Hành trình đi tìm “giấy thông hành” cho gỗ Việt
Trải qua gần 2.200 ngày, Hiệp định Ðối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) đã được các bộ, ngành của Việt Nam nỗ lực chuẩn bị, đàm phán. Hiệp định VPA/FLEGT được coi là “giấy thông hành” để các doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ Việt Nam, trong đó có Bình Ðịnh, bước vào thị trường châu Âu thuận lợi; mở ra triển vọng mới với gỗ Việt.
“Đội quân” báo chí tác nghiệp tại một khu rừng trồng ở Ayun (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai).
Những ngày gần cuối tháng 11.2016, cùng với hơn 20 phóng viên thuộc các cơ quan truyền thông Trung ương và khu vực miền Trung - Tây Nguyên, chúng tôi được tham gia đoàn khảo sát tình hình thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản tại một số địa phương, DN thuộc địa bàn 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai.
Hiệp định VPA/FLEGT
Từ Quy Nhơn, đoàn khảo sát ngược lên vùng đất Tây Sơn Thượng đạo (TX An Khê) và đến Ayun (thuộc huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai). Tây Nguyên mùa này thật đẹp, bên những cánh rừng xanh bạt ngàn là những mảng vàng rực rỡ của hoa cúc quỳ nở rộ.
Trao đổi với các nhà báo, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc Dự án Tăng cường thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và buôn bán gỗ Việt Nam (FLEGT, thuộc Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên Việt Nam), cho biết: Để có được những cánh rừng xanh bạt ngàn trên, một phần cũng là nhờ chúng ta thực thi theo tinh thần những quy định của FLEGT. Kế hoạch hành động FLEGT được Liên minh châu Âu (EU) công bố từ tháng 5.2003.
Các nhà báo phỏng vấn đại diện Công ty MDF VINAFOR (tỉnh Gia Lai) về tình hình thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản.
Nội dung của Hiệp định gồm nhiều vấn đề, trong đó quan trọng nhất là việc Việt Nam sẽ xây dựng và vận hành hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (VNTLAS) phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam và đáp ứng các yêu cầu của EU về truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Tháng 10.2010, Việt Nam và EU đã đồng ý khởi động đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT và hai bên chính thức đàm phán từ tháng 11.2011.
Trong hành trình khảo sát, có một người khiến chúng tôi đặc biệt thú vị, đó là anh Dương Duy Khanh, cán bộ Dự án FLEGT Việt Nam. Thật bất ngờ, người đàn ông nói giọng Hà Nội này lại sinh ra từ vùng quê Phù Cát, tỉnh Bình Định. Mẹ anh quê ở xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, còn bố anh quê Hưng Yên. Hai ông bà nên duyên vợ chồng khi bố anh là bộ đội đóng quân ở Phù Cát. Xa quê ngoại mấy chục năm song anh vẫn không thể quên màu xanh của những cánh rừng núi Bà. Anh Khanh từng tham dự một số phiên đàm phán giữa Việt Nam và EU. Theo anh Khanh, hành trình của cuộc đàm phán VPA/FLEGT trải qua không ít khó khăn, phức tạp với 10 phiên đàm phán cấp cao, 18 phiên cấp kỹ thuật.
Ghi nhận những nỗ lực
Trong hành trình khảo sát tình hình thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản lần này, chúng tôi may mắn được tiếp xúc với khá nhiều đối tượng liên quan đến VPA/FLEGT, đó là các tổ chức, các hiệp hội ngành nghề, các DN và cộng đồng dân cư 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai.
Điều đáng ghi nhận là hầu hết các địa phương, đơn vị, DN đều quan tâm đến VPA/FLEGT, đồng thời nỗ lực thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản theo tinh thần của Hiệp định...
Một góc phân xưởng sản xuất Công ty TNHH Trường Sơn (KCN Phú Tài, TP Quy Nhơn).
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, đoàn khảo sát đã tiến hành tham quan, khảo sát tại một số địa phương, đơn vị thuộc xã Ayun (huyện Mang Yang), Công ty MDF VINAFOR... Ông Mai Thanh Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Ayun, cho biết: Trên địa bàn xã hiện có 261 ha rừng. Từ tháng 1.2015, xã đã thành lập Ban Lâm nghiệp cộng đồng và triển khai nhiều chương trình thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và đã tổ chức các đợt hội thảo, tập huấn, trang bị, nâng cao kiến thức về VPA/FLEGT cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo và các hộ trồng rừng.
