Trong hàng ngàn sai sót về hộ tịch mà người dân tìm đến cơ quan có thẩm quyền xin cải chính hộ tịch có không ít trường hợp lỗi do chính khổ chủ gây ra. Đó là kết quả của sự tùy tiện, tự ý thay đổi những dữ kiện hộ tịch đã được xác lập trong bản chính khai sinh, và từ đó khởi sự cho những rắc rối về sau.
* Đặt tên theo ý thích
Sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo ở một xã thuộc huyện Phù Cát, Nguyễn Thị Gái được cha mẹ đặt cho cái tên "cúng cơm" giản dị mộc mạc như hạt lúa củ khoai, như cuộc sống vốn thuần phác sau lũy tre làng. Học giỏi văn lại có tâm hồn lãng mạn, ngay từ thuở đi học, được tiếp xúc với bạn bè cùng lứa, cô bé sớm ý thức được sự "lạc lõng" với cái tên gọi của mình giữa rừng những tên đẹp như: Phượng, Hồng, Lan, Huệ... Thậm chí có những lúc, cái tên "Gái" mộc mạc chân quê lại trở thành chủ đề hấp dẫn cho đám bạn trai trêu chọc. Thế là, cô bé quyết định tìm cho mình một cái tên khác nghe thật lạ, thật mỹ miều. Cái tên Nguyễn Thị Gái mất dần trong các loại giấy tờ tùy thân như Chứng minh nhân dân, thẻ học sinh, rồi dần thay trong sổ điểm danh, trong học bạ và lên các lớp cao hơn, cái tên "Gái" cứ mất dần.
Đến khi thi tốt nghiệp phổ thông trung học, Gái mới thấy sự tai hại của việc thay tên. Hồ sơ thi của cô bé không được chấp nhận do có sự khác biệt giữa tên trong giấy khai sinh và học bạ, chứng minh nhân dân, còn trong hộ khẩu thì tẩy tên Nguyễn Thị Gái thay thành Nguyễn Thị Hồng Huệ. Hoảng hốt, gia đình Gái lên Sở tư pháp xin cải chính nhưng khi người cán bộ hộ tịch xin hỏi tên gì, cô gái chỉ biết im lặng.
* Tự đổi họ cho con
Ở tận miền biển huyện Phù Mỹ, rất ít người biết việc ông Ngô Văn Thành cho con gái rượu của mình làm con nuôi ông Nguyễn Văn Muộn. Do sinh con nuôi khó nên vợ chồng ông Thành vừa sinh cháu chưa được ba ngày đem nhờ ông Muộn (dượng ruột) nuôi và đặt một cái tên họ khác là Nguyễn Thị Thắm. Việc đổi họ cho con gái, ông Thành chẳng đem ra UBND xã để làm thủ tục cho nhận con nuôi và trên thực tế, cháu Thắm vẫn chung sống bình thường cùng ông Thành (nhà gần nhau) và đăng ký thường trú tại đây. Được hỏi tại sao, ông Thành giải thích: "Con gái tôi khó nuôi, đau ốm quặt quẹo luôn nên chúng tôi làm lễ thay họ và cho dượng nuôi mới khỏe mạnh được"!.
Vì thế, từ khi vào lớp 1, cháu Thắm mang cho mình một họ khác là Nguyễn mặc dầu thực chất cháu họ Ngô. Từ ấy cái họ Nguyễn gắn chặt với cháu Thắm suốt những năm tháng học phổ thông. Khi có giấy báo vào đại học, đến công an làm thủ tục cắt khẩu chuyển vào trường, Thắm mới nhớ ra mình có họ Ngô. Lúc này Thắm mới chạy đôn đáo hết cơ quan này với cơ quan khác để xin cải sửa cái họ giữa lúc bạn bè đang nô nức vào trường…
* Trả lại tên cho em
Do cố ý hoặc vô tình, nhiều người đã đặt cho mình vào những tình huống éo le và có nhiều tên tuổi khác nhau. Bao rắc rối, phiền toái đã xảy ra và chính họ chịu thiệt thòi đầu tiên. Nguyễn Thị Gái bây giờ mới thấy hối hận vì sự bồng bột thơ ngây của mình. Còn ông Ngô Văn Thành thì vò đầu bứt tai: "Biết vậy, tôi cương quyết đổi họ cho cháu từ khi mới đi học"!
Nhằm khắc phục những tồn động và sai sót trên, Bình Định có chủ trương chọn năm 2003 làm năm thực hiện Đề án "Năm tập trung đăng ký khai sinh và kết hôn ". Qua khảo sát cho thấy, toàn tỉnh có trên 500 trường hợp các giấy tờ nhân thân của một con người có mâu thuẫn với nhau, có cả trường hợp em mượn tên, mượn tuổi của anh đi học. Đến nay, tỉnh đã cơ bản giải quyết sự tồn đọng mang tính "lịch sử" này. Mong rằng mọi công dân cần tuân thủ những nội dung đăng ký khai sinh hợp lệ, đừng bắt mình phải lao tâm khổ tứ trong hành trình tìm lại chính họ, tên của mình.
. Nguyễn Gia Hoàng |