Thú chơi chim yến Canary ở Quy Nhơn
18:32', 22/4/ 2003 (GMT+7)

               Chim yến Canary

Nếu như cách đây 15 năm, đi một vòng quanh Quy Nhơn mới đếm được chừng mươi người nuôi chim yến Canary (như thầy Long ở trường Đống Đa, chú Dư ở Bạch Đằng, anh Phong ở đường Lý Tự Trọng…), thì hiện nay số người nuôi dưỡng loài chim được mệnh danh “nhạc sĩ của phòng khách” này đã tăng gấp trăm lần, bao gồm các thành phần từ bậc cao niên đến lớp trẻ tuổi. Và không thể nào “đi một ngày đàng…” mà tham quan cho hết được bởi số lượng chim với nhiều chủng màu phong phú cùng giọng hót diễn đạt được nhiều tiết tấu cũng tăng theo tương ứng.

Sở dĩ Quy Nhơn phát triển mạnh loài chim này vì vóc dáng của yến Canary nhỏ nhắn, mỹ miều hơn so với các dòng chim hót có nguồn gốc khai thác tự nhiên từ rừng núi như hoạ mi, khứu, chích choè… Thức ăn chính của yến là hạt kê, hạt cải, hạt mè cùng thực phẩm khô như bánh bít-cốt và với một ít xà lách tươi non, có thể chế biến một lần để dành trong thời gian dài. Mặt khác, tiếng hót của yến trống lại mang một tần số âm lượng vừa phải và tạo ra một hấp lực từ phong cách biểu diễn rất riêng, rất gần với nội tâm lắng đọng của người nghe! Khả năng giải phóng mệt nhọc khỏi thể trạng, làm quân bình cán cân tâm lý khi stress xuất hiện là điều không ai phủ nhận. Với thiên hướng thính phòng và là một liều thuốc bổ âm nhạc như vậy nên loài chim được con người thuần dưỡng từ 4 thế kỷ qua đã chiếm ưu thế nổi trội trong văn hoá giải trí hiện nay.

Chúng tôi vừa gặp anh C., trú tại đường Bạch Đằng. Mỉm nụ cười vẻ sành điệu anh nói: “Em chỉ nuôi 1, 2 con hoàng yến để nghe chúng “nhả tiếng đàn” vào mỗi lúc sáng sớm và mỗi khi đi làm về. Việc này đã trở thành thói quen trong 6 năm qua ở gia đình em. Ai chưa từng nuôi yến hãy nuôi thử 1 con, chi phí thấp và dễ nuôi thôi. Với phụ nữ ư? Phụ nữ hay… phụ nam theo em đều nuôi tốt cả!”

Những người có tuổi trong nghề nuôi chim Canary thành công ở Quy Nhơn phải kể đến anh X. ở đường 1/5, anh P. ở đường Trần Hưng Đạo, anh H. ở Lý Tự Trọng và nhiều người khác như anh D., chị Ch., anh T. ở Hoài Nhơn, Tuy Phước, An Nhơn… Những người này xem điều thú vị và tế nhị nhất của nghề là nuôi chim sinh đẻ: lai tạo màu sắc và luyện giọng hót - một vấn đề mang tính di truyền học.

