Bên thềm xuân
20:7', 28/1/ 2008 (GMT+7)

Hoa niên. Ảnh: Hoàng Tuấn

“Én thả xuân về gieo lối mộng

Ta mơ nắng đến ngập đường hoa…”

Trong ánh sáng nhạt nhòa sương phủ, những lá những cành đây đó khẽ cựa mình sau những ngày dài ẩm ướt mưa giông. Dậy tự lòng một cảm giác xuyến xao. Chớm xuân - khoảnh khắc giao mùa - cái dấu nối thời gian đầy chênh vênh từ Đông tàn hướng đến Xuân sinh. Không gian, thời gian và con người như chìm vào hạt sương, ngọn cỏ. Cả “vũ trụ như hóa thành một đóa triêu nhan” vừa hé nụ. Tất cả hòa lẫn trong ta một cảm giác bồng bềnh thực hư hư thực. Như “mái lều êm”, như “sương mù”, như “tiếng ve thấu xuyên vào đá…” như cánh hoa đào bảng lảng trong mưa… Và như bài Haiku giữa dòng mây hoa bàng bạc, tạo cho người cảm giác chông chênh.

Người bảo Haiku, loại thơ hướng đến nắm bắt những khoảnh khắc mong manh của cảm xúc, cái khoảnh khắc mà con người không còn nhận ra mình khi đứng trước thiên nhiên. Xuất phát từ cảm thức mỹ học Thiền, “con người và thiên nhiên là đồng nhất thể, con người và vạn vật không tách rời nhau, mà gắn bó với nhau trong một mối tương giao, tương nhập, tương tức”. Viết về hoa, nhà thơ không còn là nhà thơ, hoa không còn là hoa nữa mà nhà thơ là hoa, hoa thành nhà thơ vậy.

Xưa Trang Tử nằm mộng thấy mình hóa bướm, tỉnh ra, phân vân không biết mình là bướm hay bươm bướm là mình. Theo dòng thời gian, câu chuyện ấy đọng lại ý thơ trong hồn Basho, người đã bao lần “hóa làm mùa xuân, làm cánh bướm, làm  tình yêu của con  người”:

“Kimi ya chô

Ware ya Shôshi ga

Yume gokoro”

(Em là bướm ư

ta là giấc mộng

trong hồn Trang Chu)   

(Nhật Chiêu dịch)

Đi vào giữa cảnh đất trời đang vào xuân cảm thấy như mình bay trong một không gian vô bờ bến, cái bến bờ của sự hòa điệu vạn vật “đúng như nó là” (sono - mama) tĩnh tại, tự nhiên. Một thế giới “vô tâm, vô ý”, tình cảnh hòa làm một. Không gian bao la mở ra cho trí tưởng tượng của con người. Nào thân cỏ “nở hoa trong im lặng”, chiếc lá rơi từ thăm thẳm “mắc cạn ở màu xanh”, nào tiếng chim ríu rít trên cành tan vào bình minh khắc khoải, hay cành lan còn thoang thoảng hương đêm… hiện hữu mà hư hao. Đẹp như “cánh hoa đào” trong lời thơ Shirouma: “Từ bốn phương trời/ Cánh hoa đào lả tả/ Gợn sóng hồ Biwa”.

Và rồi một sớm thức dậy nhớ cánh đào mỏng manh, sự mỏng manh của bao sinh linh bé mọn đời thường. Cánh mộc lan còn ngái ngủ, mưa chuồn chuồn thảng hoặc trên không, những chú ốc sên chưa kịp về hốc cỏ… cũng lắng lòng để cảm hương xuân mơn man cùng gió sớm. Những chiếc lá xuân còn luyến lưu sương giá cho trời xanh hòa lẫn mây hoa.

Người đời biết đến Nhật Bản, đất nước của trà đạo, của hoa anh đào, núi Phú Sỹ… và của Haiku. Ngày nay, nước Nhật đã đổi thay nhiều. Nhưng ngay trong lòng thành phố, bên cạnh những cao ốc chọc trời, vẫn còn những nếp lều nằm lặng lẽ giữa vườn cây. Sự dung dị, nét đơn sơ hòa trong sự sang trọng của phố phường làm nên một nước Nhật đẹp trong sự dung hợp giữa nét truyền thống và hiện đại.

Người Nhật bây giờ, ít ai làm thơ Haiku, nhưng tinh thần “hài cú đạo” sẽ xuyên suốt trong lòng thơ hiện đại. Và nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, vẫn còn nhiều tâm hồn nặng lòng với loại thơ “bé hạt tiêu” này, vẫn lặng lẽ gieo hạt cho mùa sau.

Trời đất giao thoa thay tiết đổi mùa. Đất miền Trung se se lạnh. Tháng Chạp. Chao nghiêng những cánh én lưng trời…

  • N.H.T
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vãn cảnh Eo Gió  (28/01/2008)
Đám cưới chuột - bức tranh Xuân hay và đẹp  (28/01/2008)
Ăn uống ngoài đồng  (28/01/2008)
Những cái Tết kỳ thú trên thế giới  (28/01/2008)
Câu lạc bộ Xuân Mậu Tý  (28/01/2008)
Giáo dục quốc phòng: Khơi dậy và phát huy lòng yêu nước của mỗi người  (19/01/2008)
Phong trào thi đua quyết thắng của lực lượng vũ trang huyện Tuy Phước  (19/01/2008)
Tình nguyện xung kích chung sức cùng cộng đồng khắc phục hậu quả lũ lụt  (19/01/2008)
Nơi kết nối những ý tưởng  (19/01/2008)
Chén trà trong sương sớm  (19/01/2008)
Nghề truyền thống thăng hoa  (19/01/2008)
Tôn vinh vẻ đẹp nữ doanh nhân Việt Nam  (19/01/2008)
Khi họ biết mình là ai…  (19/01/2008)
Gian nan chỗ ở học sinh  (19/01/2008)
Bệnh của thời @!  (19/01/2008)