Lũa bonsai và tái sinh cái đẹp
Lũa bonsai, tanuki là nghệ thuật bonsai Nhật Bản mà trong đó nghệ nhân dùng các cây gỗ đã chết làm nơi để cây sống tựa vào mà phát triển. Đây là trào lưu mới, giúp tận dụng, phát huy vẻ đẹp những phần cây, đời cây đã chết và tái sinh một cuộc đời mới. Hơn cả một thú chơi, người thưởng ngoạn tìm thấy ở đó triết lý và nhân văn…
Nghệ nhân Phước Lộc chăm sóc một cây cảnh lũa tại nhà.
Theo một số người trong giới như nghệ nhân Phước Lộc (tức ông Nguyễn Xuân Lộc, 74 tuổi, ở TP Quy Nhơn) hay một số chủ nhà vườn lớn như anh Tý Đô Thành (tức anh Trần Hữu Anh, ở TP Quy Nhơn), Huỳnh Thanh Tuyên (ở huyện Tuy Phước), lũa bonsai, tanuki du nhập vào Bình Định và rộ lên ước chừng 10 năm gần đây. Còn người chơi cây quy mô nhỏ, có tham gia chế tác lũa, tanuki như anh Phạm Nam Khánh (ở xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) hay thợ làm cây trẻ như anh Hà Nguyễn Sơn (29 tuổi, ở TP Quy Nhơn) thì đưa ra mốc thời gian ngắn hơn, khoảng 4 năm trở lại đây.
Trào lưu mới
Nghệ nhân Phước Lộc cho biết: “Mấy năm nay, trào lưu chơi cây cảnh bonsai “nửa sống nửa chết” đang là xu thế. Phong cách này các nước chơi đã lâu và họ rất giỏi; ta tiếp thu khá muộn, cũng là hòa vào dòng chảy chung”. Còn theo anh Tý Đô Thành - chủ vườn cây cùng tên - nói về lũa, Bình Định như “cậu học trò” nhập học muộn. Không kể đến các thành phố lớn trong nước, mà các địa phương gần kề như Quảng Ngãi, TP Tuy Hòa cũng đã du nhập phong cách này khá sớm.
Anh Tý Đô Thành khẳng định: “Ở mình, người ta chơi lũa bonsai rầm rộ và phổ biến quãng năm 2010. Khi cây sanh mất vị thế trên thị trường cây cảnh, người ta trở lại với việc săn cây hoang dã”. Đáp ứng nhu cầu thị trường, nhiều người đổ xô đi săn cây núi, thậm chí cây quanh quẩn gần vườn nhà (duối, sa tùng…) và phát hiện những cây lũa rin (cây nửa sống, nửa chết do thiên nhiên tạo ra) hoặc những gốc, đoạn lũa nằm vùi lấp trong đất hay suối có thể tận dụng để làm nguyên liệu khi sử dụng kỹ thuật tanuki (ghép cây sống trên phần cây đã chết).
Lũa bonsai được chia làm 2 loại lũa rin và lũa ghép. Lũa ghép là ghép một hay nhiều phần lũa rời vào một cây khác (ở ta, đôi khi kỹ thuật tanuki cũng được xếp vào nhóm lũa ghép). Với lũa rin (nghĩa là phần lũa và phần sống của cây đều thuộc trên một cây, cây sống tình trạng “nửa sống nửa chết”) lại được chia ra 2 loại nhỏ: lũa rin do thiên tạo (quá trình sống của cây và tác động của tự nhiên làm cho cây mang hiện trạng “nửa sống nửa chết”) và lũa rin do nhân tạo (con người chủ động làm chết một phần trên cây để tạo lũa cho cây). Tuy nhiên đến nay, ở Bình Định, các nghệ nhân chưa mặn mà với lũa rin do nhân tạo.
Trên thực tế, bonsai lũa rin do thiên tạo đa phần đều đẹp từ nguyên bản, người sở hữu chỉ cần tinh chỉnh thêm chút đỉnh. Giá trị kinh tế của cây cảnh lũa rin thiên tạo cũng thường cao hơn so với lũa rin nhân tạo hay ghép.
Anh Khánh hy vọng, “nuôi” vài năm nữa, cây trắc gỗ rin thiên tạo mà anh may mắn tìm thấy trong một cánh rừng ở Cát Thành, huyện Phù Cát, cuối năm 2013, sẽ là cây đẹp, có giá trị kinh tế.
Công phu chuyện lũa cây
Để lũa cây, điều cơ bản đầu tiên là phải xác định chủng loại cây phù hợp, bởi không phải cây nào cũng lũa được và cây nào lũa cũng đẹp. Với lũa rin nhân tạo, lũa ghép, tanuki, nếu không khéo, rất dễ biến “trâu lành thành trâu què”. Những chủng loại cây cảnh thường được chọn để làm lũa là linh sam, trắc, sam, trân châu, sam ngọc, sơn trà…
Lũa cây là một việc khó, đòi hỏi tỉ mỉ, công phu, tay nghề lẫn đầu óc nghệ thuật. 20 năm trong nghề cây cảnh, hiện là một chủ vườn tầm cỡ trong tỉnh, cũng là một trong những người chơi lũa cây sớm nhất trong tỉnh, song khi nói về cách làm lũa, Tý Đô Thành chỉ… cười trừ. Rất thận trọng, anh Tý Đô Thành chia sẻ: “Mình quen với việc thẩm định, đánh giá để mua bán, cũng có thể nói chỗ này đẹp, chỗ kia xấu; thậm chí mình còn đặt hàng để thợ lũa làm hoặc tinh chỉnh theo yêu cầu. Nhưng lũa bonsai rất trừu tượng. Nó không như tạo tác cây cảnh theo dáng thế, vì nó chẳng có cái khuôn nào để theo. Để lũa cây, trước hết phải dựa vào dáng cây, cốt cây; từ đó mới tính đến việc tạo ra phần lũa sao cho phù hợp. Phải đối diện, nghiền ngẫm từng cây, từng phần lũa, mới nảy ra từng phác thảo cụ thể thích hợp, rồi bắt tay vào làm. Tuy nhiên, tất cả xuất phát từ một nguyên tắc chung, đó là mượn thiên nhiên làm theo”.
