41 làng nghề hiện tồn tại ở Bình Định là 41 thực thể văn hóa cần được bảo tồn. Làm thế nào để các sản phẩm của làng nghề ngày càng đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa bảo tồn được nguyên gốc những giá trị văn hóa ẩn tàng trong mỗi sản phẩm thủ công truyền thống?
* Những giá trị văn hóa
Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Công nghiệp, Bình Định có 41 làng nghề, trong đó, không ít nghề có bề dày về truyền thống, đã trở thành niềm tự hào của người dân. Đến với những làng nghề, cầm trên tay những sản phẩm thủ công truyền thống, ta không thể không cảm thấy thán phục và trân trọng.
|
Sản xuất đồ đúc đồng tại làng nghề Kim Châu, thị trấn Bình Định (An Nhơn) |
Một chiếc lư hương thời Tự Đức, tìm thấy tại chùa Ông (thị trấn Bình Định), trên khắc bốn chữ "Thọ tỷ Nam sơn", nét khắc sâu, rõ ràng, thể hiện trình độ kỹ thuật cao. Đỉnh lư là lân, biểu trưng cho sự vận động của thời gian. Thân lư đúc hình những ngôi sao, biểu tượng của không gian. Một chiếc lư đồng đã bao hàm cả vũ - trụ. Còn đây, sản phẩm của làng gốm Bình Định đầu thế kỷ XX. Những tạo phẩm thô mộc, với men đơn sắc, những họa tiết trang trí bình dị. Trước nó, ta tưởng như đang chạm tay vào một nét gì đó rất riêng, có lẽ là một phần hồn của người Bình Định. Những sản phẩm thủ công truyền thống ấy kết nên từ bàn tay tài hoa của những người thợ dân gian. Không chỉ thuần túy kỹ thuật, những sản phẩm này còn là một phần di sản văn hóa mà thế hệ trước trao truyền cho thế hệ hôm nay.
Ở một mảnh đất từng là chốn phiên trấn, rồi kinh đô và tỉnh lỵ; ở một nơi từng là "trung tâm giao dịch và mạng lưới vận chuyển nối liền Thuận Quảng, khu trung tâm của Đàng Trong với Đồng bằng sông Cửu Long", và cũng là "điểm dừng cuối ven biển của lộ trình kết nối với mạng lưới buôn bán phát sinh từ Ayudhaya- Bangkok" (Keith W.Taylor - Những xung đột vùng giữa người Việt từ TK XIII đến TK XIV - Nghiên cứu Huế, tập 3, năm 2002) thì con số 41 trên hẳn chỉ là số làng nghề còn lại sau bao thăng trầm lịch sử. Và 41 làng nghề hiện tồn ấy chính là 41 thực thể văn hóa cần được bảo tồn. Tự bản thân mỗi làng nghề, đã hòa quyện trong nó hai yếu tố cơ bản: truyền thống văn hóa, truyền thống nghề nghiệp, tạo nên nét văn hóa làng nghề. Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống Bình Định chính là gìn giữ một phần hồn Bình Định ẩn trong mỗi sản phẩm tinh tế, tài hoa.
* Làm sao để bảo tồn?
Bảo tồn văn hóa truyền thống làng nghề cũng chính là tạo điều kiện vững chắc để sản phẩm làng nghề có chỗ đứng trong lòng xã hội đương đại. Trên thực tế, người tiêu dùng hôm nay, nhất là khách nước ngoài, khi mua một sản phẩm thủ công truyền thống, không chỉ thuần túy là mua một món hàng, mà họ còn mong muốn được chia sẻ một kinh nghiệm về sản phẩm đó, những ý nghĩa phi vật thể nội hàm, về phương thức sản xuất hoàn toàn thủ công của sản phẩm. Như vậy, thay vì chỉ sản xuất ra những sản phẩm rẻ tiền, chúng ta phải sản xuất ra những sản phẩm thủ công truyền thống có giá trị văn hóa gốc, gắn với giá trị lịch sử.
Do vậy, bên cạnh những chính sách khuyến khích phát triển làng nghề cần có chương trình bảo tồn truyền thống văn hóa làng nghề. Không chỉ các làng nghề thủ công, ngay cả các làng nghệ thuật: làng hát bội, làng bài chòi rất đặc trưng Bình Định cũng cần có một kế hoạch bảo tồn như vậy. Đây sẽ là những địa danh có sức hút với khách du lịch nếu được tiếp thị tốt.
. Lê Viết Thọ |