Giữ "lửa" bài chòi ở đảo xa
Xã đảo Nhơn Châu, còn gọi là Cù Lao Xanh, là đảo tiền tiêu của tỉnh, cách thành phố Quy Nhơn 24km về phía Đông Nam. Nhiều năm qua, ở đảo xa này, di sản bài chòi luôn được bảo tồn, phát huy, và đang trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn nhờ vào vai trò hạt nhân nòng cốt của vợ chồng nghệ nhân Trần Hữu Phước - Lê Thị Hoa cùng 4 người con của họ. Những khúc hát bài chòi reo vui trong gió, vào những sớm bình minh, cùng những đoàn thuyền đầy ắp cá cập bờ, giúp người dân đảo xa tìm được niềm vui, động lực để vượt lên những khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống.
Từ cầu tàu đi ngược lên xóm, qua những con ngõ nhỏ dẫn chúng tôi tới "gia đình Bài chòi" nổi tiếng của đảo, đó là gia đình nghệ nhân bài chòi Trần Hữu Phước và Lê Thị Hoa. Sinh năm 1968 trên đảo, nghệ nhân Trần Hữu Phước lớn lên cùng giai điệu Bài chòi trong các câu hát ru của bà nội. Khi 15 tuổi, vì mê mẩn Bài chòi nên anh quyết tâm đi học hát và sưu tầm lại tất cả những câu hát mà người già trên đảo còn nhớ. Với chất giọng trầm ấm trời phú, lại thuộc nhiều câu hát cổ, anh sớm trở thành "ngôi sao" Bài chòi trong lòng bà con trên đảo.
Bài chòi Bình Định thu hút khách bằng ngôn ngữ nghệ thuật đặc thù của mình trong hàng loạt làn điệu: xuân nữ, hò Quảng, xàng xê, cổ bản và các điệu dân ca như: lý thương nhau, vọng kim lang, hò tát nước... Nghệ nhân Hữu Phước cho biết, để trở thành một "anh Hiệu" cần phải luyện tập rất công phu. Bản thân anh từ nhỏ đã tuyệt đối không uống bia rượu, cà-phê để giữ giọng.
Là người chủ trì các hội Bài chòi, ngoài việc phải nhớ và thuộc nhiều câu hát anh Hiệu còn phải giỏi ứng biến với từng người chơi, biết áp dụng các trích đoạn hát Bội cổ, ca dao lục bát vào những lúc hợp lý. Bên cạnh đó các anh Hiệu phải luôn tạo không khí vui vẻ, thoải mái cho tất cả mọi người bằng các câu hát của mình.
Chính tình yêu bài chòi đã đưa hai người đến với nhau và nên duyên vợ chồng. Tình yêu và niềm đam mê đã giúp hai người không ngừng phấn đấu nỗ lực học hỏi tìm tòi để có được những câu hát mới cùng cách biểu diễn cuốn hút người chơi. Những nỗ lực đã được công nhận qua các giải thưởng như: danh hiệu Nghệ nhân xuất sắc hô hát Bài chòi và chạy Hiệu tỉnh Bình Định năm 2012, giải Nhì Liên hoan dân ca Bài chòi 2014 do Đài VTV Phú Yên tổ chức cùng nhiều giải thưởng khác...
Hoàng Phạm (thực hiện)
Điều đáng mừng là cả 4 người con của ông Phước, bà Hoa đã được ông bà truyền lại niềm đam mê với nghệ thuật truyền thống đặc sắc này. Con trai cả Trần Huệ Thiện hiện đang là giáo viên dạy nhạc cho trường Tiểu học của đảo là Nghệ nhân Bài chòi trẻ triển vọng do Sở VH-TT&DL Bình Định phong tặng. Con trai thứ Trần Quang Nhơn hiện là sinh viên trường Trung học Văn hóa nghệ thuật Bình Định cũng thường xuyên đi hát phụ ba mẹ trong những hội Bài chòi tại Quy Nhơn. Hai cô con gái út cũng đang học về đàn nhị, trống để làm nhạc công đệm nhạc cho các hội diễn. Những lúc rảnh rỗi, cả gia đình lại cùng nhau quây quần, lấy hiên nhà làm sân khấu, cùng nhau chia sẻ, học hỏi những kiến thức của môn nghệ thuật truyền thống. Tiếng hô hát Bài chòi, nhịp gõ phách đều đều lại vang lên trên những mái nhà lụp xụp của xóm chài bên bờ biển.
Mỗi tối những lúc rảnh rỗi gia đình anh tổ chức hát bài chòi chủ yếu là thỏa mãn niềm đam mê, và cũng là giữ lại một nét văn hóa cho người dân trên đảo đồng thời giúp người dân nơi đây có nơi tụ họp, gặp gỡ sau một ngày lao động vất vả thu hút đông đảo bà con tới chơi và nghe hát.
Chuyến tàu đưa chúng tôi xa dần đảo Nhơn Châu, nhưng những câu hát của gia đình bài chòi Trần Hữu Phước và bà Lê Thị Hoa vẫn còn đọng lại trong lòng mọi người.
Sao Ly - Hoàng Phạm