|
Trường học không thể thiếu cây xanh. Ảnh: Văn Tư |
Giữa trưa hè oi nóng, những cô cậu học sinh phổ thông đi xe đạp, những bà đi chợ Bình Định kẽo kẹt gánh hàng, các anh đạp xe ba gác mồ hôi nhễ nhại, những người đi xe gắn máy và cả người ngồi trên xe ôtô sang trọng có gắn máy lạnh vẫn dừng lại dưới gốc cây đa cổ thụ xóm Cá - Kim Châu tỏa bóng mát cả một không gian rộng. Trên vòm lá cây cao vút gió thổi rì rào, những con chim hót ríu rít và nhảy nhót. Dưới gốc đa bà bán hàng giải khát mời khách uống nước.
Một lần về An Nhơn, nhạc sĩ lão thành Văn Ký, một người đã từng đi khắp nơi trong nước, đứng dưới gốc đa đã trầm trồ: “Không dễ gì nơi nào có được cây đa đại thụ và dáng vẻ đẹp như cây đa này”. Về tuổi thọ của cây đa xóm Cá tôi nghe cụ Võ Nhân trên 80 tuổi, một người rất am tường đất thành Bình Định, nói rằng, theo ông nội của cụ kể thì trước khi xây thành Bình Định (1814) đã có cây đa này rồi. Hồi ấy cây đa đứng kề cây xộp, lâu dần hai cây ôm quấn nhau thành một, nên gọi là cây đa hay cây xộp cũng không sai. Cứ thế mà tính ngược thời gian thì cây đa này đã 200 tuổi có dư.
Những ngày đón Tết vui Xuân, dưới gốc cây đa càng rộn rã, vui hẳn lên. Lũ trẻ tụm năm tụm bảy bày trò chơi; người qua kẻ lại, từ già đến trẻ ai nấy đều quần áo chỉnh tề, đi lễ chùa, nhà thờ, đi chúc mừng năm mới người thân, bạn bè, rồi rủ nhau chụp hình dưới gốc đa để làm kỷ niệm, đón những ngọn gió nồm đầu xuân, ai nấy như có thêm luồng sinh khí trong lành, dễ chịu.
Gốc cây đa đại thụ xóm Cá to đến mức năm, bảy người dang tay ôm mới xuể, thân nó thô nháp, lồi lõm, xù xì, sừng sững giữa đất trời trên hai thế kỷ. Vẫn trầm tư và lão thực, vẫn xum xuê tỏa bóng mát cho đời và vẫn xum xuê trong ký ức của mỗi người dân ở làng quê Kim Châu - thành Bình Định - tỉnh lỵ, phủ lỵ rồi huyện lỵ An Nhơn. Tiếc rằng cây đa hiếm có này nếu đứng ở một vị trí sân chùa, đình làng hay công viên văn hóa, một điểm du lịch… và có người chăm sóc trông nom thì sẽ còn tăng giá trị và ý nghĩa, đẹp hơn, hấp dẫn du khách hơn, nhiều người, nhiều nơi biết hơn.
Màu xanh thực vật rất cần cho sự sống của con người và các loại động vật. Nhiều nhà sinh lý thực vật học đã khẳng định: “Thực vật có ý nghĩa vũ trụ”. Chiếc lá xanh như một nhà máy kỳ diệu tạo ra năng lượng từ ánh sáng mặt trời, là quá trình quang hợp. Những khóm lá xanh thoảng trước làn gió nhẹ thật là không tầm thường chút nào đối với cuộc sống vốn dĩ không thể tách rời với thiên nhiên.
Nước ta ở vào khu vực khí hậu nhiệt đới, cây cỏ xanh tươi, nhất là cứ đến độ xuân về thì cây đâm chồi nảy lộc. Những tàn cây phượng vĩ, cây bàng, me tây, bằng lăng, xà cừ… ở các sân trường, công viên và hai bên đường lá non xanh mơn mởn; lúa vụ đông xuân đang thì con gái xanh mượt mà như trải thảm.
Ngoài việc cho ra hoa thơm, quả ngọt, cây ăn quả cũng như cây lấy gỗ và cây ngắn ngày khác, các loại cây xanh đều làm chức năng quan trọng là lọc bầu không khí. Trong quá trình quy hoạch, xây dựng phát triển đô thị, kể cả đô thị hóa nông thôn, các nhà làm quy hoạch, kế hoạch đã tính đến chuyện kéo rừng về phố, về đồng bằng, khoanh nuôi những lâm viên giữa phố đông dân cư (dĩ nhiên là rừng trồng chứ không phải cây đào gốc từ trên núi đưa về, sẽ dẫn tới lợi bất cập hại). Cây xanh còn đưa lên ban công, sân thượng với dáng Bonsai, cây thế, tạo dáng thu nhỏ như trúc, tùng, sanh, đề, sung, cần thăng… Tôi nhớ có một tài liệu đã viết, tính toán diện tích cây xanh cho mỗi đầu người từ 100 - 150m2, riêng ở thành phố là từ 10-15m2. Được như vậy thì thảm thực vật sẽ làm dịu ánh nắng bức xạ mặt trời, góp phần giảm bớt nhiệt độ đang ngày càng nóng dần trên hành tinh chúng ta.
