Đôi nét về hai cổ vật Chămpa đưa đi triển lãm tại Áo và Bỉ
17:2', 30/6/ 2003 (GMT+7)

Trong số các tác phẩm nghệ thuật, hiện vật lịch sử thuộc 13 Bảo tàng Việt Nam sẽ được đưa đi trưng bày triển lãm tại hai quốc gia Áo và Bỉ với chủ đề "Việt Nam - Quá khứ và hiện tại", từ tháng 9-2003 đến 10-2004 do Bảo tàng Lịch sử nghệ thuật Viên (Áo) và Bảo tàng Hoàng Gia về nghệ thuật và lịch sử Bruxelles (Bỉ) tổ chức, có hai cổ vật vào loại độc đáo nhất của nền nghệ thuật điêu khắc Chămpa tại Bình Định của Bảo tàng Bình Định.

* Phù điêu Nữ thần Mahisamardini

Đây là tác phẩm điêu khắc đá Chămpa được phát hiện vào tháng 5-1989 tại gò tháp Gãy (phế tháp) thuộc khu vực núi Cấm, xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn). Bức phù điêu này là một trong những tác phẩm điêu khắc vào loại đẹp. Hình tượng thể hiện trên phù điêu là Nữ thần Mahisamardini hay còn gọi là Bhagavati hoặc Nữ thần Uma – vợ của thần Siva, hay là mặt âm tính của thần Siva. Thần Siva là một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo là Brahma-Visnu và Siva. Nữ thần được thể hiện trên một phiến đá hình lá đề (Typam). Loại hình Typam thường dùng trang trí vòm cửa chính của tháp hoặc có thể dùng gắn thờ trong lòng tháp.

Phù điêu cao 1,27m, rộng 1,15m, thể hiện một phụ nữ đang múa trong tư thế 2 chân chùng xuống, tay trái chống hông, tay phải cầm mũi tên. Tám tay phụ như mọc ra từ phía sau lưng vũ nữ, uyển chuyển nhịp nhàng trong những động tác múa khác nhau. Hai tay phụ trên cùng cầm lấy nhau. Sáu tay phụ kia, mỗi tay cầm một vật: tù và, cánh cung, cây trượng. Ở bên trái: chuông nhỏ, đoản kiếm, chiếc giáo. Người phụ nữ đang múa trên mình 2 con thủy quái Makara. Nữ thần để mình trần. Từ thắt lưng, một dải vải chảy dài xuống hơi bay về phía sau và một dải vải khác uốn cong ở phía trước, vắt qua hai đùi. Mái tóc của nữ thần búi cao thành hình chóp được giữ ở bên dưới bằng vương miện hẹp có 5 hình hoa nhọn đầu dính vào và được trùm lên bằng tấm bọc hình chóp mà phần dưới có những ô để lộ ra những chuỗi tóc. Cổ tay và bắp tay đeo những vòng trang trí nạm ngọc.

Trong thần thoại Ấn Độ, ở hình tượng này, đây là một trong những lần hóa thân nổi tiếng nhất của nữ thần Uma. Theo truyền thuyết Chămpa, ngày xưa, nhân dân Chămpa đã vô cùng khốn đốn với sự phá phách của một ác quỷ Dra-Sakti. Các vị thần đã nhiều phen hợp nhau lại để diệt trừ ác quỷ cứu nguy cho dân nhưng không một ai có đủ sức mạnh để làm được việc này. Mọi người bèn cầu cứu Nữ thần Uma. Nữ thần đã hóa ra nhiều cánh tay, trong mỗi bàn tay đều cầm một binh khí. Với lần hóa thân này, nữ thần Uma đã diệt được ác quỷ, đem lại bình yên cho nhân dân. Vì vậy, đây là vị thần rất được sùng kính ở vương quốc Chămpa và người dân Chămpa còn gọi là Mẹ Xứ sở (Yen Pu Nưgara) hoặc Pô Naga.

