5. Chương trình hành động về “Phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2025”
Ðể khoa học là nền tảng, động lực cho phát triển
Phát triển KH&CN tạo nền tảng phát triển nhanh, bền vững; đưa KH&CN thành nền tảng, động lực phát triển KT-XH và phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là mục tiêu chính của chương trình hành động này. Cùng với đó là tiếp tục xây dựng Bình Ðịnh trở thành điểm đến của các DN công nghệ, nhà khoa học trên thế giới và trong nước.
Triển khai đồng bộ các lĩnh vực nghiên cứu
Để thực hiện thành công mục tiêu đó, chương trình hành động đặt ra nhiệm vụ triển khai đồng bộ các lĩnh vực nghiên cứu KH&CN.
Về khoa học xã hội và nhân văn, tập trung nghiên cứu cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, con người; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của tỉnh (như võ cổ truyền, nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam...).
Về khoa học tự nhiên, nghiên cứu cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ cho công tác quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên của tỉnh gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Ứng dụng các công nghệ mới trong cảnh báo các nguy cơ về môi trường, truy vết các nguy cơ phóng xạ, hóa chất. Tăng cường năng lực quan trắc, dự báo thiên tai và biến đổi khí hậu để có kế hoạch ứng phó kịp thời, hiệu quả.
Nói không với dự án có công nghệ lạc hậu
Chương trình hành động nêu rõ, tỉnh ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ cao. Ðiều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo nguồn thu cho ngân sách, suất đầu tư trên một đơn vị diện tích lớn; không thu hút các dự án nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu.
Trên lĩnh vực khoa học nông nghiệp, quan trọng là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp; tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Triển khai các nhiệm vụ KH&CN về nghiên cứu, khảo nghiệm, tuyển chọn và sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao. Nghiên cứu triển khai tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp và đưa vào ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.
Cùng với đó là tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đang hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Xây dựng cơ chế thu hút DN có quy mô lớn đầu tư, hoạt động tại các khu nông nghiệp, vùng chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.
Đáng chú ý, với khoa học y dược, tỉnh sẽ chú trọng triển khai các nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao các thành tựu KHKT và công nghệ mới trong y học để chẩn đoán và điều trị bệnh; đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khám chữa bệnh và y học dự phòng. Nâng cao hiệu quả, chất lượng của các DN sản xuất dược phẩm, trang thiết bị y tế trên địa bàn tỉnh; sản xuất các loại thuốc mới và thuốc điều trị ung thư có chất lượng tương đương với sản phẩm các nước tiên tiến, có giá thành phù hợp. Đây là giải pháp rất thiết thực, là động lực để nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN KH&CN, như Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định vốn có thế mạnh trong sản xuất các loại thuốc mới, nhất là thuốc điều trị ung thư.
Không để kết quả nghiên cứu “trong ngăn kéo”
Một trong những vấn đề đáng quan tâm trong quá trình phát triển KH&CN là tính ứng dụng trong thực tế của nghiên cứu khoa học. Do đó, chương trình hành động nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng, phát triển thị trường KH&CN để giải quyết “đầu ra” cho nghiên cứu khoa học.
Theo đó, giải pháp chính là tập trung ứng dụng KH&CN góp phần phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, có tiềm năng, lợi thế, giá trị gia tăng cao; thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại, hiệu quả cao với quy mô phù hợp theo từng ngành hàng, sản phẩm và thị trường. Triển khai các chính sách về hỗ trợ đổi mới sáng tạo tại DN.
Đặc biệt là xây dựng chương trình hỗ trợ thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; thực hiện tốt việc giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cho tổ chức có đủ năng lực thương mại hóa; hình thành DN KH&CN dựa trên các sản phẩm của kết quả nghiên cứu khoa học. Hoàn thiện, phát huy hiệu quả sàn giao dịch công nghệ của tỉnh và kết nối với sàn giao dịch công nghệ quốc gia.
Điểm nhấn đô thị khoa học
Những năm gần đây, Quy Nhơn, Bình Định là “từ khóa” ngày càng phổ biến của người yêu khoa học trong và ngoài nước. Tiếp tục chắp cánh cho khát vọng về một thương hiệu khoa học mang tầm quốc tế được thể hiện rõ qua chương trình hành động này.
Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành là điểm đến của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Ảnh: ICISE
Cụ thể, chương trình hành động nêu rõ nhiệm vụ hoàn chỉnh quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng dự án Khu Đô thị Khoa học Quy Hòa. Tiếp tục hỗ trợ phát huy hiệu quả vai trò kết nối của Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE). Tập trung nguồn lực để hoàn thành và đưa vào sử dụng Dự án Tổ hợp không gian khoa học.
Đi liền với đó là quy hoạch, phát triển các khu vệ tinh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để phát triển Khu Đô thị Khoa học Quy Hòa, Trung tâm Trí tuệ nhân tạo- Đô thị phụ trợ tại phường Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân...
Và, trọng tâm là tạo điều kiện để các dự án tại Khu Đô thị Khoa học Quy Hòa và các dự án trí tuệ nhân tạo tại Khu đô thị mới Long Vân đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả, góp phần tăng nhanh tiềm lực KH&CN của tỉnh, nhất là các lĩnh vực liên quan đến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data) theo Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Cơ chế, chính sách dành cho Khu Đô thị Khoa học Quy Hòa chính là mối quan tâm đặc biệt, được đại biểu Quốc hội khóa XIV- Giám đốc Sở KH&CN Lê Công Nhường nhiều lần đề cập trên diễn đàn Quốc hội.
