Tây Sơn: Báo động số vụ ly hôn tăng nhanh
Thời gian gần đây, số vụ ly hôn trên địa bàn huyện Tây Sơn ngày càng tăng, đa số là vợ chồng trẻ và vợ đứng đơn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hôn nhân rạn nứt phải dắt nhau ra tòa và phía sau tờ giấy ly hôn là những tổn thương không gì bù đắp được đối với con trẻ.
Liên tục tăng
Bà Phạm Thị Phương Thảo, Chánh án TAND huyện Tây Sơn, cho hay: Vài năm trở lại đây, số vụ ly hôn xảy ra trên địa bàn huyện ngày càng tăng cao, từ 30 - 40% so với các năm trước. Năm 2018, Tòa thụ lý giải quyết 282 vụ; năm 2019 là 295 vụ. Nhưng chỉ 4 tháng đầu năm 2020 đã thụ lý 264 vụ, trong đó nhiều nhất là tháng 3 với 83 vụ.
TAND huyện Tây Sơn xét xử một vụ tranh chấp ly hôn vắng mặt người vợ.
Trong các xã, thị trấn, số trường hợp ly hôn nhiều nhất ở xã Bình Nghi (chiếm trên 59% cả huyện), tiếp theo là thị trấn Phú Phong, xã Bình Tường và Tây Phú. Số vụ ly hôn xảy ra ở địa bàn nông thôn nhiều hơn. Đối tượng ly hôn gồm đủ thành phần như cán bộ, công nhân, nông dân, người kinh doanh, mua bán. Trong các vụ ly hôn, tỷ lệ người vợ đứng đơn luôn cao gấp 2 lần so với người chồng. Điều đáng lo ngại là có trên 70% số vụ ly hôn rơi vào các cặp vợ chồng trẻ, thường ở nhóm tuổi từ 20 - 30 và hầu hết đều đã có từ 1 - 2 con nhỏ.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ly hôn. Ly hôn do ngoại tình, như trường hợp của ông V. và bà H. ở xã Bình Tân. Vợ chồng sống hạnh phúc được 23 năm thì đến tháng 9.2018 phát sinh mâu thuẫn. Nguyên nhân do bà H. có quan hệ với người đàn ông khác và đã bỏ nhà đi 4 lần. Vì còn thương con nên ông V. đã bỏ qua, nhưng bà H. vẫn tiếp tục tái diễn. Tháng 8.2019, hai người được Tòa án giải quyết ly hôn.
Một số trường hợp khác xuất phát từ cờ bạc, bạo hành. Sau khi cưới nhau, chung sống hạnh phúc được một thời gian, anh T. (ở xã Bình Thành) và chị H. (ở xã Tây Phú) phát sinh mâu thuẫn từ chuyện anh T. cờ bạc, đánh đập chị H. Chị đã nhiều lần cho cơ hội nhưng anh T. tính nào tật nấy không sửa đổi. Mâu thuẫn không được giải quyết triệt để nên ngày càng trầm trọng, hạnh phúc không thể hàn gắn, tình cảm vợ chồng không còn; hai người ly hôn vì “không thể nào sống chung được nữa”.
Ngoài ra, có nhiều cặp vợ chồng có nghề nghiệp ổn định, điều kiện kinh tế khá giả nhưng mải lo làm kinh tế, thiếu quan tâm đến tình cảm gia đình, dần dà phai nhạt rồi xảy ra “chiến tranh lạnh”, dẫn đến ly hôn. Đặc biệt, tình trạng ly hôn do không có con trai “nối dõi tông đường” và bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra.
Rèn luyện kỹ năng xây dựng gia đình
Theo bà Nguyễn Thị Giang Nam, Thẩm phán TAND huyện Tây Sơn, tình trạng ly hôn gia tăng phần nhiều do nhận thức về giá trị đạo đức gia đình đã có nhiều thay đổi. Do vậy, để hạn chế ly hôn, cần chú trọng xây dựng giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống gia đình, có sự cân đối, hài hòa giữa đạo đức, kinh tế. Chú trọng giải pháp kinh tế là tạo việc làm ổn định cho giới trẻ. Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hòa giải, nêu gương. Tạo ra sức đề kháng đối với cá nhân trước tác động tiêu cực của xã hội.
Chánh án TAND huyện Tây Sơn Phạm Thị Phương Thảo cho rằng, ngày nay, tình trạng ly hôn xảy ra quá dễ dàng và ngày càng gia tăng. Luật pháp thừa nhận việc ly hôn nhưng không phải mọi người đều dễ dàng chấp nhận ly hôn. Chính điều này đặt ra vấn đề là các bậc cha mẹ phải trang bị kiến thức về hôn nhân gia đình cho các bạn trẻ trước khi thành hôn, trách nhiệm khi sống cuộc sống vợ chồng. Cần rèn luyện kỹ năng xây dựng gia đình thông qua việc thực hiện, phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững. Qua đó, góp phần cùng địa phương hạn chế thấp nhất tình trạng ly hôn đang báo động hiện nay.
VĂN PHONG