Lên với cột cờ Lũng Cú
17:1', 18/8/ 2004 (GMT+7)

Tay chống gậy ngược đường Lũng Cú

Trong lòng còn thương nhớ Cà Mau

Biển sóng phù sa cuối trời Tổ quốc

Có giọt nắng thu mảnh đất địa đầu

        Cột cờ Lũng Cú

Đấy là bài thơ Nhớ Nguyễn Tuân của anh Cao Xuân Thái, Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Hà Giang. Bài thơ in trong tập Tổ quốc nơi cực bắc của anh do Nhà xuất bản Hội nhà văn phát hành tháng 12 năm 2003.

Bài thơ không chú thích bác Nguyễn Tuân đến Lũng Cú năm nào, hẳn đã lâu lắm, có lẽ đúng lúc đường sá chưa xong, bác phải chống gậy đi bộ. Đường lên Lũng Cú gian nan biết bao, ngay giữa mùa hạ vừa qua tôi thấy còn gian nan nữa là thời bác Nguyễn Tuân lên Lũng Cú.

Không thể nào quên được buổi sáng lên Lũng Cú ấy. Tôi đã đến Tây Nguyên, đã qua Trường Sơn, đã lên Tây Bắc, đã thấy núi non bao la, hùng vĩ và đẹp lạ lùng, nhưng lần lên Lũng Cú vùng núi non cao trên 2000 mét luôn bị mây trắng che phủ mà lòng tôi vẫn rạo rực, bởi Lũng Cú là mảnh đất địa đầu của Tổ quốc, nó nằm ở đỉnh chót vót trên bản đồ Việt Nam chúng ta!

Tôi nhớ sáng hôm đó điểm tâm xong, đoàn văn nghệ sĩ các dân tộc Việt Nam lên xe, rời phố cổ huyện lỵ Đồng Văn đi Lũng Cú ngay. Vốn có máu nghệ sĩ thích miền đất lạ, nghe nói đi Lũng Cú là anh chị em vui ra mặt.

Đường đã rải nhựa phẳng lì nhưng hơi hẹp, trời lại mưa lất phất, đường trơn giữa hố sâu tun hút. Bác tài xế cho xe trườn lên chầm chậm trên con đường độc đạo. Đồi tiếp đồi, núi tiếp núi, mà núi đồi ở đây chủ yếu là đá, đá sắc tai mèo, đá của cao nguyên đá nổi tiếng cằn cỗi và hiểm trở nhưng qua con mắt nhà văn Nguyễn Tuân gọi đó là sóng đá! Lãng mạn biết bao!

Từ huyện lỵ Đồng Văn lên đồn biên phòng Lũng Cú chừng 15 km. Xe lượn qua núi, qua đồi đến cánh đồng, có lẽ từ Lũng là ở đây. Cánh đồng hẹp nhưng đã hiện lên mấy cụm nhà cao tầng, cái đã hoàn thành, cái còn đang tô trát, cảnh tượng lao động đang sôi nổi trong mưa gió và thấy đồng bào các dân tộc, lòng tôi dạt dào như thơ Cao Xuân Thái:

... Cực Bắc ơi, lần đầu tôi đến

Ba lô trên vai hăm hở

Đôi giày vải vẹt mòn

Ngước nhìn lên

Nghẹn ngào Lũng Cú!...

            Tác giả dưới cột cờ

Xe dừng lại ngoài sân Lũng Cú hai tầng, nơi có bác sĩ người dân tộc đang thăm bệnh đồng bào người dân tộc. Lại những sắc màu thổ cẩm sặc sỡ dễ nhận ra ở các cô gái, họ đẹp với dáng vẻ hồn nhiên.

Từng tốp văn nghệ sĩ kéo nhau trên con đường dài cấp phối trơ trọi đá dăm, mắt vẫn hướng lên đỉnh đồi cao, đó là cột cờ tổ quốc.

Bậc 283 vừa bước đến chân cột cờ, lòng tôi vui vui ngước nhìn lên, không thấy gì cả ngoài một màu mây, và chung quanh cũng bàng bạc một màu mây trắng. Bên kia biên giới cũng chìm trong màn mây mưa thất thường. Nghe nói vùng biên này không có mùa hè, trời tạnh ráo năm ba hôm rồi lại âm u, lại mưa sụt sùi và gió reo réo mãi.