Để ghép đôi hoàn hảo một cặp chim yến theo kiểu “thuận vợ thuận chồng…” hoàn toàn không phải là việc vô tư như thả một chú gà trống với bất kỳ gà mái nào! Anh T. ở chợ Dinh nói rằng: “Vì lợi ích ghép đôi để có được màu sắc hoặc giọng hót chủ động, ta phải dùng đến một số “chiêu thức” nhà nghề như luật di truyền, cao trào của mái trong thời kỳ động dục, giọng hót của chim trống (bản tình ca quyến dụ) gây “phê” đến mức nào khi mái im nghe… Bởi thông thường chim mái chỉ chịu tiếng sét ái tình với một chim yến trống nào đó mà thôi!” Còn anh H. ở phố Lý Tự Trọng thì tiết lộ: “Tôi có 12 cặp chim giống nuôi theo chế độ sinh sản, thực phẩm đặc biệt hơn dành cho “người nằm chỗ” như xà lách xon, táo và lòng đỏ trứng cút luộc thật chín. Mỗi lứa tôi thu bình quân trên 30 chim non với chu kỳ 42 ngày. Mỗi năm 1 cặp cho đẻ từ 4 đến 5 lứa. Tôi luôn hài lòng với tích số này… Khoảng gần 2 tháng tuổi, yến trống con đã phát đi giọng “lý” đầu tiên. Và được tách nuôi lồng tập thể riêng chỉ toàn trống để nghe “nhạc trưởng có bằng cấp” tập hót; giá chim trống luôn cao hơn chim mái.”

Cũng theo anh H. Một con chim non yến có giá trị bình quân là 50 ngàn đồng. Vậy là trong vòng chưa đầy 1 tháng rưỡi anh đã doanh thu 1,5 triệu đồng. Và “đầu ra” chính là các cửa hàng bán chim cảnh ở chợ chim trên đường Lý Thường Kiệt (Quy Nhơn). Lực lượng tiêu thụ là những người nuôi chơi rất đông ở khắp mọi miền đất nước! Một chủ nuôi chim cho biết thêm, 50 ngàn đồng/con là đối với chim có bộ trang phục màu vàng hoặc trắng, màu panaché hoặc agate xanh. Nếu màu nền toàn thân là màu hồng thì phải nằm ở giá 100 ngàn/con. Chưa kể đến các màu “ảo diệu” khác như nền trắng chấm đỏ (mosaic), màu cà rốt (frost) hoặc cà phê sữa thì giá còn cao hơn nữa.

Tuy vậy, chúng tôi vẫn thấy rằng để có 1 dòng chim nòi với mục đích mang nhiều phẩm chất tốt đẹp hơn so với tổ tiên của chúng từ màu sắc, dáng vóc cùng giọng hót điêu luyện - hãy còn là một mã số cần giải. Để giải phép tính này, nghĩa là muốn đạt đến nghệ thuật “pha màu” và sáng tạo những trường đoạn giao hưởng mới mẻ cho chim yến, ngoài việc tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn uống, chăm sóc vệ sinh và môi trường sống - còn một điều quan trọng không kém là áp dụng phổ biến luật di truyền (của Mendel) trong nuôi sinh sản, nhằm mang tính công nghiệp và hiệu quả kinh tế cao hơn.

. Trần Hoàng

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
HLV Riedl sẽ dẫn dắt tuyển U23 từ tháng 7  (22/04/2003)
Tay đua Trịnh Quốc Đạt về đích đầu tiên  (21/04/2003)
Bình Định vượt chỉ tiêu đòi nợ Đà Nẵng  (20/04/2003)
Cây Sanh - bước khởi đầu của sự nghiệp  (20/04/2003)
Bình Định sẽ đòi nợ?  (18/04/2003)
Kiến tạo một hành trình văn hóa  (17/04/2003)
Những cuộc đua tranh bên lề sân cỏ  (16/04/2003)
Danh họa Goya và những khát vọng tự do  (15/04/2003)
Việt Nam lần đầu tiên tổ chức giải vô địch thế giới Vovinam  (15/04/2003)
Làng Tuồng Nhơn Hòa  (13/04/2003)
Xung quanh ngôi mộ cổ vừa phát hiện ở Tây Sơn  (11/04/2003)
Kinh Dương Vương - Tiền phong dựng nước, tìm đường định đô  (10/04/2003)
Chỗ thiếu của đội Bình Định  (10/04/2003)
Dệt thổ cẩm - Nghề truyền thống của người Ba na đang mai một  (09/04/2003)
Nhìn lại lượt đi V-League 2003  (08/04/2003)