Như chúng tôi đã đưa tin, đầu tháng 5 này, 13 lao động Bình Định đi xuất khẩu lao động ở Malaysia đã về nước do không có việc làm. Đây là những công nhân do Trung tâm Đào tạo lao động xuất khẩu (thuộc Công ty Xuất nhập khẩu Bình Định) tuyển dụng và đưa đi để làm công nhân xây dựng. Ngày 11-5, chúng tôi đã đến thôn Tùng Chánh (xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát), nơi ở của 13 lao động này và ghi lại những chuyện kể của họ về cuộc sống trong những ngày lao động ở Malaysia…
* Đi lao động nhưng không việc làm
|
Các lao động trở về từ Malaysia đang trao đổi với PV Báo Bình Định |
Chúng tôi đến nhà anh Lương Tiến Vinh gặp lúc anh đang nằm chơi với hai đứa con gái. Ngày anh đi, cháu nhỏ mới được 6 tháng tuổi, bây giờ đã giáp năm. Bà Trao, mẹ anh Vinh, sụt sùi: "Thấy hai anh em nó về tôi mừng, mà khóc". Anh Vinh cùng với người anh ruột của mình là Lương Minh Kịch cùng đi một chuyến, cùng ở một nơi và cùng trở về nhà vào ngày 1-5-2004.
Anh Lương Văn Sỹ, người cùng nhóm với anh Vinh, nói: "Ngày 15-11-2003 cả đoàn chúng tôi sang Malaysia để làm công nhân xây dựng cho Công ty HRH SDN. BHD tại Ram Butan - Ipoh - Perak. Chúng tôi đã ở Malaysia được gần 6 tháng nhưng thời gian làm việc thì chỉ khoảng 2 tháng và không hề được trả lương mà chỉ được chủ sử dụng lao động ứng tiền để ăn". Anh Vinh cho biết thêm: "Nhóm chúng tôi gồm 3 người, nấu cơm chung, mỗi lần ông chủ chỉ cho ứng 13-14 ringhit (RM, 1RM= 4.121 VND) đủ ăn chừng 3 đến 4 ngày. Hết rồi thì ứng tiếp. Nhưng mỗi lần ứng là bị chủ la".
Không việc làm, không tiền bạc những lao động này lâm tình vào trạng khốn khổ. Họ bị đổi chủ sử dụng nhiều lần, làm những công việc không đúng trong hợp đồng, bị chủ nhà đuổi ra khỏi nhà, phải đi ở nhờ, ngủ nhờ thậm chí phải ngủ trong rừng…
Khi những lao động thông báo tình hình khó khăn về Trung tâm Đào tạo lao động xuất khẩu (TT) đầu tháng 3-2004, TT đã cử người sang giải quyết và hỗ trợ tiền ăn cho họ đồng thời làm việc với công ty môi giới chủ sử dụng lao động để các công nhân này làm việc trong nhà máy. Tuy nhiên, những công nhân này không chấp nhận công việc mới và yêu cầu được đưa về nước.
Về lý do không làm việc mới, những lao động này lý giải: "Trong phụ kiện hợp đồng mà TT đưa cho chúng tôi vào đầu tháng 4 có ghi rõ là sẽ thu xếp công việc cho chúng tôi không chậm hơn ngày 8-4. Trong hợp đồng làm công nhân xây dựng phổ thông ký trước khi đi thì mức lương cơ bản là 26RM/ngày nhưng nếu vào làm công nhân nhà máy theo phụ lục hợp đồng mới thì chỉ còn 18,5RM/ngày. Nếu chúng tôi làm đủ 26 công/tháng thì sau ba năm làm việc trừ mọi chi phí, chúng tôi chỉ dư được 11 triệu, không đủ để trả nợ ngân hàng. Vả lại, chúng tôi được biết là công ty này chỉ nhận chúng tôi vào làm không thường xuyên, hết việc làm thì họ cho chúng tôi nghỉ ngay. Bởi vậy, chúng tôi quyết định về"...
