Trước thềm Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp khu vực miền Trung
16:23', 2/5/ 2003 (GMT+7)

Từ ngày 5 đến 13-5-2003, tại thành phố Đà Nẵng sẽ diễn ra Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp (SKCN) khu vực miền Trung (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ Văn hóa, tổ chức. PV Báo Bình Định đã trao đổi với lãnh đạo Sở VH-TT tỉnh và 2 đơn vị SKCN của tỉnh về quá trình chuẩn bị tham dự Liên hoan này.

* Ông Nguyễn An Pha - Phó Giám đốc Sở VHTT tỉnh:

Ngoài Hội diễn SKCN toàn quốc được tổ chức định kỳ 5 năm một lần, Liên hoan SKCN được Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam và Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp tổ chức lần lượt ở các khu vực, nhằm mục đích kiểm tra nghệ thuật, cũng như tạo điều kiện để giới nghệ sĩ sân khấu trong nước giao lưu, học tập lẫn nhau; thúc đẩy hoạt động sân khấu được liên tục với sự tập trung đầu tư nghiêm túc, có kế hoạch chặt chẽ, có định hướng phát triển; đồng thời cũng tạo sân chơi cho giới nghệ sĩ sân khấu thi thố, phô diễn tài năng…

Sở VHTT tỉnh đã tạo mọi điều kiện để 2 đơn vị SKCN của tỉnh tham dự Liên hoan, với yêu cầu là phải dàn dựng vở diễn tốt cả về nội dung và hình thức; phù hợp với sở trường của bộ môn, của từng đơn vị; chủ đề của vở diễn phải mang hơi thở của cuộc sống đương đại.

Với Nhà hát tuồng Đào Tấn, đến với Liên hoan phải ghi cho được dấu ấn của một nhà hát truyền thống đã và đang làm tốt công tác bảo vệ, kế thừa tinh hoa văn hóa dân tộc; có bước phát triển mạnh mẽ, phù hợp với sân khấu cả nước. Giới thiệu được một đội ngũ nghệ sĩ đang khẳng định vị trí trên sân khấu; giới thiệu cái hay, cái độc đáo của Hát Bội Bình Định với phong cách tuồng Đào Tấn…

Với đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định cũng vậy. Phải thể hiện được quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc, có sự phát triển rõ nét trong nghệ thuật, khẳng định sự vững vàng về khả năng của đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên; cùng với triển vọng của một lớp nghệ sĩ trẻ còn đang ngồi trên ghế nhà trường nghệ thuật…

Chúng tôi hy vọng qua Liên hoan sẽ giới thiệu được sự phát triển về nhiều mặt của sân khấu truyền thống Bình Định.

* NSƯT Hòa Bình - Giám đốc Nhà hát Tuồng Đào Tấn

Để tham dự Liên hoan, Nhà hát chúng tôi đã đọc 3 kịch bản của 3 tác giả. Sau khi cân nhắc, chúng tôi chọn dàn dựng vở “Mộng bá vương” (tác giả: Văn Trọng Hùng; đạo diễn: NSND Nguyễn Ngọc Phương; biên đạo múa: NSND Đặng Hùng; âm nhạc: NSƯT, nhạc sĩ Đào Duy Kiền và Nguyễn Gia Thiện; thiết kế mỹ thuật: họa sĩ Song Hào) vì đây là vở diễn theo phong cách tuồng truyền thống, phù hợp với sở trường của nhà hát và anh chị em nghệ sĩ. Mặc dù cốt truyện Trung Quốc (Hán-Sở tranh hùng) nhưng chủ đề của vở diễn mang tính thời sự, nói được những điều với hôm nay qua vấn đề dùng người như thế nào… Các diễn viên chính trong vở gồm: NSƯT Văn Vỹ vai Lưu Bang; NSƯT Minh Ngọc – Hạng Vũ; NSƯT Xuân Hợi – Hàn Tín; Nghệ sĩ Lệ Quyên – Ngu Cơ…