Tiếc rằng, thời gian cùng sự tác động của thiên nhiên và những năm tháng chiến tranh, và cả nguyên nhân do con người gây ra, nên những cây đại thụ ở An Nhơn như cây đa - xóm Cá (thị trấn Bình Định), cây thị - Cù Lâm (Nhơn Lộc), cây duối - Thiết Tràng (Nhơn Mỹ) có niên đại hơn vài thế kỷ không còn được bao nhiêu, và vẫn chưa có cây nào xứng tầm để kế cận, thay thế. Trên các tuyến giao thông nội - ngoại thành, cây xanh gần như mới trồng và tỉ lệ sống quá ít, nhất là những đoạn đường không có nhà ở, không có cơ quan, trường học. Cơ quan quản lý đô thị, bảo vệ môi trường cây xanh từ cấp huyện đến cơ sở và không ít người dân vẫn còn thờ ơ, chưa mặn mà gì đến cây xanh, chiếc xe tải đụng người thì bị tội chứ còn đâm ngã cây xanh có ai chịu phạt đâu!
Dải đất miền Trung dựa lưng vào núi rừng Tây Nguyên bạt ngàn xanh ngắt, ngửa mặt ra biển Đông lộng gió, nhưng hằng năm hứng chịu bao nhiêu bão lụt đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Bao nhiêu cây xanh đổ ngã, xơ xác, tiếc nhất là những cây lâu năm, nhiều rặng phi lao chắn cát ven biển cũng bật gốc trống trơn. Đến mùa hè, cây thưa thớt không đủ sức chắn gió, chắn cát, biển xâm thực vào đất liền, đường đi bị lấp, bị lở, nước mặn tràn vào đồng ruộng…
Cây xanh thật quý biết nhường nào, góp phần tạo nên diện mạo phố phường, làng quê, xanh ngắt những đồi nương, những lũy tre làng, những cánh đồng… Cây xanh đã làm cho con người và thiên nhiên xích lại gần nhau, gắn bó nhau. Có người nói, cây xanh là một dạng di sản, góp phần giữ gìn bộ nhớ cho một địa danh, một di tích. Cây cổ thụ là thước đo độ dày lịch sử của làng, xã, phố, thị.
Cách đây mấy năm, khi Nghị định 36/CP của Chính phủ ra đời làm cho đường thông, hè thoáng, đông đảo nhân dân ai cũng đồng tình, nhưng nhiều nơi trong tỉnh vận dụng một cách máy móc, cây cối bị đốn chặt trơ trụi, kể cả cây xanh hai bên những con đường làng ở nông thôn. Ở các thành phố lớn, công ty đô thị họ quản lý cây xanh rất chặt chẽ, theo dõi lý lịch từng loại cây, có kế hoạch chăm sóc cụ thể, không ai có quyền được xâm hại đến cây trên vỉa hè, mọi người đều có ý thức bảo vệ cây xanh. Đường phố có tiến hành cải tạo, nắn tuyến cũng phải tính đến việc giữ gìn cây xanh, hạn hữu lắm mới chặt đốn, nhất là những cây thâm niên.
Còn ở huyện, xã, thị trấn thì nhiều nơi cây xanh bị đốn chặt không thương tiếc mỗi khi có đường điện đi qua, khi làm đường giao thông, xây dựng công sở… Có cơ quan, nhiều cây me, cây bàng cao tuổi đang tỏa bóng mát trước sân, vậy mà khi xây dựng trụ sở mới đã đốn hạ trống trơn để làm hoa viên cho đẹp. Làm hoa viên, công viên trước công sở là cần thiết, tạo cảnh quan, một trong những tiêu chuẩn để xem xét công nhận “công sở văn hóa”, nhưng quy hoạch xây dựng hoa viên nếu được gắn với việc bảo vệ sử dụng cây xanh lâu năm đã có sẵn thì lại vừa đẹp, vừa mát, giữ không khí trong lành, yên tĩnh.
Vẫn biết, cây là cây, cây mọc lên hoặc trồng rồi lớn và chết. Chết già, chết chặt, chết thui do cháy, chết do bão lụt… Thoát các cái chết ấy là thành cây đại thụ như các bô lão thượng thọ trong gia tộc, trong làng, trong phố. Có cây còn cao tuổi hơn cả những ngôi đình, ngôi chùa, già nua hơn những con đường làng, đường tổng. Ôi, những cây đa, cây đề, cây phượng, cây bàng… dù ở đâu cũng xum xuê tỏa bóng mát cho đời, bởi cây cối tạo màu xanh, màu xanh thì vô cùng cần thiết cho cuộc sống con người.
|