Còn với tỉnh Bình Định, theo ông Trần Lê Huy, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, ngay sau khi Việt Nam và EU khởi động đàm phán VPA/FLEGT, Hiệp hội đã có kế hoạch và triển khai nhiều hoạt động, như: Tham gia đóng góp ý kiến cho Bộ NN-PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp xây dựng, chuẩn bị quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định; kiến nghị về vấn đề kiểm soát gỗ nhập khẩu của Việt Nam; góp ý về Dự thảo một số Phụ lục của VPA/FLEGT; góp ý phương án kết thúc đàm phán VPA/FLEGT... Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định còn phối hợp tổ chức nhiều hội thảo về VPA/FLEGT tại TP Quy Nhơn; cử đại diện tham gia các hội thảo kỹ thuật tiểu vùng ASEAN về VPA/FLEGT tại Hà Nội, Malaysia, Thái Lan, Lào, Indonesia...
Đáng lưu ý là những nỗ lực của chính các DN chế biến, cung cấp nguyên liệu gỗ trên địa bàn tỉnh Bình Định mà tiêu biểu trong số này là: Công ty TNHH Trường Sơn, Công ty TNHH Thanh Hòa (thuộc 2 khu công nghiệp Phú Tài và Long Mỹ). Ông Bùi Bảo Tín, Phó Giám đốc Công ty TNHH Trường Sơn, cho biết: Là DN có trên 97% số lượng sản phẩm xuất khẩu sang thị trường EU nên từ lâu DN đã quan tâm đến VPA/FLEGT và sớm triển khai thực hiện các yêu cầu theo chuẩn mực mà các nước nhập khẩu đề ra, nhất là quy trình FSC (Forest Stewardship Council - hệ thống các tiêu chuẩn về chứng nhận nguồn gốc gỗ cho các nhà khai thác).
Còn theo ông Trần Thiên, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Hòa, là DN chuyên cung cấp nguyên liệu gỗ cho các DN trong nước nên rất quan tâm đến VPA/FLEGT; 95% nguồn nguyên liệu DN nhập khẩu từ các nước đều đạt chuẩn FSC, phần còn lại thu mua của các DN trong nước cùng đảm bảo theo chuẩn mực FSC, nhất là nguồn gốc xuất xứ của gỗ.
Một góc phân xưởng sản xuất Công ty TNHH Thanh Hòa (KCN Long Mỹ, TP Quy Nhơn).
Kỳ vọng về “giấy thông hành”
Theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, sau hơn 6 năm tích cực tiếp xúc, bàn bạc, trao đổi, Việt Nam và EU vừa công bố cơ bản kết thúc đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT. Đây là kết quả của tinh thần đàm phán tích cực, hiểu biết, tôn trọng và bình đẳng giữa hai bên; là sự đồng hành của cộng đồng DN, hiệp hội và các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp và tham vấn ý kiến của cộng đồng dân cư.
Nội dung quan trọng nhất của Hiệp định là Việt Nam sẽ xây dựng và vận hành Hệ thống VNTLAS phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam và đáp ứng các yêu cầu của EU về truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Sau khi hệ thống VNTLAS được vận hành một cách đầy đủ sẽ góp phần quan trọng đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp xuất khẩu vào EU thông qua giấy phép FLEGT.
Còn theo ông Dương Duy Khanh, VPA/FLEGT có thể coi như “giấy thông hành” của các DN Bình Định - Việt Nam. Với giấy phép FLEGT, các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của các DN Việt Nam khi xuất khẩu vào EU sẽ không phải thực hiện trách nhiệm giải trình về truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp theo Quy chế gỗ EU. Đồng thời, VPA/FLEGT sẽ góp phần thúc đẩy quản lý rừng bền vững và phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng cho biết, theo kế hoạch, khoảng đầu năm 2017, Hiệp định VPA/FLEGT sẽ chính thức được ký kết và phê chuẩn. Hiệp định được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy sự tin cậy vào tính hợp pháp của gỗ và các sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam không những tại thị trường EU mà còn tại các thị trường xuất khẩu khác, mang lại các lợi ích lớn hơn về kinh tế, môi trường và xã hội.
Hiệp định VPA/FLEGT được phê chuẩn mở ra cơ hội lớn đối với các DN Việt Nam. Bởi lẽ, khi có được “giấy thông hành”, hoạt động xuất khẩu của các DN vào thị trường EU sẽ gặp nhiều thuận lợi.
VIẾT HIỀN