Các nghiên cứu điển hình có ứng dụng thực tiễn cao
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa công bố Quyết định tặng Bằng và huy hiệu Lao động sáng tạo trong năm 2016 cho 21 cá nhân của tỉnh vì đã có những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất. Trong số này hai đề tài trên lĩnh vực y học của thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Dũng (Trưởng khoa Nội thận – Lọc máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh) và Dược sĩ Mông Thị Anh Vân (Nghiên cứu viên Trung tâm nghiên cứu phát triển thuộc Công ty CP Dược trang thiết bị y tế tỉnh) liên quan đến việc cải tiến hệ thống lọc thô cung cấp nước đầu vào cho chạy thận nhân tạo và nghiên cứu bào chế thuốc điều trị bệnh ung thư có tính ứng dụng thực tiễn cao, giúp giảm bớt những gánh nặng cho bệnh nhân và cho ngành y tế.
Khoa Nội thận - Lọc máu Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định đang tiếp nhận khoảng 250 bệnh nhân để điều trị, trong đó, hàng ngày có từ gần 130 bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Trung bình mỗi năm, mỗi bệnh nhân này cần tới 22 ngàn lít nước siêu tinh khiết trong quá trình chạy thận, do đó hệ thống sản xuất nước tinh khiết bằng cách cho nước lọc qua màng RO (gọi tắt là hệ thống sản xuất nước RO) là khâu quan trọng hàng đầu trong toàn bộ quá trình điều trị cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo của Khoa. Tuy nhiên, những năm trước đây, việc cung cấp nước đầu vào gặp rất nhiều khó khăn đã phần nào ảnh hưởng đến việc điều trị cho bệnh nhân.
Từ tháng 10 năm 2014 đến nay, Khoa Nội thận - Lọc máu Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định đã có sự biến chuyển lớn, đó là việc triển khai thực hiện đề tài “Cải tiến hệ thống lọc thô cung cấp nước đầu vào cho chạy thận nhân tạo” của nhóm nghiên cứu là các Bác sĩ của Khoa mà người đi đầu là Ths, Bs CKII Nguyễn Dũng - Trưởng khoa nội thận- Lọc máu. Đề tài khoa học này được thực hiện với mục tiêu nhằm ổn định nguồn nước đầu vào để hệ thống RO được hoạt động liên tục và đạt tiêu chuẩn loại bỏ tạp chất.
Hiện nay, Khoa Nội thận - Lọc máu có 33 máy chạy thận nhân tạo hoạt động hiệu quả cùng với 3 hệ thống sản xuất nước RO có tổng công suất 3.500 lít/giờ và cho được gần 11 ngàn lít nước siêu tinh khiết, hoạt động 24/24 giờ, đã đảm bảo cung cấp đủ cho bệnh nhân trong quá trình điều trị. Điều này không chỉ giúp Khoa điều trị hiệu quả cho bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối mà còn điều trị tốt cho các bệnh nhân chạy thận cấp cứu ở các khoa khác.
Hiệu quả từ thực tế mang lại của đề tài “Cải tiến hệ thống lọc thô cung cấp nước đầu vào cho chạy thận nhân tạo” không chỉ là cho bệnh nhân đang điều trị tại khoa, mà còn góp phần vào việc tiết kiệm chi phí cho bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định hàng năm từ 150 đến 200 triệu đồng.
Tâm huyết với nghề, hết lòng vì người bệnh của đội ngũ y, bác sĩ Khoa Nội thận - Lọc máu bệnh viên đa khoa tỉnh Bình Định thể hiện bằng đề tài nghiên cứu khoa học mang đậm tính nhân văn, đã được ứng dụng thành công trong thực tiễn, chính là “thần dược” cho các bệnh nhân đang ngày đêm đối mặt với bệnh tật.
Những năm qua Công ty Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định đã không ngừng cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng thuốc và cung cấp những sản phẩm thuốc mới dùng trong điều trị các bệnh nan y. Từ năm 2014 , việc bào chế thành công sản phẩm thuốc tiêm đông khô Bigemax 1g, Bigemax 200mg đạt tiêu chuẩn chất lượng theo dược điển USP 34 dùng để điều trị bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư phổi, đã mang đến niềm hy vọng mới cho người bệnh.
Ở nước ta, từ lâu nay, thuốc điều trị ung thư chủ yếu là nhập ngoại, chiếm khoảng 160 triệu USD/năm. Vì giá thành cao nên bệnh nhân gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận. Vì vậy, việc nghiên cứu thành công thuốc điều trị ung thư của Công ty Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định không chỉ mang lại niềm vui cho bệnh nhân ung thư, đồng thời giảm bớt gánh nặng kinh tế cho ngành y tế nước nhà.
Công ty Dược- TTB Ytế Bình Định hiện đã có 13 sản phẩm điều trị ung thư và 4 sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư được Bộ y tế cấp phép sản xuất và lưu hành. Những sản phẩm thuốc này đang được tin dùng ở 101 bệnh viện và công ty trong cả nước. Trong tương lai không xa, công ty Dược- TTB Ytế Bình Định sẽ tiếp tục nghiên cứu, sản xuất hơn 20 sản phẩm điều trị, hỗ trợ điều trị ung thư khác và xây dựng Nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư theo tiêu chuẩn PIC/s.
Kế hoạch này triển khai thực hiện sẽ giúp cho ngành y tế chủ động trong công tác cung ứng thuốc chữa bệnh, giảm chi phí điều trị, chi phí nhập khẩu, tạo công ăn việc làm cho người lao động và góp phần thực hiện đề án của Bộ Y tế: “Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt”.
Hoàng Phạm (thực hiện)