Thợ máy tàu cá
Không qua trường lớp chính quy, không bằng cấp, làm nghề bằng kinh nghiệm là chính, vậy nhưng những người thợ sửa chữa máy tàu cá luôn nhận được sự yêu mến, tin tưởng của ngư dân. Để có được điều đó, họ đã không ngại vất vả, cực nhọc, làm việc bằng tất cả tâm huyết, để giúp những con tàu ra khơi được an toàn.
Bình Định đang dẫn đầu cả nước về số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ ở Biển Đông, với gần 3.000 tàu có công suất từ 90 CV trở lên, chuyên khai thác xa bờ, trong số gần 8.000 tàu của toàn tỉnh. Cũng chính từ đó mà trên địa bàn tỉnh đã hình thành đội ngũ thợ máy tàu cá khá đông đảo, tập trung ở TP Quy Nhơn và các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát.
Các thợ máy của cơ sở anh Trần Quang Hiền đang bảo dưỡng máy tàu cá công suất 800CV cho khách.
Người trước truyền nghề cho người sau
Xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn) có lẽ là nơi tập trung nhiều nhất các cơ sở sửa chữa máy tàu cá của tỉnh, bởi lượng tàu cập cảng Tam Quan khá nhiều. Mỗi xưởng sửa chữa ở đây có 3 - 10 thợ. Họ cặm cụi làm việc bên những cỗ máy cồng kềnh, nặng nề, ám mùi dầu nhớt, với đủ loại linh kiện máy móc.
“Gần 40 năm gắn bó với nghề đi biển, chúng tôi chỉ có kinh nghiệm đánh bắt cá chứ về máy móc tàu thì không rành. Nếu không có những người thợ chuyên sửa chữa máy tàu kịp thời ứng cứu thì hải trình của chúng tôi gặp muôn vàn khó khăn. Tàu hoạt động hư hỏng ở bất cứ đâu, chỉ cần gọi điện thoại là các thợ máy chỉ dẫn tận tình, tỉ mỉ để sửa chữa ngay” - ông NGUYỄN VĂN HÀO (60 tuổi), chủ tàu cá ở xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn nói.
Tại đây, cơ sở của anh Trần Quang Hiền (44 tuổi) được xem là cơ sở máy thủy có tiếng ở huyện Hoài Nhơn. Khi tôi đến xưởng, 5 thợ đang tất bật bảo dưỡng 5 máy tàu cá công suất từ 500 - 800 CV, còn 5 thợ khác thì đang làm việc tại các tàu cá neo ở cảng.
Anh Hiền kể: “Tôi gắn bó với nghề này gần 30 năm. Hồi đó, gia đình khó khăn nên tôi học hết lớp 9 thì đi học nghề sửa máy tàu ở Hoài Hương. Nghề này phải học từ 3 - 5 năm, thậm chí lâu hơn, riêng tôi học 2 năm là làm nghề được, được thầy khen sáng dạ. Ra nghề, không thể cạnh tranh với thợ có thâm niên tại quê, tôi khăn gói đi làm nghề ở Quảng Ninh, Quảng Bình, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang… Sau nhiều năm lăn lộn khắp nơi, tích lũy kinh nghiệm, tay nghề vững vàng, được nhiều chủ tàu cá biết tiếng và dành dụm được một số vốn kha khá, cách đây 5 năm tôi về quê thành lập Công ty TNHH Máy thủy Hà Thành. Tôi mua đất xây xưởng, đầu tư mua thêm xe cẩu và một ô tô bán tải để phục vụ nhu cầu sửa chữa máy tàu cá của ngư dân, từ máy có công suất nhỏ cho đến máy có công suất trên 1.000 CV”.
Đối diện với cơ sở anh Hiền, cơ sở của anh Trịnh Văn Long (50 tuổi, thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc) cũng hoạt động gần 30 năm nay. Anh Long thổ lộ: “Hầu hết thợ máy tàu cá đều không có bằng cấp, chỉ là người trước dạy nghề cho người sau. Quan trọng là lúc học nghề phải chịu khó để thu lượm hết những kiến thức và kinh nghiệm mà thầy dạy và trong quá trình làm nghề phải đảm bảo uy tín. Do cơ sở chật hẹp, chỉ có 3 thợ nên tôi chỉ nhận sửa máy tàu cá từ 500 CV trở xuống. Làm nghề này, chỉ cần uy tín, đảm bảo chất lượng thì chỉ khách quen thôi đã làm không xuể”.
Còn ở TP Quy Nhơn, cơ sở sửa chữa máy thủy được xem là lớn nhất và lâu đời nhất là cơ sở Vĩnh Lợi (phường Hải Cảng), do anh Huỳnh Thúc Nhơn (37 tuổi) làm chủ. Anh Nhơn nối nghiệp thợ máy thủy và tiếp quản cơ sở - vốn có từ trước năm 1975 - từ cha và anh trai mình. Với anh Nhơn, bước vào nghề này chỉ là chuyện bất đắc dĩ, bởi khi ấy, anh đang thất nghiệp dẫu có trong tay đã có tấm bằng đại học ngành Điện dân dụng. Vậy mà đến nay, anh Nhơn đã có 14 năm gắn bó với nghề này.
Xưởng sửa chữa máy tàu cá của cơ sở Vĩnh Lợi (Quy Nhơn).
