Doanh nghiệp Bình Ðịnh bắt nhịp chuyển đổi số
Trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số, doanh nghiệp đóng vai trò là lực lượng nòng cốt, dẫn dắt. Nhờ tư duy sáng tạo, nhạy bén với công nghệ, nhiều doanh nghiệp ở Bình Ðịnh đã thích ứng và phát huy hiệu quả cơ hội mà chuyển đổi số mang lại.
1. 2 năm trước, Công ty FPT Software Quy Nhơn (Fsoft) thành lập Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo Quy Nhơn (QAI) nhằm thực hiện chiến lược thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), đón đầu xu hướng công nghệ mới tại Việt Nam của Tập đoàn FPT. Hiện, Fsoft trở thành một trong hai DN công nghệ thông tin có ảnh hưởng lớn, đóng vai trò dẫn dắt chuyển đổi số tại Bình Định.
Fsoft cho ra đời hàng chục nền tảng, giải pháp, sản phẩm và dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ lõi với mục tiêu đưa Quy Nhơn trở thành trung tâm công nghệ AI tầm quốc tế. Ảnh: H.H
Bên cạnh đó, Fsoft còn trở thành đối tác chuyển đổi số của tỉnh Bình Định khi đồng hành cùng tỉnh trong việc đưa vào hoạt động Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh Bình Ðịnh (IOC); đưa vào sử dụng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung; triển khai các chương trình đào tạo thay đổi nhận thức chuyển đổi số; tư vấn triển khai các giải pháp y tế số, nông nghiệp số, doanh nghiệp số…
Đơn vị cũng đang đẩy mạnh thực hiện chuyển dịch nhân sự tập trung vào AI. Từ vài chục nhân sự ban đầu, hiện Fsoft đã thu hút khoảng 700 nhân viên, phần lớn là lập trình viên, kỹ sư phần mềm đến từ nhiều nơi trên thế giới, trong đó có các chuyên gia AI đến từ Mỹ, Đức, Malaysia… về đầu quân.
Fsoft cũng chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Bình Định. Một trong những chiến lược đang được Fsoft triển khai là đào tạo AI sớm cho học sinh, nhất là học sinh cấp tiểu học. Đơn vị phối hợp với các trường phổ thông trong tỉnh thực hiện chương trình phổ biến về AI nhằm giúp học sinh có thể định hướng nghề nghiệp phù hợp với sở trường và xu thế.
TS Vũ Hồng Chiên, Giám đốc QAI, chia sẻ: Đơn vị đang ứng dụng công nghệ lõi của AI để tạo ra các sản phẩm “made in Vietnam”, hỗ trợ các DN tại Việt Nam giải quyết các bài toán thực tế trong sản xuất. Bài toán khó nhất của QAI hiện nay là làm thế nào để giữ được người Quy Nhơn ở lại làm việc và lôi kéo người từ nơi khác về Quy Nhơn, nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào, tham gia phát triển KT-XH của tỉnh. Thời gian tới, đơn vị sẽ cố gắng đưa dự án định giá gia súc về triển khai tại Việt Nam, nhất là Bình Định, nhằm giúp chính quyền và nông dân địa phương giải quyết bài toán về nông nghiệp.
2. Tương tự, Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Tường Minh (TMA Bình Định) đang triển khai hiệu quả các dự án R&D (nghiên cứu và phát triển) về AI, internet vận vật (IoT) nhằm nghiên cứu và thiết kế các giải pháp công nghệ số “made in Vietnam” cung cấp cho khách hàng tại 30 nước trên thế giới. Đặc biệt, gói giải pháp “Hệ sinh thái giải pháp công nghệ và chuyển đổi số TMA” tập hợp các đối tác trong các lĩnh vực tư vấn, đào tạo, triển khai, tích hợp, phần cứng, phần mềm, hạ tầng… nhằm phát huy nguồn lực các bên, tối ưu vốn đầu tư và tạo thuận lợi cho các DN nhỏ có thể tham gia vào chuỗi cung ứng cho các ngành.