Sau gần 7 tháng ở Malaysia, anh Nguyễn Văn Thanh biết được một số từ tiếng Anh. Trong cuộc nói chuyện với chúng tôi, anh Thanh cay đắng nhắc lại những từ tiếng Anh mà anh biết. "Tôi sợ tu-mó-rầu (tomorrow: ngày mai) lắm. Hỏi lương, việc làm thì lúc nào ông chủ cũng bảo "Ô kê! Tu-mó-rầu (Được! Ngày mai). Nhưng cái tu-mó-rầu đó là hàng tháng chờ đợi". Anh Thanh bức xúc: "Nghe đến chuỗi âm thanh này tôi cứ rợn cả người lên. Để có tiền đi xuất khẩu lao động phải bán bò, rồi lại vay ngân hàng. Bây giờ về thì trụi lủi mà tinh thần thì suy sụp. 2 tháng làm việc ở Malaysia việc gì tui cũng chấp nhận, khổ mấy cũng chịu được, vậy mà cũng không có việc làm".
Trong khi đó, bà Trần Thị Hạnh, mẹ của anh Đặng Hoàng Du, một trong 6 người còn ở lại Malaysia chờ việc, cho biết: "Con tôi gửi thư về cho biết: Trong mấy tháng đầu, tháng thì làm được 15 công, tháng được 19 công. Nhưng khi tới lấy tiền thì chủ không trả. Mới tuần trước, tui điện qua hỏi thì nó nói: tụi con 6 đứa ở lại giờ không có việc làm, má nhờ xã với Công ty giải quyết làm sao cho con về". Du là bộ đội xuất ngũ, được vay 20 triệu của Ngân hàng Chính sách xã hội để đi xuất khẩu lao động sang Malaysia.
* Không phải là tất cả, nhưng…
Ông Tô Thanh Nhã, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát cho biết: "Từ năm ngoái đến nay, xã chúng tôi đã có trên 30 người đi xuất khẩu lao động sang Malaysia. Đối với những người thất nghiệp mới trở về thì vấn đề nan giải nhất là khoản nợ vay ngân hàng. Khi ra đi, họ đều vay ngân hàng số tiền 17-20 triệu đồng/người.
Việc 13 lao động trong ngành xây dựng đi làm việc tại Malaysia ở Tùng Chánh mất việc về nước là do điều kiện khách quan tại Malaysia. Đây cũng là tình trạng chung của các lao động xuất khẩu ngành xây dựng tại Malaysia của cả nước. Tuy nhiên, không phải là tất cả các công trường xây dựng đều đình trệ và không phải lao động nào cũng khổ. Hiện nay, tại nước bạn nhiều công nhân vẫn tiếp tục làm việc và có thu nhập gởi về gia đình. Vấn đề đặt ra ở đây đối với các công ty tuyển dụng là khi lựa chọn các đơn hàng cần phải khảo sát kỹ các điều kiện làm việc, ăn ở... cho người lao động, cũng như cách thức quản lý lao động của cả hai bên chủ sử dụng lao động và công ty tuyển dụng lao động và giải quyết vấn đề khi xảy ra rắc rối cho người lao động.
Những ngày này, người dân Tùng Chánh rất hoang mang, thậm chí không ít người hoài nghi về chủ trương XKLĐ của tỉnh. XKLĐ là chủ trương lớn, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân, do vậy, cần nhanh chóng làm rõ trách nhiệm các bên liên quan và sớm giải quyết vụ việc này để ổn định tâm lý của người dân địa phương và ổn định dư luận.
. Hà - Thọ
Ông Mai Viết Khai, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán, Trưởng ban Quản lý lao động VN tại Malaysia: "Những khó khăn hiện nay chủ yếu rơi vào số công nhân xây dựng do các công trình ở đây thường nhỏ, tản mát, không ổn định; mặt khác lao động ta lại không có nghề... Trong khi đó, sinh hoạt trong khu vực nhà máy lại khá ổn định (trừ một số nhà máy chế biến gỗ thô do nằm trong rừng, điều kiện ăn ở tồi). 70.000 lao động VN hiện vẫn đang hài lòng với cuộc sống ở đây. Theo tôi, không nên đưa lao động làm nghề xây dựng sang đây nữa. Còn làm nhà máy thì tránh những nhà máy ở xa, chỗ hẻo lánh hoặc doanh nghiệp chế biến gỗ thô dễ rủi ro. Lương ở Malaysia không cao so với các thị trường khác nên phải xác định đi Malaysia chỉ là để xóa đói nghèo chứ không phải làm giàu!". | |