Ra khơi để hành nghề
Hầu hết các cơ sở sửa máy tàu cá đều có những tốp thợ làm việc lưu động. Anh Trần Quang Hiền cho biết: “Những tàu cá do cơ sở lắp đặt máy, bảo hành 1 năm, mỗi khi tàu gặp sự cố, nếu cập bờ ở tận trong Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang hay ở ngoài Quảng Ninh thì mình cũng phải tức tốc đến sửa ngay để họ kịp chuyến biển. Nhiều khi, tàu cá đang đánh bắt ở Hoàng Sa, Trường Sa bị hỏng hóc, họ gọi điện vào bờ cầu cứu, mình phải tư vấn một cách tỉ mỉ để khắc phục sự cố. Nếu hư hỏng một phụ tùng nào đó, mình tìm cách gửi phụ tùng ra biển cho họ thay thế, sửa chữa”.
“Khi sửa chữa hay bảo dưỡng máy tàu cá, tôi cũng như các thợ máy khác đều làm rất cẩn thận, tỉ mỉ, với mong muốn những con tàu sau mỗi chuyến ra khơi đều trở về an toàn”
Đó cũng là một trong những lý do để anh Nguyễn Văn Quy (34 tuổi, ở xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ), vốn là một ngư dân, đã chuyển nghề sang sửa máy tàu. Anh Quy kể, khi còn đi “bạn” (đánh cá thuê trên tàu cá - PV) ở Mỹ Đức, mỗi khi tàu cập bờ bị hỏng hóc, lại phải chờ thợ ở tận Quảng Ngãi vô, hay từ Quy Nhơn ra sửa chữa. Thấy được nhu cầu thợ máy tàu cá ở quê mình, năm 1999, anh Quy vào Quy Nhơn học nghề, sau đó làm nghề lưu động. Có những chuyến, anh Quy phải ra ngoài biển để làm. Như năm 2004, anh theo tàu thu mua hải sản ra tận đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) để sửa chữa máy tàu, làm gần 10 ngày mới vào bờ. Năm sau, anh ra tận đảo Thổ Chu (tỉnh Kiên Giang) sửa máy, gần 2 tháng mới xong việc.
Bây giờ thì không chỉ sửa máy cho tàu cá mà các tàu hàng hải cập cảng Quy Nhơn bị hỏng máy cũng gọi đến anh. Nói chuyện này, anh Quy kể: “Có lần, tôi được gọi xuống cảng Quy Nhơn sửa máy cho một tàu hàng. Máy trưởng hỏi tôi có bằng cấp gì không, tôi lắc đầu và bảo, tôi sửa được mới lấy tiền. Họ ngại cũng phải, vì máy tàu thủy lớn tiền, lại giao cho thợ không có bằng cấp gì như tôi. Sau đó, máy trưởng nói triệu chứng, tôi đoán bệnh và sửa được luôn. Từ lần đầu tiên “làm quen” đó và tạo được uy tín, nay tôi có nhiều bạn hàng là máy trưởng các tàu hàng hải khi họ cập cảng Quy Nhơn”.
Các thợ máy đang đưa máy lên tàu cá mới đóng để lắp đặt.
Cho những chuyến biển an toàn
Anh Huỳnh Thúc Nhơn kể, vốn có cả kinh nghiệm đi biển lẫn sửa máy, nên trước khi truyền nghề cho các con, cha anh đều dặn đi dặn lại, làm nghề này phải có tâm, bởi ông hiểu rõ những hiểm nguy nếu tàu đang giữa biển khơi mà gặp sự cố: “Cha tôi căn dặn, khi sửa chữa tàu cá, các con đừng nghĩ đơn giản là sửa cho chủ tàu, mà phải nghĩ đến mười mấy ngư dân đi trên tàu và cả gia đình của họ. Nếu sửa chữa không đảm bảo thì khi sự cố xảy ra giữa biển, có thể cả con tàu và tất cả ngư dân sẽ chìm xuống biển”.
Còn anh Nguyễn Văn Quy, từ lúc một thân một mình làm nghề lưu động, cho đến nay, đã thành lập được cơ sở sửa chữa tại khu Bắc Hà Thanh (TP Quy Nhơn), anh vẫn luôn tự dặn lòng, phải cẩn trọng trong từng thao tác, bởi nếu mình lơ đễnh, làm sai một chi tiết của máy, rất có thể sẽ hại cả tàu.
Gần 10 năm theo tàu cá đánh bắt xa bờ trên biển, anh Trần Như Vương (28 tuổi, ở xã Tam Quan Bắc) đã từng chứng kiến những lần tàu bị hỏng máy giữa biển khơi, tính mạng các ngư dân trên tàu bị đe dọa. Giờ đây, khi bỏ biển lên bờ theo học và hành nghề thợ máy tàu cá, anh Vương tâm sự: “Thấu hiểu những hiểm nguy mà tàu gặp phải nếu hỏng hóc, gặp sự cố trên biển, nên khi sửa chữa hay bảo dưỡng máy tàu cá, tôi cũng như các thợ máy khác đều làm rất cẩn thận, tỉ mỉ, với mong muốn những con tàu sau mỗi chuyến ra khơi đều trở về an toàn”.
NGUYỄN PHÚC