Bây giờ trời mưa nặng hạt, anh chị em lên đông đủ cả, họ thay nhau chụp ảnh kỷ niệm. Tôi đi vòng quanh cột cờ, nhưng không có tay vịn an toàn, nền ướt dễ trợt, mà đã trợt thì có thể nào sống nổi bởi hố sâu không thấy mặt đất đâu.

Đọc bài thơ Trong ta Lũng Cú, có đoạn Cao Xuân Thái đã nói đúng ý nghĩa:

... Nơi cao thẳm đất đai Tổ quốc

Dễ mấy ai hạnh phúc một lần

Để ngây ngất trước thiên nhiên Lũng Cú

Càng tự hào tầm vóc núi sông...

Có lẽ Cao Xuân Thái đến Lũng Cú một ngày đẹp trời, thật hạnh phúc cho anh. Tôi đến Lũng Cú một ngày mưa gió, cũng hạnh phúc cho tôi, bởi đã thấm cái lạnh lẽo ở biên giới, tôi mới hiểu thêm đồng bào các dân tộc chúng ta, bộ đội chúng ta vẫn đứng vững vàng trong mưa gió mùa này qua mùa kia, năm này qua năm khác, họ đã đổ bao mồ hôi cho hạt thóc, hạt ngô nẩy mầm vươn lên, họ đã đổ bao giọt máu để giữ vững vùng biên địa của tổ quốc chúng ta.

Đã có tranh ảnh, văn thơ của nhiều văn nghệ sĩ viết về Lũng Cú, về đồng bào các dân tộc và bộ đội ở biên giới, nhưng làm sao mô tả nổi cuộc sống sản xuất và chiến đấu của đồng bào và bộ đội biết bao nhiêu gian khổ và vinh quang, chúng tôi đến sau càng thấy mắc nợ mà món nợ văn học nghệ thuật dễ gì trả xong. Khi quay xuống, không ai bảo ai, nhưng ai cũng cảm thấy mình cần có một sáng tạo dù nhỏ, chưa thể nặng tay mà lòng mới dễ chịu.

Trong chuyến lên Lũng Cú lần này, tôi tiếc thời gian quá ngắn, không có thì giờ vào làng gặp đồng bào Mông, đồng bào Lô Lô, không gặp được anh bộ đội biên phòng để hỏi han trò chuyện. Chỉ thấy mấy em nhỏ đứng bên đường tò mò nhìn khách lạ. Rồi đến lượt các em lớn lên nối tiếp cha mẹ, ông bà gìn giữ mảnh đất này, gìn giữ cách sống, cách ăn mặc, giữ tiếng đàn và lời ca dân tộc là vẻ đẹp văn hóa nghìn đời, mà Cao Xuân Thái đã khái quát trong bài thơ Ở một đầu đất nước:

... Cao nguyên

Dấu trầm tích ngàn năm

Lực lưỡng cây nghiến cây thông

Vách đá

Tiếng trống đồng âm vang đêm Lũng Cú

Nhịp điệu vùng cao

Khát vọng

Sinh sôi...

. Hà Giao      

Quy Nhơn, 15-8-2004

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Triển lãm Mỹ thuật tỉnh năm 2004: Hy vọng ở lớp trẻ  (17/08/2004)
Dàn nhạc truyền thống của tuồng  (16/08/2004)
Thơ: Mai Thìn, Miên Linh, Cao Văn Tam   (15/08/2004)
Sân khấu truyền thống: Vẫn thiếu kịch bản hay   (13/08/2004)
Vai diễn nhỏ của những tình yêu lớn  (10/08/2004)
Ngọn quốc kỳ - bước ngoặt trong bút pháp Xuân Diệu  (09/08/2004)
Bác Hồ với nghệ thuật tuồng  (08/08/2004)
Hương ngọc lan xưa  (06/08/2004)
Thanh Lam - "Nắng lên" trong đêm hè   (06/08/2004)
Ấn tượng huyền thoại Nguyễn Ngọc Ký   (05/08/2004)
Nhạc trẻ cùng mối quan hệ: ca sĩ và manager  (04/08/2004)
Thơ Phạm Tỵ   (04/08/2004)
Tình yêu trong "Đêm của cỏ"(*)  (03/08/2004)
Mạc Can - ông hề già mê chữ   (02/08/2004)
Nguyệt và em  (30/07/2004)