Hình tượng Quang Trung qua thơ văn của người xưa
15:35', 19/8/ 2004 (GMT+7)

Do nhiều lẽ, sáng tác về Quang Trung không nhiều, không đầy đủ. Chúng ta có thể kể được: Văn tế Quang TrungAi Tư Vãn của Lê Ngọc Hân, bài thơ Thu phong quốc tang, cảm thuật của Phan Huy Ích, một số trang trong tập ký sự lịch sử Hoàng Lê nhất thống chí, thơ văn của Ngô Thì Nhậm.

Hình tượng Vua Quang Trung

Tuy vậy, chừng ấy áng văn, bấy nhiêu nét vẽ cũng có thể khái quát chân dung một con người vĩ đại: Quang Trung với những phẩm chất đầy chất hoành tráng.

Ðó trước hết là:

I - Ðạo cao năm đời đế, đức vượt ba khí thiêng

Con người vĩ đại, trước hết là con người của đạo lý của dân tộc: Trong lịch sử thế giới, có nhân vật vĩ đại nào mà lại không bắt đầu sự nghiệp bằng lập đức? Không có cơ sở để lập đức, thì nói gì đến chuyện lập ngôn, lập công!?

Bởi xét cho cùng thì các câu hỏi vì ai, cho ai vẫn là nỗi lòng canh cánh của các bậc Anh hùng thuở dựng nước và giữ nước.

Viết về con người lỗi lạc và sự nghiệp hiển hách của Quang Trung, Ngô Thì nhậm ghi tạc: "Kính nghĩ hoàng đế bệ hạ, đạo cao năm đời đế, đức vượt ba khí thiêng, phát tích từ phương Tây (tức là Tây Sơn - tỉnh Bình Ðịnh) dẹp kẻ hung tàn, cứu vớt nhân dân chìm đắm oai vũ mà nhân hậu, làm sống lại những kẻ đau thương. Theo đạo hiếu sinh, tỏ tình hòa hiếu..." (Biểu dâng thơ).

Dưới ngòi bút tài hoa của Ngô Thì Nhậm, Quang Trung là "bậc thánh hiền", "bậc thánh thông minh". Trong Thư của thị thần vua Quang Trung biện bạch về việc cầu hôn, Ngô Thì Nhậm coi quốc vương là "người thiên tư hiếu học, tuy trong chinh chiến gấp gáp, vẫn không quên bàn bạc đạo lý...". Không có đạo lý dân tộc được kế thừa từ Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi - Nguyễn Trãi, v.v… không thể có chính sách hòa hiếu với nước lớn ở bên cạnh, chính sách nhân đạo với kẻ địch thua trận, lòng thương dân khi vận nước gian nan.

Trong Văn tế Quang TrungAi Tư Vãn, hình tượng Quang Trung hiện lên như một đối tượng hoài niệm da diết của người vợ lẻ bóng hình tuy còn ở, phách thì đã theo, thương nhớ khôn nguôi, tiếc thương vô hạn. Ca ngợi Quang Trung, trước tiên ca ngợi đức độ "giúp dân dựng nước, công dường ấy mà nhân dường ấy, công đức dày, ngự vận càng lâu...".

Phan Huy Ích ví sự ra đi của Quang Trung như: Rồng đã bay đi, lòng sao kham nổi khi trông ngóng Ðỉnh Hồ, và ví mình như một chiếc nhạn lẻ bầy ở quê người, để nói Hoàng đế được đúc đỉnh ở Kinh Sơn (Ðỉnh Hồ), tu đắc đạo thành tiên rồi cưỡi rồng bay lên trời để lại chiếc di cung, bày tôi ôm cung gào khóc (Thu phụng quốc tang, cảm thuật).

Dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, đối với dân trăm họ, Hoàng đế vẫn đem "văn đức mà giáo hóa gây dựng...", được coi là chính sách hàng đầu. (Ngô Thì Nhậm; Trần tình biểu).

II- Mưu lược anh hùng, gồm tài văn võ

Văn được hiểu là đường lối chính trị tiến bộ, đường lối ngoại giao khéo léo, lý tưởng yêu nước thương dân của vua Quang Trung.

Tất cả những sự kiện này đều được Ngô Thì Nhậm phản ánh trong nhiều chiếu, biểu, hịch, văn thơ giai đoạn sáng tác thứ hai khi ông phục vụ nhà Tây Sơn.

Ðường lối chính trị tiên tiến thời đại Quang Trung là đường lối cải cách với tuyên ngôn độc lập hào sảng: "Sinh dân phải nuôi dân làm trước" (Hịch Tây Sơn), "Dân không có vua thì trông cậy vào ai? Vua không có dân thì ai giữ nước" (Chiếu cầu lời nói thẳng). Sức sản xuất trong các ngành kinh tế, việc cải cách tiền tệ được phục hồi phát triển với nhiều chính sách "khuyến nông" "khoan sức dân", "cần hiền tài". Tầm nhìn kinh tế xa rộng phù hợp với xu thế của thời đại, của nền kinh tế hàng hóa. Mở cửa biên giới đối với láng giềng, tăng cường quan hệ buôn bán với thuyền buôn các nước phương Tây là một yêu cầu khách quan, chứng tỏ chính sách đối ngoại hội nhập của vị minh quân Quang Trung.

Còn tài thao lược trong lĩnh vực quân sự của Quang Trung được phản ánh nhiều nét trong văn học Tây Sơn.