Người làm lũa cây hiện nay được hỗ trợ rất nhiều từ hệ thống đồ nghề chuyên dụng hết sức phong phú, đa dạng. Theo anh Khánh, một thợ lũa ở Tuy Phước, dụng cụ làm lũa cây thông dụng có đến 13 mũi (lũa), tương ứng với các bước làm, theo thứ tự là: (mũi) đào, móc, phay, tạo rãnh (2 loại lớn - nhỏ), khoan thẳng, đánh sớ, tạo mắc, khoan đánh bóng, đánh láng (cũng có 2 loại), tạo lõm mắc, cáp chà sớ và sau cùng là mũi đánh bóng hoàn thiện. “So với làm thủ công, các công cụ, thiết bị sử dụng điện này giúp ta làm nhanh hơn, khỏe hơn, đường nét đi chính xác hơn. Tuy nhiên, máy móc vẫn chỉ là phương tiện, còn quyết định chất lượng tác phẩm thuộc vào tay nghề và óc thẩm mỹ của người thợ” - anh Khánh chia sẻ.
Một góc các cây cảnh lũa rin được đặt ở mặt tiền vườn cảnh Huỳnh Thanh Tuyên.
Tái sinh đời cây, tái sinh cái đẹp
Trong vườn của Tý Đô Thành (nằm ở phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn), có một cây linh sam lũa rin thiên tạo tuy kích thước nhỏ (dạng bonsai) nhưng được nhiều người chơi liệt vào hàng tuyệt tác. Sức hút của cây nằm ở bộ đế gần như hóa thạch, được tạo hình tự nhiên rất đẹp. Nói gần như bởi trong khối đế cứng như thép ấy, kỳ diệu thay, vẫn còn mạch dẫn nhựa sống, bên ngoài còn một mảnh da rất mỏng, một cành non mỏng manh cứ vươn xanh lên.
Vườn của ông Huỳnh Thanh Tuyên (ở thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước) có cả chục cây bonsai lũa rin cực đẹp, với đủ chủng loại (linh sam, trắc, sam ngọc…). Tự nhận mình mê phong cách lũa bonsai và chỉ khoái cây lũa rin, đặc biệt rin thiên tạo, ông Tuyên phân tích: “Không bàn tay nghệ nhân, thợ giỏi nào lại có thể tạo tác độc đáo bằng sự bào mòn của tự nhiên. Cái đẹp của sự tình cờ, ngẫu nhiên còn quý ở chỗ nó là độc bản. Mà ngành nghệ thuật nào lại không đề cao tính độc bản. Nhờ lũa ghép, tanuki mà cây non và cây có “nhan sắc” trung bình cũng có thêm điều kiện để khoe sắc!”.
Với một số người chơi, vẻ đẹp của cây cảnh lũa không chỉ ở sự độc đáo, thu hút, mà còn chứa đựng những triết lý, chiêm nghiệm nhân sinh, tinh thần nhân văn mà họ thấy tâm đắc. Chơi cây, chăm cây mỗi ngày, hay chỉ là khán giả thưởng ngoạn cây, họ cảm nhận từ cây một thông điệp sống.
“Mỗi khi ngắm một cây cảnh có lũa hoặc một gốc lũa, phần lũa rời, tôi thường hay tưởng tượng mông lung về đời cây khi cây còn lành lặn hoặc còn sống. Từ chỗ khuyết, phần lũa, tôi phác thảo về dáng thế cây khi nguyên vẹn, tự hỏi về tuổi cây, trải qua tác động gì mà hình hài cây, lũa như thế… Và tôi hình dung, một cây “nửa sống nửa chết” hay gốc lũa, đoạn lũa bất kỳ, đã mất một phần hoặc toàn bộ đời cây mình, cho những cây khác được vươn lên, sinh ra trong khu rừng. Người chơi cây cảnh, yêu bonsai luôn nhìn cây trong vị thế là một sinh thể sống động. Tôi đa cảm nên luôn cảm thấy xúc động vì những điều ẩn tàng trong lũa…” - nghệ nhân Phước Lộc tâm tình.
Theo nghệ nhân Hai Lộc, cây cảnh lũa hội tụ cả 3 tiêu chí của cây cảnh nghệ thuật gồm: cổ (lâu đời), kỳ (công phu, độc đáo) và mỹ (đẹp). Những cây cảnh “nửa sống nửa chết”, hiện diện trên cơ thể mình phần lũa, cho thấy nó có một tuổi đời cao, hàng chục năm, thậm chí trăm năm. Phần lũa càng lõi, cứng, hóa thạch, đường kính hay dấu vết còn lại cho thấy cây có giá trị về niên đại bấy nhiêu. Mặt khác, dáng thế cây - cho dù đẹp đến mấy cũng có thể cây này giống cây kia nhờ quá trình uốn nắn, tạo dáng cây - nhưng lũa, nhất là lũa rin thiên tạo thì hầu như độc bản. Hơn thế, làm nên vẻ đẹp sâu xa ở cây cảnh lũa còn bởi sự tồn tại, song hành 2 yếu tố sự sống - cái chết, sinh - tử, cổ thụ - mầm non trên cùng một cây!
SAO LY