Ghi nhận từ Liên hoan tiếng hát Phát thanh - Truyền hình Bình Định lần thứ 4
17:48', 12/6/ 2003 (GMT+7)

Hưởng ứng giải Sao Mai toàn quốc lần thứ 4, trong ba ngày 6, 7, 8-6-2003, Đài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) Bình Định đã tổ chức thành công Liên hoan tiếng hát PT-TH Bình Định lần thứ 4 năm 2003 với 88 tiết mục của 44 thí sinh ở 14 đơn vị trong tỉnh tham dự liên hoan.

Đây là sân chơi lớn để các bạn trẻ yêu âm nhạc của tỉnh nhà được giao lưu trao đổi, qua đó phát hiện, bồi dưỡng những giọng hát hay tham gia giải Sao Mai toàn quốc, làm phong phú các chương trình âm nhạc trên sóng phát thanh và truyền hình, góp phần thúc đẩy phong trào ca hát quần chúng lành mạnh, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ở khắp các địa phương, ban ngành trong tỉnh. Ngoài một số giọng ca mới, nhiều giọng ca quen thuộc từng tham gia các kỳ liên hoan trước theo qui định vẫn được tiếp tục tham gia ở liên hoan lần này, như Châu Quốc Cường (đơn vị Công an tỉnh), Nguyễn Công Trứ (Trường VHNT Bình Định), Nguyễn Tường Vỹ (Quy Nhơn), Nguyễn Thị Thu Đông, Đinh Thị Mãnh (Vân Canh), Nguyễn Thị Cúc (Vĩnh Thạnh)... Ở liên hoan lần này xuất hiện nhiều gương mặt trẻ với nhiều chất giọng mới, cùng một số giọng ca ở các trường học được phát hiện, bồi dưỡng qua phong trào tiếng hát hoa phượng đỏ do ngành PTTH tổ chức.

So với các kỳ liên hoan trước, năm nay khâu chuẩn bị của Ban tổ chức từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở đều có sự đầu tư và phối hợp khá chặt chẽ. Một số đơn vị ở các lần trước chưa chuẩn bị kỹ thì lần này đã tổ chức tốt, có đơn vị đạt chất lượng đáng khích lệ như: TP Quy Nhơn, Trường VHNT, Phù Mỹ, Tuy Phước, An Nhơn… Về số lượng thí sinh, đặc biệt ở vòng sơ khảo của các đơn vị huyện - thành phố năm nay khá đông. Một số đơn vị như: TP Quy Nhơn, An Nhơn, Vĩnh Thạnh… có số thí sinh đăng ký vượt trội so với mọi năm, song đến vòng chung kết thì số lượng thí sinh và kể cả chất lượng cũng có phần giảm sút.

Tiếc rằng có một số đơn vị từng đạt thành tích cao ở các kỳ liên hoan trước thì nay lại không tham gia, như: ngành Y tế, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ đội biên phòng Bình Định; hoặc một số ngành mặc dù có phong trào ca hát khá nhưng cũng không tham gia như: Giáo dục, trường Cao đẳng Sư phạm, Ngân hàng… Song không vì thế mà kết quả chung của liên hoan bị ảnh hưởng. Nhiều đoàn nhờ chọn bài hát phù hợp và biết tận dụng thế mạnh của mình nên đã đóng góp cho liên hoan nhiều tiết mục hay, như: Trường VHNT, TP Quy Nhơn, Công an Bình Định… Một số thí sinh mạnh dạn trình bày những bài hát mới với sự tìm tòi nghiên cứu kỹ nên đã đạt được kết quả cao, như tiết mục đoạt giải nhất của Châu Quốc Cường với bài Văn Miếu của nhạc sĩ Vũ Trung, lời thơ Trần Xuân Toàn. Đài PT-TH Bình Định, ngoài việc tường thuật trực tiếp buổi khai mạc và bế mạc liên hoan, còn dàn dựng phát trên hai sóng phát thanh và truyền hình ngay sau đêm khai mạc, và sẽ tiếp tục giới thiệu các tiết mục còn lại trong thời gian tới.

Phần lớn các bài hát thể hiện qua liên hoan lần này đều có nội dung về Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu tuổi trẻ… đậm chất trữ tình. Điều đáng mừng là tiếng hát của các thí sinh qua hội thi không bị pha trộn những trào lưu âm nhạc ngoại lai, đang thẩm lậu khá nhiều. Phần lớn các tiết mục đoạt giải cao đều là những bài hát mang âm hưởng dân ca, đậm đà bản sắc dân tộc. Ngược lại, cũng có một số đơn vị do việc chọn bài cho thí sinh còn chưa phù hợp, nhiều bài vượt quá khả năng biểu diễn của thí sinh, tạo sự căng thẳng, thiếu tự tin khi thi.

Ở góc độ mặt bằng chung, độ tuổi trung bình của thí sinh dự thi lần này có trẻ hơn, song chất lượng vẫn chưa cao, vẫn chưa có hạt nhân mới, thiếu sự bứt phá, vượt trội so với các kỳ liên hoan trước. Nhiều thí sinh có chất giọng tốt, nhưng kỹ thuật thanh nhạc, kinh nghiệm biểu diễn còn yếu; nếu được phát hiện bồi dưỡng sớm sẽ là những hạt nhân tốt cho phong trào văn nghệ ở các địa phương. Đây là một trong những điểm yếu của phong trào ca hát ở Bình Định. Nếu có được sân chơi thường xuyên hơn, có được sự rèn luyện, cọ xát thường xuyên hơn ở cơ sở thì chắc chắn phong trào sẽ có nhiều đổi khác. Đây không chỉ là điều mong mỏi của Ban tổ chức Liên hoan tiếng hát PT-TH Bình Định mà còn là điều mơ ước của đông đảo giới trẻ yêu âm nhạc tỉnh nhà.

. Mai Thìn

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Vòng chung kết Cúp quốc gia 2003 sẽ là một bữa tiệc bóng đá  (11/06/2003)
Gia phong trong văn hóa gia đình người Việt  (10/06/2003)
Bình Định đòi được nợ!  (08/06/2003)
Cuộc tái đấu giữa cặp kỳ phùng địch thủ  (06/06/2003)
Gò Cây Ké - Một địa chỉ gốm Champa tiềm ẩn  (05/06/2003)
Nhà Rông và nhà Rông văn hóa  (04/06/2003)
An Trung mở đầu mùa lễ hội  (03/06/2003)
Nở rộ băng, đĩa vi phạm bản quyền  (02/06/2003)
Đáng tiếc cho Bình Định!  (01/06/2003)
"Mẹ ơi đừng đánh con đau"  (30/05/2003)
Ngựa ô lại tung vó!  (30/05/2003)
Ngôi thứ đã phân định!  (27/05/2003)
Mừng đón đội Bình Định thắng trận trở về  (26/05/2003)
Sức mạnh Bình Định đã được chứng tỏ  (25/05/2003)
Lại khó cho Bình Định!  (23/05/2003)