Bước vào năm học mới 2004-2005, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị 40 về việc chỉ đạo "Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục". Chỉ thị nêu rõ: "Phát triển GD-ĐT là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, là điều kiện để phát huy nguồn lực con người".
|
Các học sinh chuẩn bị bước vào năm học mới 2004-2005 (ảnh: Cát Hùng) |
Đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, trong đó nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là lực lượng nòng cốt, có vai trò quan trọng.
Đánh giá về thành tựu của giáo dục, Đảng ta khẳng định: "Những năm qua, chúng ta đã xây dựng được một đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ngày càng đông đảo, phần lớn có phẩm chất đạo đức và ý thức chính trị tốt, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng được nâng cao. Đội ngũ này đã đáp ứng quan trọng vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần vào thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng của đất nước.
Tuy nhiên, trước những yêu cầu mới của sự phát triển giáo dục trong thời kỳ CNH-HĐH, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có những hạn chế, bất cập: số lượng giáo viên vừa thiếu lại vừa thừa. Cơ cấu giáo viên mất cân đối giữa các môn học, các vùng, miền. Chất lượng chuyên môn có mặt chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và phát triển xã hội. Phương pháp giảng dạy chậm được đổi mới. Một bộ phận nhà giáo thiếu gương mẫu trong đạo đức, lối sống, nhân cách. Năng lực của đội ngũ quản lý chưa ngang tầm với yêu cầu phát triển giáo dục trong giai đoạn mới. Chế độ chính sách còn một số điểm bất hợp lý…
Để đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH, Đảng ta chỉ đạo ngành giáo dục phải tăng cường xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục một cách toàn diện, mà mục tiêu cơ bản là: "Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được chuẩn hóa, đảm bảo chất lượng, đủ số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, lối sống, lương tâm, tay nghề của nhà giáo; thông qua việc quản lý, phát triển đúng định hướng và có hiệu quả sự nghiệp giáo dục để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp CNH-HĐH đất nước". Trước mắt, cần tập trung thực hiện tốt 6 nhiệm vụ cơ bản sau đây:
Một là, củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống các trường sư phạm, các trường cán bộ quản lý giáo dục. Phương hướng củng cố của các trường là xây dựng kế hoạch đào tạo hợp lý, tham gia vào việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy. Đặc biệt là đào tạo giáo viên ở các môn học còn thiếu. Nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng của hệ thống các trường sư phạm, trường cán bộ quản lý giáo dục, trường đại học, trường cao đẳng…
Hai là, tiến hành rà soát, sắp xếp lại đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm đủ số lượng và cân đối về cơ cấu; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Thực hiện nhiệm vụ này, trước hết là các cấp ủy đảng và cán bộ quản lý giáo dục từng cấp, phải tự rà soát và đánh giá đúng thực trạng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý một cách toàn diện, từ tư tưởng đến đạo đức, chuyên môn… để xem xét trong đội ngũ giáo viên số nào đáp ứng được yêu cầu, số giáo viên còn hạn chế, số giáo viên không đáp ứng được yêu cầu để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lại, hoặc luân chuyển công tác khác, hay giải quyết nghỉ hưu trước tuổi.
Ba là, đẩy mạnh việc đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục theo hướng hiện đại và phù hợp với thực tiễn đất nước ta. Tiếp tục điều chỉnh hợp lý nội dung chương trình từng cấp học phù hợp với tâm sinh lý của học sinh. Đổi mới mạnh mẽ và cơ bản phương pháp giáo dục gắn với ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động dạy và học nhằm kích thích tư duy sáng tạo, bồi dưỡng năng lực tự học, tự nghiên cứu, tự giải quyết vấn đề, phát triển năng lực thực hành sáng tạo cho người học, đặc biệt là sinh viên các trường đại học, cao đẳng.
Bốn là, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quản lý đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Rà soát và hoàn thiện cơ chế, chính sách và những văn bản quy phạm, quy định về xây dựng, quản lý đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo hướng tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, quản lý chặt chẽ các loại hình đào tạo, kiên quyết xóa nạn văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp; giải quyết những vấn đề bức xúc về giáo dục đang đặt ra và đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục.
Năm là, xây dựng và hoàn thiện một số chính sách, chế độ đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Bổ sung và hoàn thiện các quy định, chính sách, chế độ về bổ nhiệm, sử dụng, đãi ngộ, kiểm tra, đánh giá đối với các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhằm tạo động lực thu hút, động viên đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục toàn tâm, toàn ý phục vụ sự nghiệp giáo dục.
Sáu là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Các cấp ủy đảng phải tăng cường lãnh đạo cả hệ thống chính trị ở từng cấp trong việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục làm cho nhân dân và toàn xã hội nhận thức rõ vai trò quan trọng hàng đầu của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước và từng địa phương. Từ đó, nâng cao trách nhiệm góp phần xây dựng một nền giáo dục phát triển lành mạnh - hiệu quả cao.
. Bá Nguyên |