* Phù điêu Nam thần Brahma

Bức phù điêu này được phát hiện trong quá trình tu sửa tháp Dương Long (Tây Sơn) năm 1985. Do được chôn cất bảo quản khá cẩn thận dưới lòng đất nên khi tìm được còn nguyên vẹn. Nam thần được thể hiện trên một phiến đá hình lá đề, cao 1,3m, rộng 0,85m, có 3 đầu 8 tay trong tư thế hai chân chùng xuống, bành hai đầu gối khá mạnh ra 2 bên. Mặt chính giữa thể hiện đầu thần đội mũ chóp nhọn. Gương mặt phương phi, trán rộng, mắt nhỏ dài, cung mày cong, sống mũi cao, miệng rộng, môi dầy, cằm vuông, cổ ngắn, vòng cổ đeo trang sức gồm 2 dải chấm tròn to kết chuỗi, buông thả trước ngực, vai vuông, từ vai ló ra 2 mặt phía sau nhìn nghiêng. Ngực rộng nở, thân thon chắc. Hai tay chắp trước ngực, cánh tay và cổ tay đeo vòng trang sức. Quanh bụng quấn Sampót. Hai mặt tượng 2 bên nhìn nghiêng thể hiện tương tự như mặt chính diện với mũ chóp nhọn, gương mặt thanh tú. Từ hai cánh tay chính tỏa ra sáu cánh tay phụ. Trong tay cầm các vật tượng trưng như bông sen, quả chùy, dao găm. Cổ tay đeo vòng trang sức. Phía sau thần là những vầng hào quang hình gợn mây làm nền cho tượng thêm sang trọng.

Trong truyền thuyết của người Chămpa, thần Brahma là vị thần sinh ra từ một hoa sen mọc từ rốn của thần Visnu, khi thần Visnu đang nằm trầm tư trên lưng con rắn Sexa trôi bồng bềnh trên biển vũ trụ. Thần Brahma nguyên thủy có 5 đầu nhưng bị thần Siva hủy diệt mất một nên chỉ còn lại 4 đầu, cái đầu phía sau thường là bị che khuất, vì thế mà thần còn có tên là thần 4 đầu (Cha-tua A-na-na) hay 4 mặt (Cha Tua Mukha). Thần Brahma được mệnh danh là thần sáng tạo, là vị chỉ huy, quyền năng vô cùng, chính vị thần này đã điều hòa các nghiệp kiếp cho chúng sinh…

Hai tác phẩm điêu khắc đá Chămpa nói trên, niên đại thế kỷ XII, có giá trị mỹ thuật cao với ngôn ngữ tạo hình uyển chuyển và sống động, hình khối gọn khỏe, tỷ lệ cân đối, chạm khắc tinh xảo trau chuốt mang nhiều yếu tố mỹ thuật truyền thống trong nghệ thuật điêu khắc Chăm. Đây là hai cổ vật thuộc loại quí hiếm của Bảo tàng Bình Định. Việc đưa đi triển lãm tại Áo và Bỉ sẽ góp phần giới thiệu chiều dày văn hóa của tỉnh Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung.

. Hồ Thùy Trang

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
HLV Dương Ngọc Hùng: Chúng tôi đang có cơ hội rất thuận lợi  (30/06/2003)
Sandro - sự trở lại đầy ấn tượng  (29/06/2003)
Ngân hàng Đông Á vào chung kết Cúp quốc gia 2003  (29/06/2003)
Sandro đưa Bình Định vào chung kết  (28/06/2003)
Cúp quốc gia sẽ được diễn ra trong trật tự, an toàn  (27/06/2003)
Bình Định vô địch cúp quốc gia - Tại sao không?  (27/06/2003)
Niềm hy vọng từ một lớp diễn viên trẻ   (26/06/2003)
Kiên Mỹ, làng văn hóa  (24/06/2003)
Không đoạt Huy chương, đội Bình Định vẫn làm vui lòng khán giả  (22/06/2003)
Đội Bình Định đoạt giải nhất toàn đoàn  (22/06/2003)
Bình Định đoạt Huy chương đồng, tại sao không?   (20/06/2003)
3 gương mặt xuất sắc qua Liên hoan Tiếng hát Phát thanh - Truyền hình lần thứ 4  (19/06/2003)
Cơ hội đoạt cúp lần đầu tiên của đội Bình Định  (17/06/2003)
Nghịch lý Cúp Quốc gia  (16/06/2003)
Bình Định mơ huy chương đồng  (16/06/2003)