● ÔNG TRẦN KIM KHA - Giám đốc Sở TT&TT:
Mở rộng dịch vụ đô thị thông minh
Năm 2020, Bình Định đã triển khai thí điểm 8 dịch vụ đô thị thông minh theo định hướng chung của Bộ TT&TT. Đó là dịch vụ giám sát an toàn thông tin; ANTT của đô thị; giám sát thông tin trên môi trường mạng; giám sát, điều hành giao thông; phản ánh hiện trường; giám sát dịch vụ công; hệ thống thông tin KT-XH; hệ thống tổng hợp giám sát điều hành.
Sở TT&TT đã xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) đặt tại trụ sở của Sở TT&TT. Qua nhiều kênh (camera, ứng dụng di động, website, mạng xã hội…) IOC thu thập thông tin, chuẩn hóa dữ liệu, tổng hợp và phân tích để tham mưu cho UBND tỉnh trên nhiều lĩnh vực khác nhau. IOC cũng tích hợp các dịch vụ, hệ thống đã được các đơn vị khác phát triển như hệ thống giám sát tàu cá, bản đồ hộ kinh doanh... Ngoài ra, Sở TT&TT vừa đưa vào thử nghiệm hệ thống giám sát giao thông qua Zalo.
Sở TT&TT sẽ triển khai các công việc tiếp theo như mở rộng phạm vi triển khai 3 dịch vụ: ANTT của đô thị; giám sát, điều hành giao thông; phản ánh hiện trường. Đồng thời, hoàn thiện nền tảng kiến trúc ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) của đô thị thông minh; xây dựng các hệ thống hỗ trợ ra quyết định phục vụ công tác quản trị, điều hành đô thị dựa trên việc phân tích dữ liệu lớn và hệ thống cảm biến; triển khai các dịch vụ thông minh trên lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, TN&MT, TT&TT; xây dựng các kho dữ liệu mở, chia sẻ các thông tin hữu ích để người dân, DN khai thác, sử dụng.
● TS TRẦN THANH SƠN - Phó Giám đốc ICISE:
Khoa học mở ra “kết nối vô hình” cho sự phát triển KT-XH
Đi vào hoạt động từ năm 2013, các sự kiện và hoạt động khoa học quốc tế do Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tổ chức đã góp phần tạo ra một điểm gặp gỡ giao lưu học thuật rất đặc biệt tại TP Quy Nhơn, giúp cho các nhà khoa học Bình Định và Việt Nam tiếp cận với các phương pháp nghiên cứu, kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất trên thế giới. Từ các cuộc gặp gỡ khoa học tại ICISE đã tạo môi trường thuận lợi cho sự hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, giúp các nhà khoa học Việt Nam hội nhập quốc tế.
Những hoạt động khoa học quốc tế tổ chức ở ICISE sẽ góp phần xây dựng hình ảnh Quy Nhơn, Bình Định trên trường quốc tế. Người ta sẽ biết đến một thành phố, địa phương yêu khoa học, dành sự quan tâm, đầu tư, tạo điều kiện cho khoa học phát triển. Các hoạt động gặp gỡ khoa học, mối quan hệ với các nhà khoa học trong và ngoài nước sẽ mở ra sự “kết nối vô hình”, những tác động bất ngờ đối với sự phát triển KT-XH của tỉnh.
Sự quan tâm, chú trọng phát triển KH&CN sẽ thúc đẩy sự phát triển bền vững của KT-XH; góp phần tạo nên hình ảnh rất tốt cho tỉnh trước các DN, các nhà đầu tư. Bởi họ tin rằng, một địa phương quan tâm đến KH&CN thì trong phát triển kinh tế, phát triển hạ tầng để đáp ứng yêu cầu KT-XH, địa phương cũng sẽ làm rất chỉn chu, đáng tin cậy.
● PGS.TS LÊ CÔNG TRÌNH - Trưởng khoa Toán và Thống kê (Trường ÐH Quy Nhơn):
Thắt chặt hợp tác với DN công nghệ, cung ứng nhân lực cho dự án KH&CN
Khoa Toán và Thống kê đã được Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021 - 2030 chọn đầu tư để trở thành 1 trong 3 khoa toán mạnh trong cả nước. Một chiến lược quan trọng của Khoa trong nhiều năm tới là xây dựng và thắt chặt mối quan hệ hợp tác với DN trong tuyển sinh, đào tạo, thực tập, tuyển dụng và hợp tác nghiên cứu; kết nối chặt chẽ với Liên hiệp các hội KH&KT tỉnh và các sở, ban, ngành để cung cấp nguồn nhân lực tham gia thực hiện các đề tài, dự án KH&CN, phát huy vai trò của Toán, Thống kê trong các ứng dụng.
Khoa đã và sẽ phối hợp chặt chẽ với các công ty công nghệ (TMA Solutions và FPT Software) trong tư vấn tuyển sinh và đào tạo trình độ đại học ngành Toán ứng dụng chuyên ngành Khoa học dữ liệu, trình độ thạc sĩ ngành Khoa học dữ liệu ứng dụng.
TMA Solutions và FPT Software đã cử người tham gia quá trình đào tạo, cam kết tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học dữ liệu, đồng ý cho sinh viên thực tập ngay từ cuối năm 1. Với sự đồng hành của các DN, số lượng và chất lượng của sinh viên, học viên sẽ được tăng lên, đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các công ty công nghệ nói trên lên đến 3.000 nhân sự trong các lĩnh vực Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo đến năm 2025.
AN PHƯƠNG
NGUYỄN VĂN TRANG