Bài ca đầu tiên về người lính cách mạng
11:25', 20/8/ 2004 (GMT+7)

Từ chỉ thị của đồng chí Vũ Quý, Văn Cao đã viết được "Tiến quân ca" cho đội quân Việt Minh với nét nhạc mở đầu hành khúc phảng phất giai điệu Lưu Thủy và là sự tiếp nối những "Thăng Long Hành khúc ca", "Đống Đa" với những bước tiến trong ca từ và trong nét nhạc.

Sau khi "Tiến quân ca" được chính Văn Cao viết lên đá in trên trang Văn nghệ đầu tiên của báo Độc Lập in bí mật ở Bát Tràng, Văn Cao lại phấn chấn nghĩ về hình ảnh người chiến sĩ Việt Nam mai đây mà ông chưa làm sao hình dung ra được. Có thể không hình dung nổi hình dáng thì vẫn hình dung được tinh thần của người lính ấy. Đấy là những chàng "chinh phu mới" tuy vẫn "mong da ngựa bọc thân thể trai" nhưng đã mang một tinh thần mới "nguyện tranh đấu cho giống nòi" và "thề phục quốc tiến lên Việt Nam, lập quyền dân tiến lên Việt Nam". Với suy nghĩ ấy, Văn Cao đã dựng lên hình ảnh "chiến sĩ Việt Nam" tuy phảng phất hình ảnh "chinh phu" "thét roi cầu Vị ào ào gió thu" nhưng tinh thần thì rất ăn nhập với tinh thần cách mạng khi ấy. Vẫn nét nhạc đầu mang âm hưởng dân tộc (si-rế-si-la-sol), Văn Cao nhanh chóng lùi nét nhạc xuống một quãng tám với giai điệu nửa hình sin (si-rê-sol-sol-fa#-mi-rê):

Bao chiến sĩ anh hùng

Lạnh lùng vung gươm ra sa trường.

Âm nhạc bắt đầu bước vào những bước đi rầm rập của những đồng âm ngắn "quân xung phong", "mang tay người" và tiến tới một kết hợp dài:

Ngựa phi nơi xa kia nghe súng vang bên trời điệu kèn rộn ràng

rồi lại trở về đồng âm ngắn "trang nam nhi" "sống thác coi thường" để tiếp nối thêm kết hợp dài diễn tả sự trùng điệp không ngớt của đoàn quân:

Bừng nghe dư âm mênh mông khúc anh hùng ca reo nơi biên cương

Câu mở đầu được nhắc lại nhưng không phải sự phát triển của bước chân mà là sự thăng hoa của tinh thần:

Bao chiến mã lên đường

Giục lòng dân quân thi can trường

Nguyện tranh đấu cho giống nòi

Hận thù bao năm căm lòng đất nước tang tóc.

"Chiến sĩ Việt Nam" ngay từ khi ra đời đã được đông đảo quần chúng chấp nhận. Những người lính cách mạng từ chiến khu trở về Hà Nội sau Cách mạng Tháng Tám đã coi "Chiến sĩ Việt Nam" là bài hát của mình. Sau "Chiến sĩ Việt Nam", Văn Cao còn sáng tạo ra "Hải quân Việt Nam" và "Không quân Việt Nam" bằng tưởng tượng của mình nhưng lại là tiên đoán cho sự hùng mạnh tương lai của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Trong trận Điện Biên, "Chiến sĩ Việt Nam" đã được tấu lên từ trận mở màn Him Lam. Họ đã sống, chiến đấu, hy sinh tự nguyện từ rung cảm những giai điệu hào hùng này. Đó là sức mạnh của nghệ thuật, sức kêu gọi, liên kết đám đông của âm nhạc.

. Nguyễn Thụy Kha

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hình tượng Quang Trung qua thơ văn của người xưa   (19/08/2004)
Lên với cột cờ Lũng Cú   (18/08/2004)
Triển lãm Mỹ thuật tỉnh năm 2004: Hy vọng ở lớp trẻ  (17/08/2004)
Dàn nhạc truyền thống của tuồng  (16/08/2004)
Thơ: Mai Thìn, Miên Linh, Cao Văn Tam   (15/08/2004)
Sân khấu truyền thống: Vẫn thiếu kịch bản hay   (13/08/2004)
Vai diễn nhỏ của những tình yêu lớn  (10/08/2004)
Ngọn quốc kỳ - bước ngoặt trong bút pháp Xuân Diệu  (09/08/2004)
Bác Hồ với nghệ thuật tuồng  (08/08/2004)
Hương ngọc lan xưa  (06/08/2004)
Thanh Lam - "Nắng lên" trong đêm hè   (06/08/2004)
Ấn tượng huyền thoại Nguyễn Ngọc Ký   (05/08/2004)
Nhạc trẻ cùng mối quan hệ: ca sĩ và manager  (04/08/2004)
Thơ Phạm Tỵ   (04/08/2004)
Tình yêu trong "Đêm của cỏ"(*)  (03/08/2004)