Qua 45 ngày đêm lao động nghệ thuật miệt mài dưới sự dàn dựng của đạo diễn, NSND Nguyễn Ngọc Phương và ê kíp sáng tạo, đến nay vở diễn đã hoàn tất, sẵn sàng tham dự Liên hoan. Cũng xin được nói thêm, NSND Nguyễn Ngọc Phương là một đạo diễn dày dạn kinh nghiệm, đã từng dàn dựng 240 vở diễn (phần lớn là tuồng và cải lương). Tuy đã ở vào tuổi 75 nhưng ông làm việc rất nhiệt tình, nghiêm túc, bài bản, khoa học… Qua thời gian làm việc với ông, từ lãnh đạo đến anh chị em nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công của nhà hát đều cảm thấy tay nghề của mình được nâng lên rất nhiều, cả trong nhận thức nghệ thuật, công tác tổ chức nghệ thuật, lòng yêu nghề… Các nghệ sĩ, diễn viên đều thể hiện được khả năng của mình trong vở diễn; nhân vật nào cũng có “trò diễn” của riêng mình.

Nhà hát tuồng Đào Tấn tham dự Liên hoan SKCN khu vực miền Trung bằng một vở diễn được chuẩn bị chu đáo, với mong muốn giới thiệu một nhà hát đang phát triển về nhiều mặt, lao động nghệ thuật hết sức nghiêm túc, có trách nhiệm với nghề nghiệp của mình, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của bộ môn nghệ thuật tuồng Việt Nam. Đây cũng là điều tâm đắc nhất của chúng tôi khi đến với Liên hoan SKCN lần này.

* Nghệ sĩ Trần Văn Tới - Trưởng đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định

Đoàn Ca kịch bài chòi mang đến Liên hoan vở “Đứa con tôi” (tác giả: Sĩ Hanh, đạo diễn: NSƯT Hoài Huệ, âm nhạc: Nhạc sĩ Hoàng Hải, thiết kế mỹ thuật: Họa sĩ Vũ Hoàng Linh). Các nghệ sĩ nòng cốt trong vở diễn gồm: NSƯT Hồ Thu, Minh Hoàng, Tấn Hào, Vương Đạo, Thiên Chi, Băng Châu… Đặc biệt còn có 6 học sinh khoa Ca kịch bài chòi trường VHNT tỉnh tham gia biểu diễn để các em tiếp cận với SKCN, phát huy được những điều đã học ở trường lớp… Vở “Đứa con tôi” là một vở diễn đề tài hiện đại, mang tính xã hội, đề cao tính nhân nghĩa trong cuộc sống, kêu gọi sự quan tâm chăm sóc đối với trẻ em lang thang, cơ nhỡ… Đây là vở có nhiều đất diễn cho diễn viên. Do được dàn dựng từ tháng 1-2003, vở diễn đã qua thử thách trong quần chúng khán giả với trên 20 buổi diễn trong dịp Tết vừa qua; anh chị em diễn viên cũng đã nhuần nhuyễn với vai diễn của mình.

Thông qua Liên hoan, anh chị em nghệ sĩ, diễn viên đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định sẽ có điều kiện giao lưu, học hỏi, nâng cao khả năng nghệ thuật và động viên lòng yêu nghề, gắn bó với nghề. Chúng tôi hy vọng sẽ đạt được kết quả tốt đẹp tại Liên hoan.

. Thúy Vi

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Một cuộc giao hòa tuyệt diệu của âm nhạc dân tộc  (01/05/2003)
Bình Định đoạt hết các giải thưởng tháng 4 của V-League  (01/05/2003)
Lịch tập huấn mới của đội tuyển bóng đá nam, nữ  (28/04/2003)
Một trận cầu sôi động   (27/04/2003)
Trận thư hùng giữa các cầu thủ Thái Lan   (28/04/2003)
15 năm ấy biết bao nhiêu là tình  (24/04/2003)
Nhà ảo thuật Phan Ngọc Thanh với ước mơ hiện đại hóa sân khấu truyền thống  (23/04/2003)
Thú chơi chim yến Canary ở Quy Nhơn   (22/04/2003)
HLV Riedl sẽ dẫn dắt tuyển U23 từ tháng 7  (23/04/2003)
Tay đua Trịnh Quốc Đạt về đích đầu tiên  (21/04/2003)
Bình Định vượt chỉ tiêu đòi nợ Đà Nẵng  (20/04/2003)
Cây Sanh - bước khởi đầu của sự nghiệp  (20/04/2003)
Bình Định sẽ đòi nợ?  (18/04/2003)
Kiến tạo một hành trình văn hóa  (17/04/2003)
Những cuộc đua tranh bên lề sân cỏ  (16/04/2003)