XÂY DỰNG HỌC LIỆU NỘI SINH DÙNG CHUNG TRONG CÁC THƯ VIỆN ĐẠI HỌC VIỆT NAM:
Tiếp cận nhanh, thiết thực, hiệu quả
Hội thảo xây dựng học liệu nội sinh dùng chung trong các thư viện đại học Việt Nam (Quy Nhơn, 10.2017) mở ra cơ hội to lớn tiếp cận cơ sở dữ liệu khổng lồ để nghiên cứu, giảng dạy, học tập- không chỉ với giảng viên, sinh viên trong nước, mà còn tạo tiền đề hợp tác nghiên cứu khoa học quốc tế cho mọi thành viên.
Sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn tìm kiếm tài liệu trên mạng internet.
Tiếp cận tri thức nhanhvà toàn cục
Chia sẻ về ý tưởng xây dựng học liệu nội sinh dùng chung trong các thư viện đại học Việt Nam, TS Nguyễn Huy Chương, Phó Chủ tịch Liên chi hội Thư viện đại học Việt Nam - Chủ tịch Liên chi hội Thư viện đại học khu vực phía Bắc (NALA), trao đổi: “Đây là xu thế tất yếu trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tháng 5.2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa”, với một số nội dung được đề cập rất cụ thể là thu thập, tổ chức và chia sẻ, phân phối sách giáo khoa, giáo trình, học liệu, công trình, kết quả nghiên cứu khoa học... cho tất cả các đối tượng mà trước mắt là tập trung vào hệ thống giáo dục. Và nay là thời điểm phù hợp để triển khai thực hiện học liệu nội sinh dùng chung”.
Xây dựng cơ sở học liệu dùng chung, tức là giáo khoa, giáo trình, luận án, luận văn, kết quả nghiên cứu khoa học... của các học viện, trường đại học sẽ được tổ chức lại, số hóa và chia sẻ giữa các thư viện, để bạn đọc là giảng viên, cán bộ nghiên cứu, quản lý cũng như các loại hình người học như nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên, thậm chí một số trường có học sinh chuyên đều có thể truy cập, sử dụng.
Theo TS Nguyễn Hoàng Sơn, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Thư viện ĐH Quốc gia Hà Nội (LIC), đơn vị đóng vai trò đầu mối, kết nối các thư viện đại học với nhau, trên cơ sở các thư viện đại học đã có những phần mềm quản lý tài nguyên số, LIC sẽ chịu trách nhiệm kết nối các thư viện lại với nhau.
“Khi bạn muốn tìm kiếm một tài liệu, một chủ đề nào đó, bạn chỉ cần vào cổng thông tin và đặt lệnh tìm kiếm. Nếu trước đây, tài nguyên của bạn chỉ là một trường, thì với học liệu nội sinh dùng chung, giờ đây, tài nguyên của bạn là toàn bộ tài nguyên các thành viên. Nhờ hệ thống thống nhất, cơ sở dữ liệu sẽ kết nối với nhau, bạn vừa tiết kiệm công sức tìm kiếm, vừa hình dung vấn đề trên toàn cục”, TS Nguyễn Hoàng Sơn chia sẻ.
Hướng đến tính thiết thực, hiệu quả
Điểm tích cực rất lớn của Hội thảo là hướng đến tính thiết thực, hiệu quả và triển khai nhanh chứ không phải “bàn bạc rồi để đó, chờ xin ý kiến lãnh đạo”. Thật vậy, ngay tại hội thảo, 28 học viện, trường đại học đã thống nhất ký Bản ghi nhớ triển khai thực hiện việc này. Không chỉ có vậy, với tầm nhìn đầy chất dự phóng, các đại biểu còn tính đến chất lượng cơ sở hạ tầng, định hướng hỗ trợ.
TS Võ Ngọc Vĩnh, Hiệu trưởng Trường ĐH Quang Trung, cho biết: Hiện nay, việc phát triển thư viện trong Trường ĐH Quang Trung còn khá hạn chế, vì vậy hội thảo mang ý nghĩa to lớn cho giảng viên, sinh viên của nhà trường khi được sử dụng nguồn học liệu chung của nhiều trường đại học trên cả nước, nhất là các giáo trình của các trường đại học có uy tín, hứa hẹn hỗ trợ thiết thực cho sinh viên học tập cũng như công tác nghiên cứu khoa học của giảng viên nhà trường.
TS Nguyễn Huy Chương cho rằng, các trường sẽ phải nỗ lực đảm bảo cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phù hợp để người dùng có thể truy cập không chỉ ở dạng văn bản, âm thanh mà còn với cả hình ảnh, video và các gói dữ liệu cỡ lớn. “Chúng tôi hướng tới giải pháp không dừng lại ở mức truy cập qua máy tính mà còn có thể truy cập qua bất kỳ thiết bị điều phối nào chẳng hạn như smartphone, máy tính bảng”, TS Nguyễn Huy Chương hào hứng chia sẻ.
NGỌC TÚ