Đáp ứng nhu cầu ngày càng phải nâng cao chất lượng các tác phẩm múa trong phong trào nghệ thuật quần chúng, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam phối hợp với Cục Văn hóa - Thông tin cơ sở (Bộ Văn hóa - Thông tin) tổ chức lớp tập huấn biên đạo múa phong trào cơ sở tại Trung tâm VHTT tỉnh. Hơn 60 học viên đến từ nhiều tỉnh trong cả nước, trong đó, có 32 học viên Bình Định, đã dự tập huấn…
* Không chỉ nâng cao tay nghề cho biên đạo
|
Tiết mục múa "Thiếu nữ Chăm" (Tuyết Anh - Bình Thuận) |
"Việc tổ chức tập huấn lần này ở Bình Định, không chỉ nâng cao tay nghề cho các biên đạo, mà có lợi ngay với lực lượng diễn viên" - đó là tâm sự của biên đạo Thu Hương (tỉnh Bình Định). Điều khá đặc biệt trong lớp tập huấn này là tổ chức cho các diễn viên múa dự thính. Đây vừa là nguồn nhân lực để các biên đạo thực hành dàn dựng tiết mục, nhưng cũng vừa góp phần nâng cao trình độ diễn viên. Đồng thời, khi bắt tay vào dàn dựng các tiết mục thì chính các diễn viên đã học được thêm rất nhiều, từ các chất liệu cơ bản, kỹ năng xử lý âm nhạc trong nghệ thuật múa, đến từng động tác...
Để đạt được thành công như vậy, 3 tuần trong cái nóng oi bức của mùa hè (từ ngày 3 đến 23-8), thầy trò cùng ướt đẫm mồ hôi, nỗ lực rèn luyện. Học viên được các NSƯT, các biên đạo có nghề như NSƯT Nguyễn Vũ Hoài, NSƯT Như Bình, NSƯT Trần Ngọc Hiển… truyền thụ những hiểu biết phổ cập về nghệ thuật múa, các chất liệu múa cơ bản, những kỹ năng biên đạo cụ thể trong sáng tác, dàn dựng tiết mục múa. Với một giáo trình hợp lý và phương pháp giảng dạy nghiêng về tính chất ứng dụng và thực dụng, các học viên có thể nhanh chóng áp dụng vào công việc hằng ngày của mình.
Buổi trình diễn báo cáo với 23 tiết mục được dàn dựng từ hơn 40 kịch bản, đề cương kịch bản của các học viên, tuy không hoành tráng nhưng đã tạo trong người xem nhiều thiện cảm. Do thời gian dàn dựng khá ngắn ngủi (chỉ trong 10 ngày cuối của đợt tập huấn) nên chúng ta chỉ có thể xem những tiết mục này như những phác thảo chi tiết, bản dựng đầu tiên. Tuy nhiên, các học viên đã vận dụng khá hiệu quả những kỹ năng biên đạo vừa được truyền thụ vào dàn dựng. Và qua các tiết mục này, phần nào cho thấy sự nỗ lực sáng tạo, tìm tòi của học viên. Có những đề tài khó như Tình quân dân (biên đạo Thu Hương) nhưng nhờ cách xử lý bằng ngôn ngữ múa một cách thông minh nên đem đến cho người xem nhiều ấn tượng. Nhiều tác phẩm múa khai thác tốt chất liệu múa dân gian các dân tộc như Thiếu nữ Chăm (Tuyết Anh - Bình Thuận), Nhịp sống Rak Grey (Kim Hà - Ninh Thuận)… Có tác phẩm, theo đánh giá của NSƯT Vũ Hoài tại lễ tổng kết lớp học, có chất lượng sánh ngang với tác phẩm của một số đơn vị nghệ thuật múa chuyên nghiệp ở địa phương.
Tất nhiên, ai cũng biết con đường để trở thành một biên đạo chuyên nghiệp không thật dễ dàng. Mỗi người từ lúc vào học đến khi ra trường đều phải mất trên dưới cả chục năm. Ngay như ở Bình Định, lực lượng biên đạo chuyên nghiệp cũng chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Số còn lại, chủ yếu vẫn là những biên đạo từ phong trào, chưa được đào tạo, bồi dưỡng, trang bị kiến thức nào về nghệ thuật múa nên chất lượng múa phong trào nghệ thuật quần chúng chưa cao. Lớp tập huấn đã góp phần nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ làm công tác dàn dựng chương trình nghệ thuật quần chúng ở địa phương. Không phải ai dự tập huấn rồi cũng sẽ trở thành biên đạo, nhưng cái quan trọng của lớp tập huấn là vạch ra con đường để vươn lên tính chuyên nghiệp của nghề biên đạo.
* Nhưng vẫn còn quá đại trà
Trình độ học viên tham gia lớp tập huấn khá khác biệt. Có người chỉ là cán bộ phong trào, có người là ca sĩ không chuyên, thậm chí có cả nhân viên khách sạn, nhưng lại cũng có diễn viên nhiều kinh nghiệm hay đã qua các lớp tập huấn ngắn hạn, thậm chí cả biên đạo chuyên nghiệp. Chính đặc điểm này phần nào đã tạo nên sự hạn chế của đợt tập huấn. Do vậy, ngay trong các tiết mục được dàn dựng, có tiết mục giảng viên phải góp công rất nhiều để giúp học viên thể hiện được ý tưởng. Có những tiết mục khai thác chất liệu dân gian còn thô sơ, những động tác đã được khai thác nhiều nên đã trở thành lối mòn. Lại có tiết mục tác giả như chỉ ghép vội những động tác đã thành mô típ lại cho thành tác phẩm, chưa thể hiện sự trau chuốt, tìm tòi, có lúc ta có cảm giác như tác giả bê nguyên xi vũ đạo một nhân vật trong một trích đoạn tuồng quen thuộc, lắp thêm vài động tác… Ngay những tiết mục đi vào đề tài hiện đại cũng không tránh khỏi việc lặp lại những mô típ quá quen. Tất nhiên, đây không là hạn chế riêng của các tiết mục báo cáo, mà chính là hạn chế chung của nghệ thuật múa trong phong trào nghệ thuật quần chúng cần được thẳng thắn nhìn nhận.
Nói vậy là để khi nhìn vào thực chất phong trào múa nghệ thuật quần chúng hiện nay, chúng ta có thể vun đắp cho những ước mơ xa hơn. Trong đó, có việc tổ chức thường xuyên hơn những đợt tập huấn như thế này. Có vậy, mới hy vọng tạo thêm những nét khởi sắc trong phong trào múa nghệ thuật quần chúng hiện nay.
. Lê Viết Thọ |