình. Ðể ý thấy có số điện thoại của chủ doanh nghiệp trên bảng hiệu trước nhà, tôi tìm cách đi ra chỗ khác gọi điện xác minh, thì người bắt máy hoảng hốt: “Chết rồi! Két sắt của vợ chồng chú. Con gái chú bỏ nhà đi theo đám bạn hư, giờ về nhà muốn mở két lấy trộm tiền vàng”. Chủ nhà vội vàng chạy về cảm ơn rối rít và muốn trả công nhiều. Tôi chỉ nhận ít tiền xăng xe rồi vui vẻ đi về” - anh Quang Nhật kể.
HOÀI THU