Thiết bị thu hút, đếm và nhận diện côn trùng nằm trong dự án ứng dụng công nghệ AI để nhận diện và cảnh báo một số loại sâu, bệnh hại lúa tại Bình Định của TMA Bình Định. Ảnh: H.H
Hiện, TMA Bình Định đang triển khai dự án nghiên cứu ứng dụng công nghệ AI để nhận diện và cảnh báo một số loại sâu, bệnh hại lúa tại Bình Định. Công nghệ AI được sử dụng xử lý hình ảnh để dự đoán, phát hiện bệnh và côn trùng, xây dựng cơ sở dữ liệu; từ đó đưa ra các cảnh báo, biện pháp phòng tránh. Ngoài ra, công ty cũng đang thực hiện nhiều chính sách có tính đón đầu trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao, góp phần đưa Quy Nhơn trở thành trung tâm KHCN hàng đầu tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngô Duy Bình, Giám đốc dự án TMA Bình Định, cho biết, trong kế hoạch năm 2023, TMA Bình Định tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển để xây dựng thêm nhiều giải pháp công nghệ số góp phần hiện đại hóa các ngành, các lĩnh vực tại Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay, TMA Bình Định sẽ đón 1.000 kỹ sư trong 2 - 3 năm tới để trở thành trung tâm phát triển công nghệ số lớn không chỉ ở miền Trung mà còn cả nước và Đông Nam Á.
3. Không chỉ các DN công nghệ, nhiều DN truyền thống đang hoạt động tại Bình Định cũng có ý thức trách nhiệm, sẵn sàng đón nhận công nghệ mới và chủ động tham gia quá trình chuyển đổi số, điển hình là Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định, DN tiên phong sản xuất thành công thuốc điều trị ung thư tại Việt Nam; Công ty TNHH Tingco Bình Định, nhờ đầu tư đồng bộ thiết bị và công nghệ tiên tiến đã giảm được chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Việc đầu tư đồng bộ thiết bị và công nghệ tiên tiến đã giúp Công ty TNHH Tingco Bình Định giảm chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: H.H
Ông Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tingco Bình Định, cho biết: Các thiết bị, dây chuyền sản xuất trong nhà máy đều sử dụng công nghệ tiên tiến trong ngành giải khát. Ví dụ máy ép phôi theo công nghệ ép phôi siêu tốc nhập khẩu từ Đức cho phép thực hiện 15.000 phôi/giờ, nhanh hơn 5 lần so với máy ép phôi thông thường. Hay công nghệ dập nắp chai mới của Tingco cho phép thực hiện 60.000 nắp/giờ, gấp 40 lần thiết bị sử dụng công nghệ cũ. Nhờ vậy, năng suất và doanh thu của công ty được cải thiện đáng kể.
Xây dựng DN công nghệ số, chuyển đổi các DN truyền thống thành DN số, đẩy mạnh chuyển đổi số DN dựa trên nền tảng số, hệ sinh thái DN số trong các ngành, lĩnh vực là những nhiệm vụ trọng tâm của công tác chuyển đổi số.
Hy vọng với các nền tảng số “made in Vietnam” và nguồn nhân lực số từ các DN công nghệ thông tin mang lại, sự chủ động vào cuộc của các DN truyền thống sẽ là những cơ sở vững chắc để Bình Định đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại địa phương.
Vươn tầm quốc tế
Fsoft đã cho ra đời hàng chục nền tảng, giải pháp, sản phẩm và dịch vụ được phát triển dựa trên nền tảng công nghệ lõi như AI, blockchain, cloud, IoT. Không chỉ các đơn vị, DN trong nước, sản phẩm công nghệ của Fsoft được rất nhiều khách hàng quốc tế đón nhận, đánh giá cao, như: akaMedic (dùng hình ảnh để phân tích tín hiệu ung thư); akaCam (phân tích hành vi con người thông qua thị giác máy tính); DeepClinics (chẩn đoán bệnh da liễu); akaOCR (đọc và chuyển đổi dữ liệu từ dạng đánh máy, viết tay hay in ấn sang định dạng dữ liệu điện tử phù hợp); Call Center (tổng đài tự động); EduNext (dạy và học trực tuyến). Phần mềm định giá gia súc của Fsoft đang tạo tiếng vang lớn tại thị trường châu Phi. Với phần mềm này, người nông dân có thể quản lý đất đai và chuỗi thức ăn tốt hơn; đồng thời, thu thập giá cả và định giá cho gia súc, hạn chế tình trạng “được mùa mất giá”.
HỒNG HÀ