Rõ rệt hơn cả là trong văn xuôi của Ngô Thì Nhậm. Chỉ một đoạn văn ngắn do đại thần họ Ngô dự thảo cho một tờ chiếu cũng đủ rõ đường lối quân sự của Nguyễn Huệ là đường lối chiến tranh tự vệ, lên án kẻ gây chiến là kẻ gieo tội ác, còn nhân dân hai nước muốn hòa hiếu, muốn sống trong thái bình, thịnh vượng: "Trẫm theo lẽ trời và thuận lòng người, nhân thời cách mệnh, lấy việc binh nhung mà định thiên hạ. Ðấng vương giả coi bốn bể như một nhà, các người nên thể lòng Trẫm mà bỏ sự ngờ sợ để báo ơn Trẫm".

III- Cảnh ly biệt, mạch sầu tuôn...

Bình sinh, Nguyễn Huệ là người con có hiếu.

Vào mùa hè năm Kỷ Dậu, mẹ vua Quang Trung ốm. Vua sai Ngô Thì Nhậm viết thư cho Phúc Khang An (Tổng đốc Lưỡng Quảng) nhờ Phúc mau giúp một ít nhân sâm để trị bệnh, cứu thân mẫu. Tiếp được thư, một mặt Phúc báo cáo lên vua Càn Long, ông vua Trung Quốc đã ra lệnh lấy ở kho thượng phương một cân nhân sâm tặng vua Quang Trung rồi cho người mang sâm đến Lạng Sơn đưa cho các quan nhà Tây Sơn.

Quang Trung là một người chồng chung thủy, một ông vua rất mực yêu con.

164 câu thơ thể song thất lục bát trong Ai Tư Vãn của Lê Ngọc Hân nói lên điều đó. Cái chết đột ngột của Quang Trung không chỉ là "mối sầu riêng", không chỉ là "nỗi con côi cút, nỗi mình bơ vơ" mà còn là tổn thất lớn cho sự nghiệp nhà Tây Sơn, cho cả đất trời Việt Nam:

Trông nam thấy nhạn sa lác đác,

Trông bắc thì ngàn bạc màu sương...

Cái chết của Quang Trung là một thách thức lớn đối với cuộc đời còn lại của Ngọc Hân, của gia đình bà, và cả sự nghiệp nước ta: Nỗi đoạn trường còn sống còn đau. Cái chết của Quang Trung là bất tử bởi vì sự nghiệp Tây Sơn vẫn còn với nhân dân và sống trong lòng nhân dân:

Công nghiệp nhiều tuổi thọ thêm cao,

Mà nay áo vải cờ đào,

Giúp dân dựng nước biết bao công trình?!

Cái chết của Quang Trung làm động lòng cả phương Bắc, thương tiếc một CON NGƯỜI viết hoa, một vị Anh hùng mà chính sách ngoại giao chiến lược lấy "ngọn bút thay giáp binh" đã cứu được hàng chục vạn người dân vô tội của cả hai nước.

Nghe tin Quang Trung mất, vua Càn Long đích thân viết thư báo cho Phúc Khang An, lệnh cho các quan nhà Thanh làm lễ tế điệu. Ðược tin dữ, Phúc rất thương xót người Anh hùng áo vải.

Trong thư gửi cho Nguyễn Quang Toản của Phúc có đoạn: "Bản tước các bộ đường cùng Tiền quốc vương (chỉ vua Quang Trung) đã từng đem lòng thành liên kết rất sâu. Nhớ khi tiến quân vào chầu, tâm sự sớm chiều, bàn soạn nửa năm, lúc cùng ngồi thuyền, lúc cùng đi bộ thường thường đem tâm sự với nhau. Ðến lúc quốc vương về nước, chia tay ở Hán Dương, cùng nhau than thở, quyến luyến nhớ thương...".

Câu thơ sau cùng trong bài Vũ hành (Ði trong mưa) của Ngô Thì Nhậm nói hộ cho những suy đoán của người đời sau về thái độ trân trọng, sự khâm phục của vua quan nhà Thanh đối với tài ba lỗi lạc, uy danh lừng lẫy của vua Quang Trung.

Tất cả các vị quan to (ở đất bắc) đều cúi đầu làm lễ

Ai ai cũng không quên Tiên vương của chúng ta.

. Theo Nhân dân

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Lên với cột cờ Lũng Cú   (18/08/2004)
Triển lãm Mỹ thuật tỉnh năm 2004: Hy vọng ở lớp trẻ  (17/08/2004)
Dàn nhạc truyền thống của tuồng  (16/08/2004)
Thơ: Mai Thìn, Miên Linh, Cao Văn Tam   (15/08/2004)
Sân khấu truyền thống: Vẫn thiếu kịch bản hay   (13/08/2004)
Vai diễn nhỏ của những tình yêu lớn  (10/08/2004)
Ngọn quốc kỳ - bước ngoặt trong bút pháp Xuân Diệu  (09/08/2004)
Bác Hồ với nghệ thuật tuồng  (08/08/2004)
Hương ngọc lan xưa  (06/08/2004)
Thanh Lam - "Nắng lên" trong đêm hè   (06/08/2004)
Ấn tượng huyền thoại Nguyễn Ngọc Ký   (05/08/2004)
Nhạc trẻ cùng mối quan hệ: ca sĩ và manager  (04/08/2004)
Thơ Phạm Tỵ   (04/08/2004)
Tình yêu trong "Đêm của cỏ"(*)  (03/08/2004)
Mạc Can - ông hề già mê chữ   (02/08/2004)