BÀI DỰ THI:
Tự phê bình và phê bình kết hợp kiểm tra, giám sát: Góp phần phòng, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa
Tự phê bình và phê bình là một nguyên tắc, cũng là một phương pháp trong sinh hoạt Đảng. Kiểm tra, giám sát là một phương thức lãnh đạo của Ðảng và cũng là phương pháp trong sinh hoạt Đảng. Cả hai có những đặc điểm riêng, nhưng bản chất đều hướng đến mục đích phòng ngừa, xử lý vi phạm Cương lĩnh, Ðiều lệ Ðảng, chính sách, pháp luật của Ðảng và Nhà nước đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên. Hai công tác này phải được thực hiện thường xuyên với quy trình chặt chẽ.
Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật của Đảng năm 2016 và triển khai nhiệm vụ 2017 do Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức. Ảnh: VĂN LƯU
Sự kết hợp cần thiết
Về tự phê bình và phê bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ, cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn... cốt đoàn kết thống nhất nội bộ”. Đây chính là bản chất của tự phê bình và phê bình. Theo Người, tự phê bình và phê bình phải được tiến hành thường xuyên, thành nền nếp, trong đó phải coi trọng tự phê bình từ trên xuống, đặc biệt cấp càng cao, cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng lớn càng phải gương mẫu trong tự phê bình và phê bình.
Kiểm tra, giám sát là những phương thức lãnh đạo của Đảng, một nội dung quan trọng bảo đảm cho chủ trương, đường lối của Đảng được thực hiện trên thực tế một cách có hiệu quả. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không, muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách, là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa, kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”.
Như vậy, có thể thấy rằng trong công tác xây dựng Đảng, kết hợp tốt tự phê bình và phê bình với kiểm tra, giám sát sẽ góp phần quan trọng vào phòng chống tự diễn biến, tự chuyển hóa trong Đảng.
Thông qua công tác kiểm tra, giám sát sẽ góp phần nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên. Mặt khác, phối hợp chặt chẽ hoạt động tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng với công tác kiểm tra Đảng, giám sát của cơ quan thanh tra các cấp sẽ tạo nên sự phối hợp chặt chẽ, bổ khuyết cho nhau, đạt được hiệu quả cao trong xây dựng Đảng.
Hoạt động tự phê bình và phê bình là hoạt động phải mang tính tự giác, thẳng thắn, nghiêm túc. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ mà cần phải gắn với công tác kiểm tra, giám sát đảng viên và tổ chức đảng một cách thường xuyên hoặc theo định kỳ. Như vậy công tác tự phê bình và phê bình mới thể hiện rõ tác dụng, chất lượng mới được nâng cao. Vì vậy, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên một cách đồng bộ sẽ là điều kiện thuận lợi cho việc tự phê bình và phê bình đạt được hiệu quả cao, góp phần quan trọng vào xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh và nâng cao vai trò, vị trí của cán bộ, đảng viên.
Nhân đôi sức mạnh, hiệu quả công tác xây dựng Ðảng
Từ những phân tích trên cho thấy, việc phối hợp chặt chẽ giữa công tác tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng với hoạt động của ủy ban kiểm tra, sự giám sát chặt chẽ của cơ quan thanh tra cùng các cơ quan chức năng khác có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Theo đó, việc tăng cường kiểm tra, giám sát của cấp ủy đảng, ủy ban kiểm tra cấp ủy đối với tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên cần được thực hiện ở những hình thức, góc độ khác nhau, nhất là việc thể chế hóa nội dung của tự phê bình và phê bình, kiểm tra giám sát thành quy chế, quy định, quy trình, hướng dẫn… để từ đó các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên căn cứ thực hiện.
Tóm lại, thực hiện tự phê bình và phê bình kết hợp chặt chẽ với kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên là hết sức cần thiết, sự kết hợp đó sẽ nhân đôi sức mạnh, hiệu quả của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Sự phối hợp chặt chẽ đó làm toát lên ý nghĩa quan trọng: Thứ nhất, thể hiện sự đồng bộ, đoàn kết thống nhất trong tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, đồng thời có thể phát huy được sức mạnh tổng hợp của các cơ quan, đơn vị liên quan. Thứ hai, sự phối hợp này nếu thực hiện đúng nguyên tắc, được chỉ đạo sát sao, công tâm, minh bạch thì sẽ cho hiệu quả cao và theo đó chất lượng tự phê bình và phê bình cũng như kiểm tra, giám sát được nâng lên.
Xây dựng và chỉnh đốn Đảng là hoạt động thường xuyên, liên tục của Đảng. Trong thời kỳ hiện nay, vấn đề xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh để thực sự là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, đòi hỏi Đảng phải không ngừng tự đổi mới, tự chỉnh đốn, từ đó có đầy đủ sức đề kháng nhằm ngăn chặn sự suy thoái trong Đảng, phòng chống tự diễn biến, tự chuyển hóa theo tinh thần NQTƯ 4 (khóa XII) của Đảng.
NGUYỄN TÙNG LÂM