Bình Ðịnh trong tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975
Sau chiến dịch tiến công tổng hợp Hè - Thu 1974, thế và lực ta đã mạnh, giành quyền chủ động tấn công địch, đẩy địch lún sâu vào thế bị động chiến lược. Cách mạng Việt Nam bước vào giai đoạn mới với thời cơ lịch sử mới để kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, “đánh cho ngụy nhào”.
Những tháng cuối năm 1974 đầu năm 1975, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiến hành các cuộc họp quan trọng, phân tích toàn diện tình hình và quyết định mở cuộc quyết chiến chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam trong 2 năm 1975 - 1976, nếu thời cơ phát triển thuận lợi thì nhanh chóng kết thúc cuộc kháng chiến trong năm 1975, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.
Diễn biến chiến dịch giải phóng tỉnh Bình Định. Ảnh tư liệu
Chấp hành chủ trương và quyết tâm chiến lược của Đảng, Đảng bộ, quân và dân Bình Định sát cánh cùng Sư đoàn 3 Sao Vàng khẩn trương tiến hành công tác chuẩn bị, sẵn sàng bước vào chiến dịch Xuân 1975 với khí thế cách mạng tiến công sôi nổi chưa từng có.
Phối hợp với chiến trường Tây Nguyên và Chiến dịch giải phóng TX Buôn Ma Thuột, rạng sáng 4.3.1975 ta cắt đường 19, tạo thế chia cắt chiến lược giữa đồng bằng miền Trung và Tây Nguyên. Sư đoàn 3 kìm chân toàn bộ Sư đoàn 22 quân chủ lực ngụy trên mặt trận đường 19, hỗ trợ đắc lực và tạo thế cho quân và dân Bình Định dồn dập tấn công và nổi dậy tiêu diệt và làm tan rã phần lớn quân ngụy, phá rã bộ máy ngụy quyền, giải phóng và giành quyền làm chủ liên hoàn từng mảng lớn từ Bắc vào Nam tỉnh.
Ngày 24.3.1975, Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy Tỉnh đội Bình Định họp, ra mệnh lệnh Tổng tiến công, tổng khởi nghĩa giải phóng toàn tỉnh với khẩu hiệu hành động: “Xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh”, “Tất cả cho đánh đổ chính quyền địch”. Thực hiện quyết tâm chiến lược của Thường vụ Tỉnh ủy, từ ngày 25 - 31.3.1975, các LLVT và quần chúng toàn tỉnh dồn dập tấn công và nổi dậy, bao vây và bứt rút hàng loạt chốt địch, tiêu diệt và làm tan rã lớn ngụy quân ngụy quyền, lần lượt giải phóng hoàn toàn các huyện, dồn địch vào TX Quy Nhơn trong thế chống đỡ tuyệt vọng. Phối hợp nhịp nhàng với các mũi tấn công từ bên ngoài vào, quân và dân TX Quy Nhơn nổi dậy hỗ trợ các LLVT đánh chiếm nhiều mục tiêu và các cơ quan quan trọng, làm tan rã toàn bộ quân địch.20 giờ ngày 31.3.1975, đội biệt động Quy Nhơn bắt liên lạc, phối hợp với Tiểu đoàn 50, đặc công Đ30 và Đ20 đánh chiếm, cắm cờ trên tiền sảnh Tòa hành chính ngụy quyền tỉnh và Trung tâm Tiểu khu Bình Định, cơ quan đầu não về chính trị, hành chính, quân sự của địch. Đây là thời điểm giải phóng TX Quy Nhơn với hơn 200 nghìn dân và toàn tỉnh Bình Định với hơn 900 nghìn dân. Tiếp theo, ngày 1.4.1975, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ tàn quân Sư đoàn 22 bại trận trên đường 19 tháo chạy về Quy Nhơn hòng tìm lối thoát duy nhất bằng đường biển.
Bình Định đã góp phần xứng đáng cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân cả nước kết thúc vẻ vang quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân, đế quốc trên đất nước ta. Tổ quốc ta vĩnh viễn độc lập, giang sơn thu về một mối, cả nước tiến lên CNXH.
* * *
Thắng lợi to lớn, toàn diện và triệt để của Đảng bộ, quân và dân Bình Định là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố. Trước hết là đường lối đúng đắn và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự chi viện to lớn và có hiệu quả của miền Bắc XHCN, sự hỗ trợ và hợp đồng chặt chẽ của các chiến trường, sự đóng góp to lớn của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 3 Sao Vàng và con em đồng bào khắp mọi miền đất nước.
Song, thắng lợi ấy còn bắt nguồn từ những nhân tố nội tại hết sức quan trọng: Sự kế thừa tinh thần quật khởi của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn để khơi dậy và phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí căm thù giặc sâu sắc, ý chí tự lực tự cường của Đảng bộ, quân và dân Bình Định. Đó còn là truyền thống đoàn kết nhất trí trong Đảng bộ và nhân dân được vun đắp và phát huy cao độ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng với nhân dân một lòng, quân với dân một ý chí, tình đồng chí, cùng đồng cam cộng khổ trong hoàn cảnh khó khăn, ác liệt cũng như lúc giành được thắng lợi.
Tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương, 48 năm qua, Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh luôn đoàn kết một lòng, phát huy mọi nguồn lực, từng bước đưa Bình Định trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền Trung. Quy mô kinh tế của tỉnh không ngừng tăng trưởng qua từng năm. Đến nay, KT-XH của tỉnh tiếp tục có nhiều khởi sắc và đạt nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện trên tất cả lĩnh vực; đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của khu vực miền Trung và cả nước.
NGỌC HIỀN